Nhiều rào cản phát triển năng lượng tái tạo

(PLVN) - Tại “Diễn đàn Nghị quyết 55-NQ/TW  và các giải pháp phát triển NLTT tại Việt Nam” do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức hôm 28/10, nhiều DN đã chia sẻ những khó khăn khi đầu tư vào dư án NLTT.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Ông Nguyễn Hoài Bắc, Chủ tịch HĐQT Công ty IQLinks, Giám đốc Công ty CP ĐMT Sunseap Link Việt Nam nhớ lại, khi DN bắt đầu đầu tư dự án điện vào năm 2016, dự án công suất trên 50MW phải trình Thủ tướng chấp thuận. Một bộ hồ sơ gửi lên, Bộ Công Thương sẽ gửi xin ý kiến 12 đơn vị sau đó mới trình Thủ tướng, chưa kể tất cả các cấp địa phương sẽ thẩm định sau khi Thủ tướng phê duyệt.? Vậy chưa nói đến cấp địa phương, chỉ cần 1 trong 12 cơ quan trung ương này “buồn” chút thôi là dự án dừng lại, ông Bắc chia sẻ.

Cùng với thủ tục cấp phép, một loạt vấn đề về chính sách, đất đai, giá FIT… cũng khiến DN này lao đao. DN cho biết, chính sách do Chính phủ đưa ra, nhưng 2 năm sau lại thay đổi, trong khi thủ tục DN theo 3 năm chưa xong. Việc liên kết, liên doanh với bà con nông dân là không thể do quy định đất đai phải được thu hồi sau đó mới cho thuê lại. DN rất khó làm việc với từng bà con. Bên cạnh đó, giá đền bù đất hiện cũng chưa có. Giá FIT đã hết hạn trong khi đấu giá chưa được thực hiện… DN này cũng đề nghị cần bình đẳng trong công tác đấu thầu bới đang có sự phân biệt các loại điện gió, ĐMT, điện LNG.

TS Mai Huy Tân – Giám đốc Công ty TNHH Nhịp cầu Việt Đức (VIDEBRIDGE) cho biết, DN của ông đã đưa công nghệ điện rác của Đức vào Việt Nam, công nghệ khí hóa rác thải sau khi phân loại để biến thành điện năng. Tuy nhiên, cái khó vẫn là thủ tục phức tạp khiến DN đưa công nghệ này vào từ 2016 đến nay chưa được cấp phép.

Ông Tân cho biết thêm, trước kia Bộ Xây dựng được giao là đơn vị chủ quản cho vấn đề điện rác giờ chuyển sang Bộ TN&MT nhưng đến nay chưa có tiêu chí về công nghệ điện rác, DN đã tổng kết và đưa ra 13 tiêu chí cần có để lựa chọn công nghệ điện rác cho Việt Nam tuy nhiên bao giờ DN được cấp phép vẫn là câu hỏi ngỏ…

Về chính sách phát triển NLTT, từ góc độ nhà đầu tư và tập hợp ý kiến của các nhà đầu tư, ông Thịnh cho rằng không cần phải có luật về NLTT bởi luật pháp của Việt Nam đã bao trùm tất cả. “Để làm một dự án có 5- 6 luật chi phối như luật xây dựng, luật quy hoạch, luật xây dựng, luật đất đai,… tạo nên một vòng tròn để DN hoạt động. Càng nhiều vòng tròn thì room cho DN hoạt động ngày càng nhỏ. Vấn đề là chúng ta thực thi những cái đang có như thế nào?” – Chủ tịch Hiệp hội điện gió Bình Thuận phát biểu.

“Nghị quyết 55 không chỉ định hướng phát triển cho lĩnh vực NLTT ở Việt Nam, mà còn nắm bắt được xu hướng phát triển, đảm bảo nhu cầu năng lượng của khu vực. Nếu được thực hiện đúng hướng, có thể sẽ có cuộc “đổ bộ” lớn của các nhà đầu tư vào lĩnh vực NLTT, đây thực sự là động lực cho phát triển nền kinh tế Việt Nam.

Tuy nhiên, quá trình phát triển “thần tốc” này cũng đang đặt ra những thách thức mới về sự phát triển đồng bộ của hệ thống lưới điện, sử dụng đất, cơ chế giá điện, công nghệ, nguồn nhân lực/việc làm và nguồn tài chính. Đến thời điểm này vẫn còn nhiều điểm nghẽn khiến nhiều dự án chậm triển khai, thậm chí mất phương hướng và có nguy cơ hủy bỏ.

Việc quản lý, phối hợp giữa các Bộ, ngành và địa phương về thực thi chính sách trong một số trường hợp chưa rõ ràng, thiếu chặt chẽ. Công tác nghiên cứu quy hoạch và dự báo cung cầu còn yếu; công tác chỉ đạo, tổ chức thực hiện triển khai còn nhiều vướng mắc…

Đọc thêm