Mua gạo dự trữ quốc gia: Vì sao hàng loạt nhà thầu “xù” ký hợp đồng?

(PLVN) - Nhiều doanh nghiệp, trong đó có cả tổng công ty nhà nước đến phút chót chấp nhận mất tiền bảo đảm dự thầu để từ chối ký Hợp đồng bán gạo nhập kho dự trữ quốc gia với các Cục Dự trữ nhà nước (DTNN), dù đã được thông báo trúng thầu.
Cục DTNN khu vực Tây Nam Bộ đã phải hủy kết quả lựa chọn nhà thầu gói thầu cung cấp gạo DTQG gia năm 2020, với tổng cộng 4.500 tấn (Ảnh minh họa)
Cục DTNN khu vực Tây Nam Bộ đã phải hủy kết quả lựa chọn nhà thầu gói thầu cung cấp gạo DTQG gia năm 2020, với tổng cộng 4.500 tấn (Ảnh minh họa)

Chấp nhận mất tiền dự thầu do biến động giá

Liên tục trong mấy ngày gần đây, các Cục DTNN khu vực đã ra thông báo  hủy kết quả trúng thầu các gói thầu cung cấp gạo nhập kho dự trữ quốc gia (DTQG) năm 2020 với lý do: nhà thầu không đến ký hợp đồng, từ chối cung cấp gạo.

Đơn cử, ngày 13/4, Cục DTNN khu vực Tây Nam Bộ thông báo hủy thầu và hủy kết quả lựa chọn nhà thầu gói thầu cung cấp gạo DTQG  năm 2020 với tổng cộng 4.500 tấn gạo do các nhà thầu không đến hoàn thiện và ký kết hợp đồng hoặc nhà thầu từ chối thương thảo hợp đồng.

Trong đó, Tổng Công ty Lương thực Miền Bắc: 1.500 tấn; Công ty TNHH XNK Lương thực Bình Minh Hai: 2.200 tấn; Công ty CP Lương thực Cao Lạng: 800 tấn. Cục DTNN khu vực Tây Nam Bộ đã thu hồi tiền bảo đảm dự thầu nộp ngân sách nhà nước (NSNN) theo quy định.

Cùng thời gian này, Cục DTNN khu vực Bình Trị Thiên thông báo hủy kết kết quả lựa chọn nhà thầu cung cấp 10.500 tấn gạo, cũng với lý do là các nhà thầu từ chối ký hợp đồng. Đó là các doanh nghiệp: Công ty TNHH Phát Tài, Công ty CP Lương thực Cao Lạng, Công ty CP Lương thực Hà Tĩnh, Công ty CP XNK Lương thực Thành Sang, Công ty CP Lương thực Hà Nam Ninh, Công ty CP Lương thực Thanh Nghệ Tĩnh...

Mới đây nhất - ngày 14/4, Cục DTNN khu vực Tây Bắc thông báo hủy 8 gói thầu với số lượng 8.600 tấn gạo với lý do các nhà thầu trúng thầu đều từ chối hoàn thiện, ký kết hợp đồng. Trong số đó, Công ty TNHH Thương mại Chương Tho: 2.300 tấn; Công ty CP Lương thực Hà Nam Ninh: 2.600 tấn; Công ty CP Lương thực Cao Lạng: 1.300 tấn…

Trao đổi với PLVN, đại diện Tổng cục DTNN cho biết, nguyên nhân nhà thầu từ chối ký hợp đồng, dẫn đến Cục DTNN phải hủy thầu chủ yếu là do giá biến động tăng quá cao so với thời điểm trúng thầu. Các nhà thầu sẵn sàng mất số tiền bảo đảm dự thầu để không ký hợp đồng cung cấp gạo DTQG. Như vậy, số tiền  bảo đảm dự thầu (theo quy định là 2% giá trị trúng thầu) đều được nộp vào NSNN.

Ký hợp đồng giao gạo dự trữ xong mới được xuất khẩu?

Đại diện Tổng cục DTNN cũng lưu ý, số 7.700 tấn gạo mua được vừa rồi là số gạo mua tăng thêm hàng năm theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ (không phải tổng số gạo có trong kho DTQG) nên vấn đề an ninh lương thực quốc gia vẫn đảm bảo.

“Chúng tôi đang chuẩn bị đấu thầu lại để đảm bảo đủ lượng gạo nhập kho  DTQG. Dự kiến thời gian mở thầu trong tháng 5 này vì theo quy định của Luật Đấu thầu cũng phải sau 20 ngày kể từ ngày đăng tin, dự kiến hoàn thành đấu thầu trong tháng 5 và nhập kho trong tháng 6. Trước thời điểm mở thầu, Bộ Tài chính sẽ khảo sát giá thị trường để đưa ra mức giá sát nhất” - đại diện Tổng cục DTNN chia sẻ. 

Trả lời PLVN về việc đến tháng 6/2020, nếu giá gạo lại lên và các doanh nghiệp có thể lại không ký hợp đồng với các Cục DTNN thì sẽ giải quyết như thế nào? Đại diện Tổng cục DTNN cho biết sẽ thực theo quy định của Luật Đấu thầu.

Trước đó, tham gia ý kiến đối với dự thảo Báo cáo Thủ tướng Chính phủ về phương án điều hành xuất khẩu gạo, tại Công văn 4355/BTC-QLG ngày 10/4 gửi Bộ Công Thương, Bộ Tài chính cho biết, Tổng cục DTNN đã đấu thầu và trúng được 178.000/190.000 tấn gạo mua dự trữ năm 2020, nhưng có hiện tượng các doanh nghiệp đã được phê duyệt kết quả trúng thầu và thông báo kết quả trúng thầu từ chối ký hợp đồng hoặc không đến ký hợp đồng theo quy định với số lượng gạo là 160.300 tấn.

Do đó, Bộ Tài chính đề nghị chỉ cho phép xuất khẩu gạo với những DN đã trúng thầu với Cục DTNN khu vực và phải ký hợp đồng, giao gạo xong cho các Cục DTNN khu vực và cũng chỉ được thực hiện xuất khẩu gạo sau ngày 15/6/2020. 

Tuy nhiên, trước đó - ngày 6/4, Bộ Công Thương đã có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc xuất khẩu gạo, trong đó đề nghị có thể cho phép tiếp tục xuất khẩu gạo nhưng phải kiểm soát chặt số lượng theo từng tháng, trước mắt trong tháng 4 xuất khẩu 400 nghìn tấn gạo. Đề xuất này đã được Thủ tướng Chính phủ đồng ý. 

Đọc thêm