Quyết tâm gỡ 'thẻ vàng' đối với thủy sản vào đầu năm 2019

(PLO) - Phát biểu tại buổi làm việc với đoàn công tác của Nghị viện Châu Âu về chống khai thác IUU, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Nguyễn Xuân Cường  khẳng định, quyết tâm của Việt Nam là khắc phục được “thẻ vàng” của Ủy ban Châu Âu (EC), từ đó hình thành nghề cá phát triển bền vững, có trách nhiệm với đại dương,  tiến đến xây dựng ngành kinh tế thuỷ sản phát triển bền vững…
Việt Nam quyết tâm gỡ “thẻ vàng” với thủy sản vào đầu năm 2019. Ảnh minh họa
Việt Nam quyết tâm gỡ “thẻ vàng” với thủy sản vào đầu năm 2019. Ảnh minh họa

Thủy sản ảnh hưởng vì thẻ vàng

Theo thống kê từ các doanh nghiệp (DN) lớn thường xuyên xuất khẩu (XK) thủy sản sang thị trường EU (Châu Âu), do dính “thẻ vàng” IUU nên trong năm 2018, dù rất nỗ lực và cố gắng nhưng các DN gặp không ít khó khăn. Ước tính, doanh số mỗi năm XK sang thị trường này đạt 350-400 triệu USD, chiếm 16-17% tổng XK hải sản của cả nước. Tuy nhiên, đến hết tháng 9/2018, XK hải sản sang thị trường này giảm tới 25% so với cùng kỳ 2017, còn 252 triệu USD.

Theo đánh giá của Hiệp hội Chế biến và XK thủy sản Việt Nam (VASEP), thẻ vàng IUU đã khiến giảm nhập khẩu hải sản khai thác từ Việt Nam. Cơ quan này dự báo sẽ còn giảm tiếp trong thời gian tới tùy vào nỗ lực tháo gỡ “thẻ vàng” của Chính phủ và các bộ, ngành từ Trung ương tới địa phương. Trong đó XK các mặt hàng mực, bạch tuộc, cua ghẹ, cá biển sang EU sẽ tiếp tục giảm mạnh do vướng mắc trong thủ tục chứng nhận xác nhận nguồn gốc khai thác.

Trao đổi với PLVN, bà Nguyễn Thị Hồng Minh (Chủ tịch danh dự VASEP) cho rằng, quy định của EU rất chặt chẽ trong việc giám sát cả chuỗi hải sản từ khai thác đến thu mua và chế biến. “Mặc dù đã có nhiều cố gắng nhưng về phía các DN, họ đang gặp nhiều khó khăn, tốn rất nhiều thời gian, tiền bạc cũng như cơ hội kinh doanh do các khâu kiểm soát và chứng nhận nguồn gốc nguyên liệu thiếu hợp lý. Thậm chí, nhiều DN phải nhập hàng trước rồi đợi xác minh giấy tờ, rất mất thời gian. Điều này cần phải được cải thiện từ khâu trước đó là đánh bắt minh bạch sẽ có lợi cho cả ngư dân và DN”, bà Minh cho biết.

VASEP cho rằng, khi bị cảnh cáo thẻ vàng IUU thì 100% các lô hàng hải sản Việt Nam vào thị trường này sẽ bị giữ lại để kiểm tra nguồn gốc khai thác, sẽ tốn thêm thời gian, chi phí và rủi ro cho DN XK sang đây. Chưa kể tác động từ EU cũng sẽ kéo theo những thị trường khác áp dụng các biện pháp kiểm soát ngặt nghèo hơn.

Sự vào cuộc mạnh mẽ từ Trung ương tới địa phương

Tại buổi làm việc với Đoàn công tác của Nghị viện Châu Âu sáng ngày 30/10, Bộ trưởng Bộ NN&PTNN Nguyễn Xuân Cường khẳng định: “Quyết tâm của Việt Nam là khắc phục được “thẻ vàng” của EC, từ đó hình thành nghề cá phát triển bền vững, có trách nhiệm với đại dương; tiến đến xây dựng ngành kinh tế thuỷ sản phát triển bền vững”.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, việc EC áp dụng “thẻ vàng” đối với hải sản khai thác của Việt Nam cũng là cơ hội để Việt Nam thay đổi nhận thức và hướng tới nghề cá phát triển bền vững; chấn chỉnh lại việc quản lý tài nguyên biển một cách bền vững.

Bộ NN&PTNT đã tham mưu cho Chính phủ, Quốc hội thông qua Luật Thuỷ sản (sửa đổi); trong đó các khuyến nghị của EC đã được luật hoá. Bên cạnh đó, các văn bản dưới Luật cũng đã được ban hành với sự hỗ trợ của các chuyên gia từ EU; từ đó tăng tính khả khi của các văn bản dưới Luật, sớm đi vào cuộc sống.

Đánh giá về kết quả thực hiện khắc phục “thẻ vàng”, ông Nguyễn Ngọc Oai - Quyền Tổng cục trưởng Tổng cục Thuỷ sản cho hay, đơn vị đang chỉ đạo các địa phương ven biển khẩn trương hoàn thiện việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình (Movimar) cho tất cả các tàu cá đánh bắt xa bờ có chiều dài từ 24m trở lên. “Việt Nam cũng cam kết đến tháng 4/2019 sẽ hoàn thành việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình cho tàu cá đánh bắt xa bờ”, ông Oai nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, Bộ NN&PTNT cũng đã ký kết quy chế phối hợp với Bộ Quốc phòng trong việc kiểm soát các tàu cá hoạt động trên biển. Đồng thời, tích cực tham gia, phối hợp với các tổ chức quốc tế trong việc chống khai thác bất hợp pháp. Chính vì quyết liệt triển khai các giải pháp, đến nay, tình hình tàu cá vi phạm vùng biển của các nước quốc đảo Thái Bình Dương hầu như chấm dứt; việc kiểm tra, kiểm soát tàu cá hoạt động trên biển có bước tiến bộ tích cực thời gian qua.

Trao đổi với Báo PLVN, ông Nguyễn Quang Hùng - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản, Bộ NN&PTNT cho biết, sau khi làm việc với các cơ quan trung ương, Đoàn Ủy ban nghề cá Nghị viện Châu Âu sẽ đi thực địa tại Bình Định và Quảng Ninh. Chuyến đi của đoàn là cơ sở để kiến nghị với EC sớm gỡ “thẻ vàng” với XK thủy sản của Việt Nam. Một cuộc kiểm tra vào đầu tháng 1/2019 sẽ quyết định việc có gỡ “thẻ vàng” cho thủy sản Việt Nam hay không.

Đọc thêm