Thủ tướng sẽ đối thoại với nông dân về 3 vấn đề lớn của tam nông

Ngày 10/12 tới, tại Thành phố Cần Thơ, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam phối hợp với UBND TP. Cần Thơ chủ trì Hội nghị “Thủ tướng đối thoại với nông dân” chủ đề “Tháo gỡ vướng mắc, liên kết 6 nhà, kiến tạo chuỗi giá trị nông sản”. Báo Nông thôn Ngày nay/Dân Việt là đơn vị được giao tổ chức hội nghị.

Đây là lần thứ 2, người đứng đầu Chính phủ đối thoại với nông dân sau thành công của lần đầu tiên được tổ chức tại Hải Dương diễn ra vào tháng 4/2018.

Hội nghị Thủ tướng đối thoại với nông dân lần này có sự tham dự của 600 đại biểu, gồm lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương; lãnh đạo các địa phương; lãnh đạo Hội Nông dân Việt Nam, lãnh đạo Hội Nông dân các tỉnh, thành; các chuyên gia, nhà khoa học; các doanh nghiệp đang đồng hành cùng nhà nông, các cơ quan thông tấn, báo chí; đặc biệt là sự có mặt của đông đảo nông dân đến từ các địa phương cả nước- đại diện cho hàng chục triệu hộ nông dân tham gia đối thoại trực tiếp với Thủ tướng.

thu tuong se doi thoai voi nong dan ve 3 van de lon cua tam nong hinh anh 1

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì buổi đối thoại với nông dân lần đầu tiên được tổ chức vào tháng 4/2018 tại Hải Dương

Theo Ban Tổ chức hội nghị, trước thềm hội nghị, đã có hơn 2.000 câu hỏi của bà con nông dân cả nước, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, các chuyên gia... được gửi đến Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc qua các kênh tiếp nhận: Gửi trực tiếp qua hệ thống tiếp nhận thư điện tử của Báo điện tử Dân Việt/NTNN; qua Hội Nông dân các tỉnh, thành phố và qua các hệ thống khác.

Các câu hỏi của bà con nông dân tập trung vào 3 nhóm vấn đề lớn, gồm: Vấn đề tiêu thụ nông sản, sản xuất nông nghiệp sạch theo hướng nâng cao giá trị, phát triển bền vững; Vấn đề về đất đai, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn, biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường; Vấn đề về vốn, đảm bảo an sinh xã hội cho bà con nông dân…

thu tuong se doi thoai voi nong dan ve 3 van de lon cua tam nong hinh anh 2

Thủ tướng Chính phủ trực tiếp giao lưu, trả lời các băn khoăn, thắc mắc của nông dân

Đồng chí Thào Xuân Sùng- Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam cho biết: “Tại Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ, các thành viên Chính phủ  sẽ trao đổi trực tiếp với nông dân xoay quanh những chủ trương lớn của Đảng, chính sách của Nhà nước về nông nghiệp, nông dân, nông thôn; Đồng thời lắng nghe  nông dân chia sẻ tâm tư, nguyện vọng, nêu lên những khó khăn, vướng mắc của nông dân trong phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới…”

thu tuong se doi thoai voi nong dan ve 3 van de lon cua tam nong hinh anh 3

Tại Hội nghị Thủ tướng đối thoại với nông dân lần thứ nhất, Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường nhận được nhiều câu hỏi liên quan đến sản xuất, tiêu thụ nông sản

Theo đồng chí Thào Xuân Sùng - Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam, một trong những khó khăn, vướng mắc hiện nay của nông dân đó chính là vấn đề tiêu thụ nông sản ổn định, đảm bảo nông dân có lãi. Để giải quyết được vấn đề khó khăn này cần có các giải pháp tổng thể, đồng bộ và xuyên suốt… Đó cũng chính là lý do để Trung ương Hội Nông dân Việt Nam qua tham vấn lấy chủ đề của Hội nghị đối thoại giữa Thủ tướng Chính phủ với nông dân năm nay là “Tháo gỡ vướng mắc, liên kết 6 nhà, kiến tạo chuỗi giá trị nông sản”.

thu tuong se doi thoai voi nong dan ve 3 van de lon cua tam nong hinh anh 4

Một nông dân của tỉnh Lâm Đồng trực tiếp đặt câu hỏi cho Thủ tướng tại Hội nghị đối thoại lần thứ nhất

Năm 2019-2020 được coi là năm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, năm bản lề kết thúc giai đoạn 5 năm (2016-2021) thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XII và chuẩn bị Đại hội Đảng bộ các cấp.

