Thừa Thiên - Huế bàn cách “gỡ khó” cho DN ảnh hưởng Covid-19

(PLVN) - Các doanh nghiệp ngành du lịch, dịch vụ giao thông vận tải, nông - lâm nghiệp và thủy sản, dệt may... ở Thừa Thiên - Huế hiện đang chịu ảnh hưởng lớn bởi dịch Covid-19. 
Nhiều DN ở Thừa Thiên - Huế đang gặp khó trong vấn đề xuất nhập khẩu do ảnh hưởng dịch bệnh.
Nhiều DN ở Thừa Thiên - Huế đang gặp khó trong vấn đề xuất nhập khẩu do ảnh hưởng dịch bệnh.

Công ty CP Chế biến lâm sản xuất khẩu Pisico Huế (huyện Phú Lộc), một trong những đơn vị chế biến lâm sản có quy mô lớn trong tỉnh là một trong các ví dụ. Theo Giám đốc Huỳnh Thặng, hàng năm Công ty thu mua hơn 400.000 tấn gỗ keo để sản xuất, chế biến cung ứng cho thị trường xuất khẩu.

Thị trường xuất khẩu sang Trung Quốc chiếm 30%, còn lại xuất đi Nhật Bản. Tuy nhiên, từ đầu năm đến nay, do ảnh hưởng dịch Covid-19 nên sức mua hàng chậm lại, giá giảm 8-10% so với trước dịch dẫn đến hàng hóa ứ đọng, tồn kho nhiều, doanh thu sụt giảm. 

Tại Công ty TNHH MTV Hào Hưng Huế (KCN La Sơn, huyện Phú Lộc, DN xuất khẩu dăm gỗ keo theo đường biển cho thị trường Trung Quốc, Hàn Quốc) cũng đang lâm vào hoàn cảnh tương tự.

Theo đại diện Công ty, đầu 2019, sản lượng xuất sang Trung Quốc của DN này khoảng 104 ngàn tấn, doanh thu hơn 12,3 triệu USD. Tuy nhiên, thời gian này do phải trải qua các khâu kiểm dịch nghiêm ngặt nên nhiều chuyến hàng phải mất hơn tuần mới xuất được, trước đó thì chưa đến 5 ngày.

Nhiều DN kinh doanh các mặt hàng khác như nông sản, thủy sản, dệt may… ở Thừa Thiên - Huế ít nhiều cũng đang gặp khó trong việc xuất nhập khẩu.

Trước đó, năm 2019, tỉnh nhập khẩu khoảng 30,68 triệu USD nguyên liệu xơ sợi, dệt may từ Trung Quốc; hơn 5,12 triệu USD nhập khẩu hàng máy móc, linh kiện, các sản phẩm khác như bu lông, đai ốc, keo sika, ống mềm cao áp. Sang năm 2020, dự báo con số này sụt giảm.

Theo lãnh đạo Công ty CP Sợi Phú Nam (KCN Phú Bài), hiện vải có thể nhập từ các nước ngoài Trung Quốc, nhưng các phụ kiện như cúc, chỉ, dây kéo... lâu nay các DN gần như nhập 100% từ Trung Quốc nên nếu đầu quý II/2020 dịch bệnh chưa chấm dứt, các nhà máy may sẽ thiếu hụt nguyên phụ liệu. Lĩnh vực sản xuất sợi sẽ ảnh hưởng bởi sợi là khâu đầu tiên để sản xuất vải, sau đó mới đưa đến dệt và đáp ứng nguyên liệu ngành dệt may.

Trong ngành hàng hải, tại cảng Chân Mây (huyện Phú Lộc), trong tháng 2/2020 nhiều chuyến tàu du lịch quốc tế đã xác nhận hủy chuyến, không cập cảng. Mới đây, để phòng chống dịch bệnh Covid-19, UBND tỉnh yêu cầu cảng Chân Mây tạm thời không đón các tàu biển cập bến.

Trước những khó khăn trên, ngành Công Thương Thừa Thiên - Huế đã thực hiện nhiều giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cho DN, đề ra những giải pháp trước mắt và lâu dài.

Theo ông Phan Hùng Sơn, Phó Giám đốc Sở, đơn vị này đang phối hợp, hướng dẫn các DN thực hiện các hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam đã ký kết, nhằm đa dạng thị trường xuất khẩu, tránh phụ thuộc vào một thị trường, tiến đến xuất khẩu bền vững.

Mới đây, tại buổi làm việc với các DN về hoạt động sản xuất kinh doanh và công tác phòng chống dịch Covid-19, trước những kiến nghị về hỗ trợ các chính sách cho DN, Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ đề nghị các sở, ngành, đơn vị liên quan cần sớm có giải pháp tham mưu UBND tỉnh, thậm chí phải tìm đến để tìm hiểu và gỡ khó cho DN.

Cần có chính sách kịp thời như khoanh nợ, giãn nợ, hỗ trợ lãi suất trong thời gian xảy ra dịch để DN vượt qua khó khăn và ổn định phát triển sản xuất kinh doanh. Triển khai nhanh các chính sách của Trung ương về hỗ trợ DN để các DN sớm được tiếp cận, hạn chế thấp nhất các thiệt hại trong sản xuất kinh doanh.

“Sự phát triển của DN luôn gắn liền với sự phát triển kinh tế - xã hội chung của tỉnh. Đây là thời điểm cần phát huy tinh thần đoàn kết, tương trợ lẫn nhau vượt qua giai đoạn khó khăn. Đồng thời là lúc phát huy tinh thần chính quyền phục vụ để kịp thời tháo gỡ khó khăn cho DN.

Tôi chia sẻ những khó khăn DN đang gặp phải, đây cũng là khó khăn chung của toàn ngành kinh tế, tôi mong muốn dịch bệnh sẽ sớm kết thúc để giảm áp lực cho DN”, ông Thọ chia sẻ.

Bên cạnh đó, Hiệp hội DN đã đề xuất tỉnh nghiên cứu hỗ trợ DN như: Giảm giá tham quan di tích, xem xét miễn giảm lệ phí, thủ tục cho khách quốc tế, cho Quỹ Đầu tư phát triển và Quỹ Bảo lãnh tín dụng cho DN nhỏ và vừa nghiên cứu chính sách hỗ trợ DN trong và sau dịch.

Đề nghị Chính phủ và ngành ngân hàng nghiên cứu các gói chính sách tín dụng, miễn giảm lãi suất cho vay, khoanh nợ, giãn nợ, nới lỏng các điều khoản trả nợ…

Thừa Thiên - Huế có hơn 20 DN xuất khẩu hàng hóa sang thị trường Trung Quốc. Năm 2019, kim ngạch xuất khẩu sang Trung Quốc đạt 36,02/952 triệu USD kim ngạch xuất khẩu toàn tỉnh, với các mặt hàng cụ thể như tôm thẻ nguyên con hấp đông lạnh đạt 0,98 triệu USD, hạt dẻ cười đạt 1,8 triệu USD; các mặt hàng xơ, sợi, dệt, áo quần may sẵn các loại đạt 21 triệu USD, dăm gỗ keo đạt 12,3 triệu USD…

Đọc thêm