Tại sao hợp đồng ký kết là “linh hồn” các dự án PPP?

(PLVN) - Luật PPP mới cần nới lỏng quy định để hợp đồng giữa nhà đầu tư và cơ quan quản lý Nhà nước có những điều khoản linh hoạt, là thỏa thuận bình đẳng giữa các bên. Khi đó, hợp đồng sẽ là “linh hồn” dự án PPP, khuyến khích nhà đầu tư tham gia hình thức đầu tư này.
Tập đoàn Đèo Cả cho biết quá trình thực hiện dự án PPP gặp nhiều khó khăn do vướng mắc cơ chế chính sách.
Tập đoàn Đèo Cả cho biết quá trình thực hiện dự án PPP gặp nhiều khó khăn do vướng mắc cơ chế chính sách.

Lý thuyết chung chỉ ra rằng các dự án thực hiện theo phương thức đối tác công tư (PPP) thì Nhà nước và Doanh nghiệp (DN) là bình đẳng trong thực hiện dự án. Tuy nhiên thực tế triển khai các dự án PPP, nhiều DN cho rằng, trong các quy định hiện hành, phía Nhà nước luôn giữ thế chủ động, chưa thật sự có sự bình đẳng. Điều này chưa khuyến khích nhiều DN tham gia vào các dự án PPP.

Doanh nghiệp muốn được bình đẳng

Ngày 18/6/2020 Quốc hội đã ban hành Luật PPP tạo hành lang pháp lý nhằm đẩy mạnh phát huy tiềm năng, huy động nguồn lực tư nhân tham gia đầu tư phát triển kinh tế - xã hội đất nước. Luật PPP sẽ có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2021. Nhằm tạo điều kiện để luật PPP được thực thi một cách có hiệu quả, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KHĐT) đang tiến hành soạn thảo hai Nghị định là Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật PPP (Nghị định chung) và Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật PPP về lựa chọn nhà đầu tư (Nghị định về lựa chọn nhà đầu tư).

Ông Trần Chủng phát biểu tại buổi tọa đàm
 Ông Trần Chủng phát biểu tại buổi tọa đàm

Tại buổi Tọa đàm “Góp ý dự thảo nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật đầu tư theo phương thức đối tác công tư”, hôm qua (19/10), PGS.TS Trần Chủng, Chủ tịch Hiệp hội các Nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ Việt Nam (VARSI) cho biết, bản chất đầu tư PPP là Nhà nước và DN cùng làm. Thông thường tại các dự án PPP, vốn Nhà nước và vốn nhà đầu tư có tỷ lệ cân đối nhau. Do đó, trong thực hiện các dự án, cần có sự bình đẳng giữa cơ quan Nhà nước và DN.

Thế nhưng thực tế triển khai tại nhiều dự án, nhất là các dự án giao thông đường bộ, cơ quan Nhà nước thường là bên soạn thảo hợp đồng, có những điều khoản có thể gây bất lợi hơn cho nhà đầu tư (NĐT). “Luật mới cần thay đổi để làm sao có sự bình đẳng hơn”, ông Chủng nói và cho biết, luật nên tạo điều kiện để đưa các điều khoản mở trong hợp đồng, tức quyền thỏa thuận giữa các bên đàm phán, có sự linh hoạt và luật không nên “bỏ” vào một hành lang cứng nhắc.

Cũng theo ông Chủng, trong cơ thế thị trường hiện nay, nội dung trong các hợp đồng rất quan trọng. “Linh hồn của PPP là hợp đồng”, lời ông Chủng. Vị này cũng cho rằng, thực tế tại nhiều dự án PPP giao thông hiện nay, nhiều DN rất khó tiếp cận vốn tín dụng từ ngân hàng, một phần do quy định trong hợp đồng cứng nhắc. “Luật PPP mới làm sao gỡ được điều này, để Luật thành động lực khuyến khích nhà đầu tư tham gia đầu tư dự án PPP”, ông Chủng cho biết.