Đại hội XII đã chỉ ra phương hướng, nhiệm vụ phát triển nông nghiệp và kinh tế nông thôn là “Xây dựng nền nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa lớn, ứng dụng công nghệ cao, nâng cao chất lượng sản phẩm, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm; nâng cao giá trị gia tăng, đẩy mạnh xuất khẩu”. Từ đó, tạo điều kiện thuận lợi để sản phẩm nông nghiệp Việt Nam có đủ sức cạnh tranh trên thị trường khu vực và quốc tế.

Theo Ban Tổ chức hội nghị, trước thềm hội nghị, đã có hơn 2.000 câu hỏi của bà con nông dân cả nước, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, các chuyên gia... được gửi đến Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc qua các kênh tiếp nhận: Gửi trực tiếp qua hệ thống tiếp nhận thư điện tử của Báo điện tử Dân Việt/NTNN; qua Hội Nông dân các tỉnh, thành phố và qua các hệ thống khác.

Với đường lối nhất quán và những chủ trương chính sách hiệu quả của Đảng, Nhà nước và Chính phủ, trong thời gian qua ngành nông nghiệp đã có sự phát triển vượt bậc. Ước tính năm 2019 cả nước thu hoạch được 43,6 triệu tấn lúa; 3,3 triệu tấn thịt lợn, 1,3 triệu tấn thịt gà; sản lượng nuôi trồng, khai thác thủy sản đạt 7,6 triệu tấn….Tổng kim ngạch xuất khẩu toàn ngành nông, lâm, thủy sản ước đạt 41,3 tỷ USD; thặng dư thương mại đạt 9,5-10 tỷ USD. Cùng với đó, đời sống người nông dân cũng được nâng lên, nhiều gia đình đã thoát nghèo bền vững, bắt đầu xuất hiện khái niệm “tỷ phú nông dân” với những điển hình tiêu biểu về sản xuất giỏi.

Kết quả đạt được của ngành nông nghiệp còn có sự hỗ trợ từ rất lớn của nhiều bộ ngành thông qua sự điều hành linh hoạt của Chính phủ. Theo đó, ngành Công thương nỗ lực đàm phán những hiệp định thương mại nhằm đưa nông sản Việt Nam hiện diện ngày một nhiều trên thị trường thế giới, đặc biệt là những thị trường khó tính như Mỹ, Châu Âu, Nhật Bản.

Xác định vai trò quan trọng của lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, thời gian qua NHNN đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng  ưu tiên tập trung nguồn vốn,cho vay với lãi suất phù hợp. Tính đến cuối năm 2018, dư nợ trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn đạt 1,95 triệu tỷ đồng, tăng 9,19%, chiếm tỷ trọng 24,59% tổng dư nợ. Dư nợ cho vay chương trình xây dựng nông thôn mới đạt khoảng 1,2 triệu tỷ đồng, tăng 12% so với cuối năm 2018, chiếm tỷ trọng từ 44%-60% trong tổng nguồn vốn huy động thực hiện Chương trình, cao hơn so với chỉ tiêu được giao. ..

Ngoài ra, từ năm 2014, NHNN đã phối hợp với UBND các tỉnh, thành phố triển khai rộng rãi trên toàn quốc Chương trình kết nối Ngân hàng - Doanh nghiệp và gặt hái được nhiều thành công. Từ đầu năm 2019 đến nay, đã có gần 120 nghìn doanh nghiệp và một số khách hàng khác được giải ngân cho vay mới với doanh số giải ngân gần 520 nghìn tỷ đồng…

Bên cạnh những thành tích đạt được, năm 2019 cũng được coi là năm rất khó khăn của ngành nông nghiệp do tác động bởi thiên tai, tình trạng biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn; đặc biệt là biến động về thị trường toàn cầu do tác động của cuộc chiến thương mại Mỹ- Trung đã ảnh hưởng không nhỏ tới xuất khẩu nông lâm thủy sản nước ta.

Đọc thêm