Nhiều kênh trung gian “tiếp tay” lưu thông… hàng giả

(PLVN) - Xử lý hàng giả trên thương mại điện tử (TMĐT) khó khăn gấp nhiều lần so với hàng hóa hiện hữu trong đời sống thực, nhất là hiện nay nhiều kênh trung gian đang vô tình tiếp tay cho lưu thông hàng giả.
Cục QLTT Lạng Sơn kiểm tra một cửa hàng giày sử dụng facebook để bán hàng
Cục QLTT Lạng Sơn kiểm tra một cửa hàng giày sử dụng facebook để bán hàng

Kênh hữu hiệu tiêu thụ hàng giả

Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) cho biết, TMĐT hiện nay đang trở thành một kênh tiêu thụ “hiệu quả” các loại hàng giả, hàng gian lận, hàng cấm, dẫn đến mất lòng tin của người tiêu dùng. Năm 2018, riêng Cục QLTT Hà Nội đã xử phạt gần nửa tỷ đồng các vụ liên quan đến TMĐT. 

Điển hình là Đội QLTT quận Nam Từ Liêm đã bắt và thu giữ một website bán các sản phẩm kích dục với giá trị lên tới gần 2 tỷ đồng. Mới đây nhất, Cục QLTT Hà Nội và TP HCM đã phối hợp với Cục An ninh mạng và tội phạm công nghệ cao (Bộ Công an) thu giữ hơn 2.000 sản phẩm hàng giả các nhãn hiệu thời trang nổi tiếng của 2 website menshop79.com và menshopfashion.com. Theo dữ liệu máy tính của 2 website này, số tiền thu về sau khi bán hàng giả đã lên tới 20 tỷ. 

Các hành vi vi phạm chủ yếu là thiết lập website TMĐT bán hàng mà không thông báo với cơ quan nhà nước có thẩm quyền; không cung cấp đầy đủ thông tin về thương nhân, tổ chức, cá nhân sở hữu website. Các thông tin về hàng hóa, dịch vụ, giá cả, vận chuyển, giao nhận, phương thức thanh toán cũng không rõ ràng…

Lãnh đạo Tổng cục QLTT cho hay, hàng hóa giao dịch TMĐT đều được thanh toán qua trung gian nên các cơ quan chuyển phát vô hình trung trở thành vận chuyển hàng giả, hàng gian vì hầu hết các loại giao dịch trên nền tảng internet đều không có hóa đơn chứng từ... Đặc biệt, để tìm dấu vết người bán - người mua khi giao dịch với phương thức thanh toán điện tử hết sức khó khăn do các quy định bảo mật của ngân hàng, trong khi đó, các sàn TMĐT lại chưa có công cụ kiểm soát hiệu quả. Đây chính là điều gây ra nhiều khó khăn cho lực lượng QLTT.

Ông Đàm Thanh Thế  - Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia cũng nói, tình trạng hàng giả, hàng nhái diễn ra rộng rãi là do các lực lượng chức năng chưa nhận diện được các thủ đoạn kinh doanh trên TMĐT nên chưa kiểm soát được tình hình gian lận. Bên cạnh đó, hệ thống văn bản pháp luật chưa theo kịp sự phát triển công nghệ và chế tài xử lý chưa đủ sức răn đe. 

Khó xử lý 

Ông Thế cho biết, để xử lý được một vụ buôn bán hàng giả, hàng nhái trên TMĐT là  không đơn giản. Bởi dù có nhìn thấy nhiều hoạt động khả nghi nhưng để đi đến tận cùng thì cần phải phối hợp rất nhiều lực lượng. Cộng thêm việc người tiêu dùng chưa biết cách tự bảo vệ mình trước những thủ đoạn điển hình của các đối tượng gian lận như bán giá rẻ hơn, cộng nhiều ưu đãi hơn… nên việc đấu tranh với hàng giả trên mạng TMĐT càng khó khăn. 

Tổng cục trưởng Tổng cục QLTT Trần Hữu Linh cũng chỉ ra, một trong số các nguyên nhân khó xử lý hàng giả trên  mạng là các chủ thể kinh doanh hàng hóa vi phạm thường có quy mô nhỏ lẻ (không có sẵn hàng hoặc cất giấu hàng ngay tại chỗ ở) nên  khó phát hiện, kiểm tra và xử lý vi phạm. Việc tịch thu hàng hoá vi phạm hay việc áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả (như buộc nộp lại lợi nhuận bất hợp pháp hoặc số tiền tương đương trị giá tang vật đã bị tiêu thụ…) rất khó thực hiện.

Chưa kể, hiện nay việc chủ động phát hiện vi phạm trên mạng gặp nhiều khó khăn, hạn chế do các đối tượng vi phạm thường giới thiệu trên website là mẫu hàng chính hãng, nhưng khi giao hàng thì giao hàng giả hoặc không rõ nguồn gốc, không bảo đảm chất lượng mà người mua hàng rất khó phát hiện. Các website và các trang mạng xã hội dễ dàng được tạo ra và đóng lại trong thời gian nhanh và khó kiểm soát. 

Ngoài ra, các giao dịch trực tiếp nhỏ lẻ (chuyển hàng và thanh toán trực tiếp) cũng không dễ kiểm soát. Cụ thể, nhiều giao dịch được thực hiện chủ yếu qua điện thoại, tin nhắn và giao nhận hàng bằng xe gắn máy rất cơ động. Hoặc khi đã xác định được đối tượng vi phạm và tiến hành kiểm tra để xử lý thì đối tượng cho rằng,  các trang TMĐT, các trang mạng xã hội như Facebook, Zalo, Instagram hay tài khoản trên các sàn TMĐT không phải do các đối tượng này thiết lập để kinh doanh mà là do có đối tượng khác kinh doanh hàng hóa vi phạm.

Đặc biệt, sự phối hợp giữa các doanh nghiệp, chủ sở hữu nhãn hiệu đối với các cơ quan chức năng thực thi còn chưa chặt chẽ. Lãnh đạo Tổng cục QLTT cho biết, pháp luật quy định, xử lý vi phạm đối với hành vi sản xuất, kinh doanh hàng giả cần có đơn yêu cầu của chủ thể quyền, trong đó chỉ có rõ cách nhận biết hàng giả, đối tượng vi phạm. Tuy nhiên, đa phần các chủ sở hữu đều không muốn công khai cách nhận biết hàng thật - hàng giả do lo ngại các đối tượng làm hàng giả. Hoặc việc tham gia của các chủ thể quyền còn hạn chế, nhất là đối với các sản phẩm có nguồn gốc nước ngoài không phân phối chính hãng, không có văn phòng đại diện tại Việt Nam.

Đọc thêm