Nghị định cần thay đổi nhiều nội dung

Cùng quan điểm trên, Luật sư Nguyễn Tiến Lập -  cố vấn pháp lý cho nhiều dự án PPP - cho biết, nội dung đàm phán được thể hiện trong hợp đồng PPP rất quan trọng, là cơ sở pháp lý để doanh nghiệp và cơ quan quản lý Nhà nước ràng buộc trách nhiệm lẫn nhau, “soi” nhau. Ông cũng cho rằng, những bên nào được đàm phán hợp đồng cũng rất quan trọng. Hiện nay có DN là NĐT nhưng chỉ mất khoảng 5% chi phí để xin dự án; trong khi đó, những DN thật sự phải bỏ tiền ra như các ngân hàng thì quá trình đàm phán hợp đồng lại không có tiếng nói quyết định.

Đại diện Tập đoàn Đèo Cả kiến nghị sửa đổi 6 nội dung trong dự thảo
 Đại diện Tập đoàn Đèo Cả kiến nghị sửa đổi 6 nội dung trong dự thảo

TS Dương Đăng Huệ, Nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự - Kinh tế (Bộ Tư pháp), cho rằng, trong luật PPP có 5 trường hợp hợp đồng có thể bị hủy trước thời gian. Trong đó có nguyên nhân bị hủy là do một bên vi phạm “nghiêm trọng” hợp đồng. Vậy thế nào là “nghiêm trọng” cần được Nghị định làm rõ, không thể quy định chung chung. Ngoài ra, dự thảo Nghị định quy định rõ trách nhiệm của NĐT, nhưng lại chưa quy định rõ trách nhiệm của Nhà nước khi vi phạm hợp đồng. “PPP là bình đẳng giữa Nhà nước và DN nên cần được quy định rõ ràng”, ông Huệ nói.

Đại diện từ phía doanh nghiệp, ông Đặng Xuân Chinh, Trưởng ban Pháp chế Tập đoàn Đèo Cả, cho biết, thực tiễn khi triển khai thực hiện dự án từ giai đoạn tham gia lựa chọn NĐT, triển khai dự án, khai thác, vận hành đã gặp nhiều khó khăn, vướng mắc do cơ chế chính sách chưa được quy định đồng bộ hoặc chưa được hướng dẫn một cách chi tiết.

Đại diện Đèo Cả đã đưa ra 6 góp ý về Nghị định mà đơn vị này nhận thấy là vướng mắc, bất cập nếu áp dụng vào thực tiễn. Một số nội dung đơn vị này góp ý như: Quy định về việc chấm dứt hợp đồng dự án trước thời hạn bởi cơ quan ký kết hợp đồng và bởi nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án; Việc xác định căn cứ áp dụng khi đăng ký vốn điều lệ tại thời điểm thành lập doanh nghiệp dự án, góp vốn chủ sở hữu; Quy định về cơ chế chia sẻ phần tăng, giảm doanh thu…

Đại diện bên soạn thảo Nghị định, bà Vũ Quỳnh Lê (Bộ KH&ĐT) cho biết, trước khi ban hành nghị định, Ban soạn thảo sẽ tiếp tục tiếp thu, nghiên cứu các ý kiến. “Chúng tôi muốn đích cuối cùng là đem lại lợi ích hoài hòa giữa các bên, đem lại lợi ích cho xã hội”.

Nhóm vấn đề chính được bàn bạc

7 nhóm vấn đề chính đã được buổi tọa đàm bàn bạc: Lĩnh vực, quy mô đầu tư PPP; Hội đồng thẩm định dự án PPP; Các trường hợp chấm dứt hợp đồng trước thời hạn; Khái niệm chính sách; Quy trình dự án PPP; Ưu đãi cho nhà đầu tư cam kết sử dụng nhà thầu, hàng hóa, vật tư, vật liệu, thiết bị trong nước; Quy định chuyển tiếp đối với dự án BT.

Đọc thêm