Thành phố Vinh dần trở thành trung tâm dẫn dắt phát triển vùng Bắc Trung Bộ

(PLVN) - Sau hơn 3 năm thực hiện Quyết định 2468/QĐ-TTg ngày 29/12/2015 của Thủ tướng Chính phủ, TP. Vinh đã đạt được những kết quả đáng kể và đang dần trở thành trung tâm có vai trò dẫn dắt phát triển vùng Bắc Trung bộ... Tuy nhiên, những kết quả ban đầu được nhìn nhận là chưa tương xứng với tiềm năng và mục tiêu kỳ vọng.
Một góc TP. Vinh, Nghệ An
Một góc TP. Vinh, Nghệ An

Những kết quả ấn tượng

Trong những năm qua, việc khai thác tốt tiềm năng và lợi thế, huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực, TP. Vinh đã đạt được những kết quả rất đáng khích lệ.  Theo đó, tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2016-2018 của thành phố này đạt khá cao- 8,54%. Cơ cấu kinh tế cũng chuyển dịch theo hướng tích cực. 

Thống kê của UBND tỉnh Nghệ An cho thấy, năm 2018, ngành công nghiệp - xây dựng tiếp tục tăng trưởng ấn tượng, giá trị sản xuất công nghiệp - xây dựng đạt 22.450 tỷ đồng, tăng 11,2% so với cùng kỳ. Ngành dịch vụ tiếp tục phát triển khá, khởi sắc trên nhiều lĩnh vực. Tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ đạt 18.700 tỷ đồng, tăng 11,3% so với cùng kỳ.

Giá trị gia tăng bình quân đầu người năm 2016 đạt 68,4 triệu đồng, năm 2018 đạt 84,5 triệu đồng, cao gấp 2,23 lần mức bình quân của tỉnh (mục tiêu đến năm 2020 đạt 141,7 triệu đồng/người/năm). Thu ngân sách nhà nước (thu nội địa) tăng trưởng khá và tương đối ổn định, bình quân giai đoạn 2016-2018 là 2.367,1 tỷ đồng, cao gấp 1,59 lần so với giai đoạn 2011-2015.

Trong giai đoạn qua, TP. Vinh cũng đã đạt được kết quả rất tích cực trên nhiều lĩnh vực: giáo dục, y tế, công nghệ thông tin, khoa học công nghệ và du lịch. Hiện trên địa bàn thành phố này có 6 trường đại học, 7 trường cao đẳng chuyên nghiệp và dạy nghề, 9 trường trung cấp có năng lực đào tạo trên 90.000 học viên, sinh viên. Tỷ lệ lao động qua đào tạo ở thành phố này đạt 65% khiến Vinh đang từng bước trở thành trung tâm đào tạo của vùng Bắc Trung bộ, đáp ứng nguồn nhân lực cho tỉnh, vùng Bắc Trung bộ và trong nước.

Ở TP. Vinh, mạng lưới y tế trên địa bàn phát triển tương đối nhanh, đa dạng, đồng bộ với 285 cơ sở y tế, trong đó có 2 chi cục, 10 trung tâm y tế tuyến tỉnh, 09 bệnh viện tuyến tỉnh, 01 bệnh viện thành phố, 10 bệnh viên tư nhân, 01 trường Đại học Y, 252 phòng khám chuyên khoa và các loại hình khác. Hệ thống dược và vật tư y tế có 51 công ty và chi nhánh hoạt động.

Cơ sở vật chất kỹ thuật về khoa học - công nghệ từng bước được đầu tư hiện đại, đa dạng, trong đó: Xây dựng Trung tâm kiểm định xây dựng của vùng Bắc Trung bộ; Trung tâm kiểm nghiệm đạt tiêu chuẩn thực hành kiểm nghiệm tốt theo tiêu chuẩn của Tổ chức y tế thế giới; Trung tâm kỹ thuật Tiêu chuẩn - Đo lường - Chất lượng vùng Bắc Trung bộ...

Ở lĩnh vực du lịch, TP. Vinh được đánh giá là thành phố có cơ sở hạ tầng du lịch phát triển mạnh, nhất là cơ sở khách sạn, nhà nghỉ, nhà hàng, siêu thị. Hiện thành phố này có 181 cơ sở lưu trú du lịch, trong đó có 14 khách sạn 3 đến 5 sao. Việc phát huy giá trị các di tích lịch sử, di sản văn hoá phi vật thể gắn với các hoạt động du lịch cũng như kết nối các điểm du lịch của thành phố với các điểm du lịch trong tỉnh, trong vùng đã có bước cải thiện, góp phần thu hút tăng lượng khách du lịch. Đặc biệt tuyến du lịch du thuyền sông Lam - Rừng Bần Hưng Hòa - Cửa Lò bước đầu đưa vào khai thác và phát huy hiệu quả.

Chưa xứng với tiềm năng

Nhìn lại kết quả sau 3 năm thực hiện Quyết định 2468/QĐ-TTg ngày 29/12/2015 của Thủ tướng Chính phủ, trao đổi với PLVN, ông Thái Thanh Quý, Chủ tịch Nghệ An thẳng thắn cho rằng những kết quả vẫn chưa tương xứng với tiềm năng và mục tiêu kỳ vọng.

