Sắp nâng gấp đôi mức vay ưu đãi từ Quỹ quốc gia về việc làm

(PLVN) - Kể từ ngày 8/11/2019, mức vay ưu đãi từ Quỹ quốc gia về việc làm đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ kinh doanh và người lao động sẽ được nâng gấp đôi so với quy định hiện hành.
Nhờ vốn vay ưu đãi 30 triệu đồng, gia đình anh Nguyễn Đức Đổi (xã Dân Hòa, huyện Thanh Oai) đầu tư máy móc và mua nguyên vật liệu duy trì và phát triển nghề truyền thống, có việc làm và thu nhập ổn định
Nhờ vốn vay ưu đãi 30 triệu đồng, gia đình anh Nguyễn Đức Đổi (xã Dân Hòa, huyện Thanh Oai) đầu tư máy móc và mua nguyên vật liệu duy trì và phát triển nghề truyền thống, có việc làm và thu nhập ổn định

Nghị định số 74/2019/NĐ-CP về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 61/2015/NĐ-CP quy định về chính sách hỗ trợ tạo việc làm và Quỹ quốc gia về việc làm, sẽ có hiệu lực từ ngày 8/11/2019, theo đó sẽ có những thay đổi trong việc cho vay ưu đãi đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ kinh doanh (cơ sở sản xuất, kinh doanh) và người lao động để tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm.

Cơ sở sản xuất, kinh doanh được vay tới 2 tỷ đồng 

Trước đó, tại Nghị định 61/2015/NĐ-CP quy định, mức vay 01 cơ sở sản xuất, kinh doanh tối đa là 01 tỷ đồng và không quá 50 triệu đồng cho 01 người lao động được tạo việc làm. Đối với người lao động, mức vay tối đa là 50 triệu đồng.

Các mức vay trên được nâng lên tại Nghị định số 74/2019/NĐ-CP. Cụ thể, đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh, mức vay tối đa là 02 tỷ đồng/dự án và không quá 100 triệu đồng cho 1 người lao động được tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm. Đối với người lao động, mức vay tối đa là 100 triệu đồng.

Mức vay cụ thể do Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) xem xét căn cứ vào nguồn vốn, chu kỳ sản xuất, kinh doanh, khả năng trả nợ của đối tượng vay vốn để thỏa thuận với đối tượng vay vốn.

Bên cạnh đó, thời hạn vay vốn cũng được tăng từ không quá 60 tháng lên tối đa 120 tháng. Thời hạn vay vốn cụ thể do NHCSXH xem xét căn cứ vào nguồn vốn, chu kỳ sản xuất, kinh doanh, khả năng trả nợ của đối tượng vay vốn để thỏa thuận với đối tượng vay vốn.

Về điều kiện bảo đảm tiền vay, Nghị định 74/2019/NĐ-CP quy định đối với mức vay từ 100 triệu đồng trở lên, cơ sở sản xuất, kinh doanh phải có tài sản bảo đảm tiền vay theo quy định pháp luật về giao dịch bảo đảm.

Về lãi suất vay vốn đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh và người lao động (tại khoản 1 Điều 12 Luật Việc làm), Nghị định 74/2019/NĐ-CP sửa đổi theo hướng tăng từ bằng lãi suất cho vay đối với hộ nghèo lên bằng lãi suất cho vay đối với hộ cận nghèo.

Nghị định cũng hướng dẫn về hồ sơ vay vốn đối với người lao động và cơ sở sản xuất, kinh doanh (cơ sở sản xuất, kinh doanh sử dụng từ 30% tổng số lao động trở lên là người khuyết tật; cơ sở sản xuất, kinh doanh sử dụng từ 30% tổng số lao động trở lên là người dân tộc thiểu số; cơ sở sản xuất, kinh doanh sử dụng từ 30% tổng số lao động trở lên là người khuyết tật và người dân tộc thiểu số).

Tăng mức vay ưu đãi đi xuất khẩu lao động 

Đối với người lao động vay vốn ưu đãi để đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, nếu Nghị định 61/2015/NĐ-CP quy định mức vay trên 50 triệu đồng phải có tài sản bảo đảm, thì Nghị định 74/2019/NĐ-CP đã tăng mức vay phải có tài sản đảm bảo phải từ 100 triệu đồng trở lên.

NHCSXH huy động nguồn vốn để cho vay hỗ trợ người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng được Nhà nước cấp bù chênh lệch lãi suất và phí quản lý theo quy định pháp luật về quy chế quản lý tài chính đối với NHCSXH. Kết quả thực hiện sẽ được NHCSXH báo cáo kết quả thực hiện tới Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.

Mức vay, thời hạn vay vốn, lãi suất vay vốn, điều kiện bảo đảm tiền vay đối với dự án vay vốn hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm, điều kiện bảo đảm tiền vay đối với dự án vay vốn hỗ trợ người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng từ Quỹ quốc gia về việc làm đã được phê duyệt trước ngày 8/11/2019  thực hiện theo quy định tại Nghị định số 61/2015/NĐ-CP.

Đọc thêm