Logistics Việt Nam: Bao giờ dịch vụ khá, giá phải chăng?

(PLO) - Logistics được đánh giá là ngành dịch vụ có ảnh hưởng rất lớn đến nền kinh tế nhưng nó lại chưa được quan tâm đúng mức ở Việt Nam, khiến chất lượng thấp, giá đắt đỏ. 
Muốn logistics Việt Nam phát triển mạnh, cần tăng cường đầu tư hạ tầng và kết nối các phương thức vận tải
Muốn logistics Việt Nam phát triển mạnh, cần tăng cường đầu tư hạ tầng và kết nối các phương thức vận tải

Nhận diện điểm yếu...

Theo ông Lê Duy Hiệp - Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp (DN) Logistics Việt Nam, ngành này đang phát triển ở nước ta với tốc độ từ 15-16%/năm. Năm 2016 Việt Nam chi 41,26 tỷ USD, tương đương 20,8% GDP cho dịch vụ logistics.

Chúng ta có khoảng 3.000 DN hoạt động trong ngành dịch vụ logistics, trong đó khoảng 1.300 là DN vừa và nhỏ. 70% các hoạt động logistics tại Việt Nam do DN nước ngoài thực hiện; 30% còn lại do DN Việt Nam vận hành, chủ yếu tham gia vào dịch vụ mang lại ít giá trị gia tăng như vận tải nội địa, dịch vụ cảng biển, cảng hàng không, kho bãi, khai báo hải quan, giám định, kiểm nghiệm hàng hóa, bốc dỡ hàng hóa… 

Cũng theo ông Hiệp, điểm yếu của các DN logistics Việt Nam là chi phí dịch vụ đắt, chất lượng cung ứng dịch vụ yếu. Theo ông Hiệp, việc giảm chi phí logistics, nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển ngành dịch vụ logistics là một yêu cầu cấp bách đối với Việt Nam. Vậy làm gì để ngành logicstics phát triển trong tương lai?

Theo tìm hiểu của PLVN, Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Quyết định 200/QĐ-TTg ngày 14/2/2017 thông qua Kế hoạch hành động nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics Việt Nam đến năm 2025. Đây là lần đầu tiên nước ta có một kế hoạch hành động logistics tầm quốc gia toàn diện và là nội dung, động lực cho ngành dịch vụ logistics Việt Nam phát triển. 

Theo Chủ tịch Hiệp hội logistics Việt Nam, Quyết định số 200 đề ra 60 nhiệm vụ với 4 nội dung của hệ thống logistics; mục tiêu đến năm 2015, tỷ trọng đóng góp ngành logistics vào GDP đạt 8% - 10%, tốc độ tăng trưởng đạt 15% - 20%, tỷ lệ thuê ngoài dịch vụ logistics đạt 50% - 60%, chi phí logistics giảm xuống tương đương 16% - 20% GDP, xếp hạng theo chỉ số năng lực quốc gia về logistics (LPI) trên thế giới đạt từ 50 trở lên.

Ngành Logistics Việt Nam có thực hiện được những nhiệm vụ đã được Chính phủ đề ra hay không phụ thuộc vào nỗ lực của từng DN và cơ sở thực tiễn của ngành hiện nay. Theo một số chuyên gia kinh tế, nền kinh tế nước ta đang có đà tăng trưởng tốt thời gian qua. Đặc biệt, năm 2017, kinh tế Việt Nam đạt mức tăng trưởng 6,81% là tiền đề quan trọng cho việc tăng trưởng của ngành dịch vụ logistics. 

Cơ chế tích cực

Một số chuyên gia kinh tế nhận xét, chính sách và luật lệ liên quan đến các hoạt động logistics đang có thay đổi theo hướng tạo thuận lợi cho DN hoạt động. Việc bổ sung sửa đổi Nghị định 08/2015/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật Hải quan về thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát, kiểm soát hải quan và việc thực hiện Nghị quyết 19-2007/NQ-CP của Chính phủ về kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu sẽ tạo thuận lợi cho thương mại và hoạt động logistics.

Trong đợt cắt giảm các điều kiện kinh doanh vừa được Bộ Công Thương tuyên bố mới đây, Nghị định 140/2007/NĐ-CP ngày 5/9/2007 về điều kiện kinh doanh dịch vụ logistics sẽ được sửa đổi, cắt giảm. Việc này sẽ tạo thuận lợi cho việc kinh doanh dịch vụ logistics và đầu tư của nước ngoài vào ngành dịch vụ này, phù hợp với tiến trình hội nhập của Việt Nam. Việc ký kết và thực hiện các Hiệp định FTA thế hệ mới sẽ thúc đẩy sản xuất, thương mại và đầu tư phát triển mạnh mẽ, qua đó tạo tiền đề cho hoạt động logistics phát triển vượt bậc trong thời gian tới.

 Ngoài ra, kết cấu hạ tầng logistics đang được đầu tư phát triển mạnh mẽ. Quốc hội đã thông qua kế hoạch phát triển đường cao tốc Bắc - Nam theo từng giai đoạn, phát triển sân bay quốc tế Long Thành. Việt Nam và Lào nhất trí phát triển đường cao tốc Viêng Chăn - Hà Nội, Việt Nam và Campuchia đã thông qua kế hoạch xây dựng đường cao tốc Nông Pênh - TP HCM. Khi đi vào hoạt động những công trình giao thông này sẽ tạo thuận lợi cho vận tải xuyên biên giới trong khu vực.

Theo chuyên gia kinh tế TS.Nguyễn Minh Phong, để ngành logistics phát triển, Việt Nam cần đột phá cơ chế quản lý Nhà nước, bao gồm cả chính sách hỗ trợ phát triển dịch vụ logistics, pháp luật điều chỉnh ngành, bộ máy quản lý để bảo đảm vai trò hỗ trợ, kiến tạo môi trường tự do kinh doanh lành mạnh, bình đẳng; phát triển hạ tầng logistics, xây dựng các trung tâm logistics và các DN dịch vụ logistics đầu tàu, chuyên nghiệp, có sức cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế.

Cũng theo TS. Phong, cần rà soát các cam kết quốc tế về dịch vụ logistics tại WTO, ASEAN và các hiệp định thương mại tự do (FTA), từ đó xây dựng phương án đàm phán cam kết về dịch vụ logistics tại các FTA trong tương lai và kiến nghị các biện pháp đảm bảo tránh xung đột trong cam kết về logistics tại các diễn đàn quốc tế, tránh xung đột giữa cam kết quốc tế về logistics với pháp luật trong nước. 

Mục tiêu logistics đóng góp 8 - 10% GDP

“Quyết định 200/QĐ-TTg ngày 14/2/2017 về Kế hoạch hành động nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics Việt Nam đã đặt mục tiêu đến năm 2025, tỷ trọng đóng góp ngành logistics vào GDP đạt 8% - 10%, tốc độ tăng trưởng đạt 15% - 20%, tỷ lệ thuê ngoài dịch vụ logistics đạt 50% - 60%, chi phí logistics giảm xuống tương đương 16% - 20% GDP, xếp hạng theo chỉ số năng lực quốc gia về logistics (LPI) trên thế giới đạt từ 50 trở lên”.

Đọc thêm