Ông Quý cho rằng, TP. Vinh chưa có bước đột phá vượt trội so với các đô thị trong khu vực Bắc Trung Bộ, nhất là khả năng kết nối vùng, đào tạo nhân lực chất lượng cao, chưa có các sản phẩm du lịch đặc trưng tương xứng với vị thế và tạo điểm nhấn thu hút du khách. Bên cạnh đó đầu tư cho phát triển KH&CN còn thấp, đóng góp của KH&CN cho phát triển kinh tế - xã hội còn mang tính chất đơn giản, nhỏ lẻ;

Lãnh đạo tỉnh Nghệ An tại Hội nghị Gặp mặt nhà đầu tư Xuân Kỷ Hợi 2019
Lãnh đạo tỉnh Nghệ An tại Hội nghị Gặp mặt nhà đầu tư Xuân Kỷ Hợi 2019

"Hệ thống hạ tầng đô thị vẫn đang thiếu đồng bộ, tình trạng ngập úng cục bộ, ùn tắc giao thông, vấn đề môi trường chưa được xử lý triệt để. Cùng với nguồn lực cho các dự án lớn, có tính đột phá còn rất hạn chế; việc quản lý quy hoạch, đô thị, đất đai chưa nghiêm, chưa hiệu quả…; còn thiếu nhiều điều kiện để xứng tầm với vai trò là trung tâm hội nhập và phát triển trên nhiều lĩnh vực của vùng Bắc Trung bộ"- Ông Quý chia sẽ. 

Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An chỉ ra nguyên nhân là do việc tổ chức triển khai các nhiệm vụ theo Quyết định số 2468/QĐ-TTg về kế hoạch, giải pháp chưa cụ thể, rõ ràng; một số chỉ tiêu đề ra cao, khó khả thi. Chưa có các cơ chế, chính sách đặc thù tạo được động lực để thành phố phát triển. Nguồn lực cho đầu tư phát triển của thành phố chủ yếu dựa vào tiền sử dụng đất, tuy nhiên phần điều tiết để lại cho thành phố còn thấp. Chưa phát huy được tiềm năng lợi thế về đất đai, chưa có những dự án đầu tư lớn mang tính động lực.

Để thực thành công nhiệm vụ xây dựng TP. Vinh trở thành trung tâm vùng người đứng đầu cơ quan hành pháp Nghệ An nói cần có huy động mạnh mẽ nội lực của TP. này. Trong đó, cần tăng cường công tác quản lý, khai thác nguồn thu, chống thất thu ngân sách. Thực hiện tốt chính sách quản lý đất đai, tập trung khai thác quỹ đất tạo nguồn thu lớn cho thành phố. Đẩy mạnh công tác thu nợ, triển khai quyết liệt các biện pháp chống thất thu thuế. Kiểm soát chặt chẽ chi ngân sách để nâng cao hiệu quả sử dụng ngân sách nhà nước, từng bước giảm dần chi thường xuyên để tăng chi cho đầu tư phát triển.

“Cùng với đó cần duy trì hoạt động định kỳ đối thoại giữa Lãnh đạo tỉnh, các sở, ban, ngành, thành phố với các nhà đầu tư, để kịp thời xử lý các khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện, đảm bảo cho các dự án hoạt động hiệu quả, tiếp tục củng cố niềm tin của các nhà đầu tư đối với môi trương đầu tư kinh doanh của tỉnh Nghệ An nói chung và thành phố Vinh nói riêng, tạo hiệu ứng lan tỏa, tác động tích cực tới nhà đầu tư”- Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An nhấn mạnh.

Thành phố Vinh năm 2030 sẽ thế nào?

Theo Quy hoạch chung xây dựng thành phố Vinh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 52/QĐ-TTg ngày 14/01/2015;, thành phố có quy mô đô thị khoảng 250km2, bao gồm toàn bộ thành phố Vinh, toàn bộ thị xã Cửa Lò, toàn bộ thị trấn Quán Hành và một số xã khác thuộc huyện Nghi Lộc, huyện Hưng Nguyên, mục tiêu hướng tới phát triển mạnh về công nghiệp, dịch vụ, thương mại, đặc biệt là du lịch.

Về tổng thể, phát triển thành phố Vinh cùng với thị xã Cửa Lò trở thành một trong những đô thị ven biển của Việt Nam; là nơi giao thoa kinh tế và phát triển kết cấu hạ tầng với khu kinh tế Đông Nam của tỉnh Nghệ An; là trung tâm của vùng Bắc Trung Bộ về các lĩnh vực: Tài chính, thương mại, du lịch, khoa học - công nghệ, công nghệ thông tin, công nghiệp công nghệ cao, y tế, văn hoá, thể thao, giáo dục - đào tạo; có vị trí quan trọng về an ninh quốc phòng, đầu mối giao thông quốc gia, quốc tế.

Đọc thêm