Thị trường tài chính - ngân hàng: Kịp thời các giải pháp ứng phó Covid-19

(PLVN) - Những biến động đầu tiên của dịch viêm đường hô hấp cấp do Covid-19 gây ra được ghi nhận trên thị trường chứng khoán (TTCK) và thị trường ngoại hối cũng như giao dịch ngân hàng. Nhiều giải pháp đã được cơ quan quản lý đưa ra nhằm trấn an thị trường…
Nhiều ngân hàng nhanh chóng giảm lãi suất và có gói tín dụng hỗ trợ khách hàng
Nhiều ngân hàng nhanh chóng giảm lãi suất và có gói tín dụng hỗ trợ khách hàng

Thị trường chứng khoán sẽ sớm hồi phục

Lo ngại ảnh hưởng của dịch bệnh cộng với yếu tố tâm lý sau kỳ nghỉ Tết, TTCK những ngày cuối tháng 1 và đầu tháng 2 diễn biến trầm lắng, tâm trạng chờ đợi bao phủ toàn thị trường.

Các nhà đầu tư đã có những lo ngại đối với dịch Covid-19 tác động tới kinh tế Việt Nam, khi VNIndex sụt giảm mạnh trong 2 phiên giao dịch đầu tiên sau Tết (ngày 30 và 31/1), giảm 5,53% so với trước thời điểm nghỉ Tết (cũng là quãng thời gian Chính phủ và các cơ chức năng đưa ra nhiều biện pháp quyết liệt ứng phó với dịch). 

Trong tuần từ 3-7/2/2020, VNIndex tăng giảm đan xen, với biên độ hẹp hơn, mặc dù có lúc sụt giảm mạnh qua mốc 900 điểm (trong phiên ngày 3/2). Đến hết ngày 10/2/2020, VNIndex đóng cửa ở mức 930,73 điểm, giảm 3% so với mức đầu năm 2020 (960 điểm).

Trao đổi với báo chí, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán nhà nước (UBCKNN), ông Trần Văn Dũng cho rằng trong bối cảnh chung, việc TTCK Việt Nam giảm điểm là điều khó tránh khỏi khi tâm lý lo ngại về dịch bệnh gây ra đang bao trùm nhiều lĩnh vực kinh tế - xã hội. 

Lãnh đạo UBCKNN cho rằng đây chỉ là phản ứng về mặt tâm lý, mang tính chất ngắn hạn và lịch sử đã chứng minh, TTCK cũng đã hồi phục khi các dịch bệnh như SARS, H5N1 được kiềm chế…

“Về phía cơ quan quản lý, chúng tôi đã và đang nắm bắt sát sao tình hình, phân tích kỹ lưỡng các yếu tố tác động và chủ động xây dựng các kịch bản để sẵn sàng với các tình huống bất thường trên thị trường. Chúng tôi tin rằng, với quyết tâm rất cao của cộng đồng quốc tế và Chính phủ Việt Nam, hy vọng dịch sẽ sớm được khống chế. TTCK nhiều khả năng sẽ bình ổn trở lại và nhà đầu tư vì thế cần bình tĩnh, thậm chí có thể tỉnh táo để tìm cơ hội trong rủi ro…”- Chủ tịch UBCKNN đưa ra lời khuyên.

Tại cuộc họp báo Chính phủ hôm 5/2, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Thị Mai cũng cho biết sẽ tiếp tục chủ động nắm bắt diễn biến thị trường quốc tế, đồng thời yêu cầu 2 sở giao dịch tăng cường giám sát, thực hiện báo cáo hàng ngày, đặc biệt là ký quỹ, tăng cường cung cấp thông tin cho truyền thông. Đại diện Bộ Tài chính cũng đưa ra thông điệp sẽ xử lý nghiêm hành vi trục lợi và tung tin đồn, làm giá chứng khoán...

Ngân hàng Nhà nước sẵn sàng hỗ trợ

Dịch Covid-19 cũng tác động rõ nét đến thị trường ngoại hối khi tỷ giá USD/VND vẫn có xu hướng tăng (tính đến hết ngày 10/2/2020 tỷ giá trung tâm tăng 0,24%, tỷ giá giao dịch tăng 0,3% so với đầu năm).

Liên quan đến hoạt động ngân hàng, TS. Cấn Văn Lực và nhóm nghiên cứu của Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV cho rằng, tác động của dịch Covid-19 đến hệ thống ngân hàng chủ yếu thông qua tác động đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN, khách hàng và bản thân ngân hàng. 

Theo đó, dự báo dịch Covid-19 sẽ tác động ở 3 khía cạnh quan trọng. Thứ nhất, cầu tín dụng giảm, do nhu cầu tín dụng của các DN, hộ gia đình thấp hơn, đặc biệt là trong quý I và quý II; Thứ hai, tiềm ẩn nợ xấu tăng, khi các DN, hộ gia đình chịu tác động tiêu cực từ dịch bệnh, dẫn đến hoạt động sản xuất – kinh doanh gặp khó khăn; Thứ ba, nhu cầu giao dịch qua ngân hàng số, thanh toán không dùng tiền mặt tăng do một số khách hàng ngại tiếp xúc.

Trong vòng một tuần, nhiều chính sách, giải pháp thiết thực và cụ thể của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã được đưa ra nhằm chia sẻ và hỗ trợ khó khăn với người dân, DN bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 như chỉ đạo các tổ chức tín dụng (TCTD) có phương án tổ chức kinh doanh phù hợp, không ảnh hưởng đến khách hàng, xem xét giảm lãi suất, giãn nợ cho các DN, hộ gia đình chịu nhiều ảnh hưởng, thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt…

Các TCTD cũng đang chủ động, tích cực thực hiện và một số TCTD đã công bố giảm lãi suất hoặc có các gói hỗ trợ tín dụng cũng như tư vấn, thông tin đến khách hàng về dịch bệnh và phòng ngừa.

Tại Hội nghị triển khai các giải pháp hỗ trợ khắc phục thiệt hại do ảnh hưởng của dịch Covid-19, Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú cũng khẳng định NHNN sẵn sàng hỗ trợ thanh khoản cho các ngân hàng thương mại trong trường hợp bị ảnh hưởng do dịch bệnh. “Do vậy, các ngân hàng không được tăng lãi suất, kể cả lãi suất huy động. Trong trường hợp cần thiết, NHNN sẽ có điều chỉnh để gián tiếp hỗ trợ các ngân hàng giảm lãi suất, hỗ trợ DN, người dân…”, Phó Thống đốc Đào Minh Tú cam kết…

Đánh giá về các giải pháp của NHNN, TS. Võ Trí Thành - Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia cho rằng đây là những giải pháp tích cực rất kịp thời có ý nghĩa nhằm chung tay giảm thiểu tác động bất lợi của dịch bệnh cho nền kinh tế…

Theo báo cáo về tác động của dịch Covid-19 của Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV, trong quý I, dịch Covid-19 làm giảm nhu cầu tiêu dùng, giảm giao dịch ngoại thương, hoạt động sản xuất - kinh doanh của một số DN và hộ gia đình bị suy giảm,… từ đó làm giảm các hoạt động, giao dịch tài chính - ngân hàng (khoảng 1%) và khiến GDP giảm 0,05 điểm%. Từ quý II đến cuối năm, các tác động từ dịch Covid-19 với lĩnh vực này sẽ tăng dần (do có độ trễ), khiến GDP giảm 0,08 điểm % trong quý II và GDP giảm 0,11 điểm % cả năm. Nhiều ngân hàng nhanh chóng giảm lãi suất và có gói tín dụng hỗ trợ khách hàng.

Đọc thêm