Tổng cục Hải quan tiếp tục gỡ ‘vướng’ về xuất khẩu đá vôi

(PLVN) - Tổng cục Hải quan vừa có ý kiến khẳng định, hướng dẫn mặt hàng đá vôi tại Công văn 8019/TCHQ-TXNK ngày 22/12/2020 là đúng quy định. Doanh nghiệp muốn xuất khẩu phải có giấy phép và phải được khai thác từ các mỏ do Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp phép.

Trước đó, ngày 23/10/2020, Tổng cục Hải quan nhận được đơn kiến nghị của một số công ty khai thác, sản xuất và kinh doanh xuất nhập khẩu mặt hàng vật liệu xây dựng kiến nghị về mã số mặt hàng đá xây dựng, đá vôi xuất khẩu.

Ngày 04/11/2020, Tổng cục Hải quan tiếp tục nhận được các công văn số 16/2020/CV-Tridant ngày 02/11/2020 của Công ty CP Tridant, số 119/CC-XNK ngày 21/10/2020 của Công ty CP Đầu tư và XNK An Thông kiến nghị về mã số mặt hàng đá vôi xuất khẩu.

Theo trình bày của các Công ty này thì hiện nay có một số doanh nghiệp xuất khẩu mặt hàng khai báo là đá xây dựng có nguồn gốc từ đá vôi, mã số khai báo 2517.49.00.30, thuế suất thuế xuất khẩu 15%. Thực chất các mặt hàng đá của các doanh nghiệp này là đá vôi có hàm lượng CaCO3 > 85% nên theo quy định tại điểm g khoản 1 Điều 64 Luật Khoáng sản và Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 6072:2013 thì mặt hàng đá vôi có hàm lượng CaCO3 > 85% phải được áp mã số 2521.00.00, thuế suất thuế xuất khẩu 17%. 

Để đảm bảo chống thất thu thuế, đảm bảo bình đẳng trong kinh doanh và việc thực thi Luật Khoáng sản được nghiêm minh, các Công ty đề nghị Tổng cục Hải quan có hướng dẫn phân loại mặt hàng này và xem xét chỉ đạo, kiểm tra, rà soát để xử lý các doanh nghiệp đã khai sai mã số theo quy định pháp luật.

Sau khi xem xét kiến nghị của các doanh nghiệp, căn cứ vào các quy định của pháp luật về khoáng sản, các quy định về phân loại hàng hóa, Tổng cục Hải quan có Công văn 8019/TCHQ-TXNK ngày 22/12/2020 hướng dẫn mặt hàng đá vôi đáp ứng Tiêu chuẩn Quốc gia TCVN 6072:2013 về đá vôi để sản xuất clanhke xi măng Poóc lăng thì thuộc nhóm 25.21, thuế suất thuế xuất khẩu 17%.

Mặt hàng đá đang chờ làm thủ tục xuất khẩu. (Ảnh minh họa)
Mặt hàng đá đang chờ làm thủ tục xuất khẩu. (Ảnh minh họa) 

Tuy nhiên, thời gian vừa qua trên một số phương tiện thông tin đại chúng có những bài viết liên quan đến việc phản ứng của doanh nghiệp xuất khẩu đá vôi liên quan đến Công văn số 8019/TCHQ-TXNK của Tổng cục Hải quan về việc phân loại mặt hàng đá. Do đó, Tổng cục Hải quan đã kiểm tra một số hồ sơ xuất khẩu do Cục Hải quan tỉnh Quảng Ninh cung cấp của các doanh nghiệp đang kiến nghị thì các mặt hàng này có tên khai báo là đá xây dựng có nguồn gốc từ đá vôi, không khai báo hàm lượng CaCO3 và MgCO3 nhưng trên hóa đơn và hợp đồng thì mặt hàng đều có tên thương mại là limestone (đá vôi).

Thu thập một số tài liệu khác của doanh nghiệp như Giấy chứng nhận xuất xứ (C/O) do Việt Nam cấp thì mặt hàng xuất khẩu của doanh nghiệp đều có tên thương mại là limestone, HS code 2521. Từ các căn cứ nêu trên, Tổng cục Hải quan khẳng định, việc Tổng cục hướng dẫn mặt hàng đá vôi đáp ứng Tiêu chuẩn Quốc gia TCVN 6072:2013 về đá vôi để sản xuất clanhke xi măng poóc lăng thì thuộc nhóm 25.21 tại Công văn 8019/TCHQ-TXNK ngày 22/12/2020 là đúng quy định.

Bên cạnh đó, căn cứ vào khoản 1, khoản 2 Điều 82 Luật Khoáng sản, mặt hàng đá vôi đáp ứng tiêu chuẩn quốc gia TCVN 6072:2013 về đá vôi để sản xuất clanke xi măng pooc lăng phải có nguồn gốc hợp pháp theo quy định của pháp luật về khoáng sản (được khai thác từ mỏ đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp giấy phép khai thác). 

Bởi vậy, các lô hàng khai báo đá vôi xuất khẩu đang lưu giữ tại cửa khẩu có nguồn gốc từ các mỏ do UBND tỉnh cấp phép là không đúng quy định của Điều 82 Luật Khoáng sản nên chưa được xem xét giải quyết thủ tục thông quan.

Tổng cục Hải quan cho biết đã yêu cầu Cục Hải quan tỉnh Quảng Ninh chỉ đạo Chi cục Hải quan cửa khẩu căn cứ hồ sơ hải quan của lô hàng xuất khẩu do người khai hải quan xuất trình, đối chiếu quy định của pháp luật về hải quan và pháp luật về quản lý chuyên ngành có liên quan để khẩn trương giải quyết thủ tục hải quan xuất khẩu mặt hàng đá vôi theo đúng quy định của pháp luật.

Đọc thêm