Vì sao hai “ông lớn” ngành Xây dựng chưa thể CPH?

(PLVN) - Trong các doanh nghiệp lớn mà Bộ Xây dựng (BXD) làm đại diện chủ sở hữu phần vốn Nhà nước đến nay vẫn còn hai “ông lớn” là Tổng Công ty Xi măng Việt Nam và Tổng Công ty Đầu tư phát triển nhà và đô thị vẫn chưa hoàn thành việc cổ phần hóa (CPH). Nguyên nhân được cho là còn vướng mắc liên quan tới vấn đề nhà đất cũng như phương án sử dụng đất sau CPH.
Các dự án ở khu đô thị mới Linh Đàm chủ yếu do HUD thực hiện
Các dự án ở khu đô thị mới Linh Đàm chủ yếu do HUD thực hiện

Theo BXD, hiện nay Bộ này đang là cơ quan đại diện chủ sở hữu Nhà nước tại 13 Tổng Công ty (TCT), trong đó có 11 TCT đã hoàn thành việc CPH thành các công ty cổ phần. Vẫn còn hai TCT là TCT Xi măng Việt Nam (VICEM) và TCT Đầu tư phát triển nhà và đô thị (HUD) vẫn chưa CPH và vẫn còn là công ty TNHH MTV 100% vốn Nhà nước.  

Trong báo cáo về tình thực hiện CPH và công tác quản lý, sử dụng nguồn thu từ CPH mà BXD gửi UBTVQH vào giữa tháng 8/2019, cho thấy, thực hiện công tác sắp xếp, tái cơ cấu, CPH doanh nghiệp Nhà nước trực thuộc, thoái và chuyển giao vốn Nhà nước tại BXD làm đại diện chủ sở hữu theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; dù từ năm 2018, BXD đã bắt đầu tiến hành CPH nốt hai TCT nói trên nhưng đến nay vẫn chưa thể hoàn thành theo kế hoạch đặt ra.   

Đối với VICEM, hiện đã hoàn thành công tác xác định giá trị doanh nghiệp (từ 1/10/2018); Kiểm toán Nhà nước đã hoàn thành kiểm toán kết quả xác định giá trị doanh nghiệp, dự kiến sẽ sớm phát hành báo cáo kiểm toán... Tuy nhiên, việc CPH vẫn chưa thể tiến hành ngay được do đang tập trung xử lý một số tồn tại liên quan đến phương án sắp xếp lại, xử lý nhà đất và phương án sử dụng đất sau CPH, giá đất cụ thể theo quy định.

Tương tự, với HUD, việc CPH cũng đang gặp khó khi doanh nghiệp này cũng đang phải tập trung hoàn thành phương án sắp xếp lại, xử lý nhà đất, phương án sử dụng đất sau CPH và giá đất cụ thể để xác định giá trị quyền sử dụng đất theo quy định.

“Với đặc thù là doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản, có nhiều dự án trải khắp các tỉnh thành nên doanh nghiệp hiện đang gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc trong hoàn thành phương án sắp xếp lại, xử lý nhà đất; phương án sử dụng đất và giá đất khi CPH doanh nghiệp theo quy định pháp luật về sắp xếp lại, xử lý tài sản công, CPH”, báo cáo của BXD nêu. 

Bộ này cho biết, tính từ năm 2011 đến ngày 31/7/2019, tổng số tiền Nhà nước thu về từ CPH và thoái vốn là 11.596,8 tỷ đồng. Đáng chú ý, căn cứ kết quả rà soát tình hình công nợ giữa năm 2018 của các doanh nghiệp Nhà nước, doanh nghiệp có vốn Nhà nước do BXD làm đại diện chủ sở hữu hiện vẫn còn hai TCT nợ 14,11 tỷ đồng gồm TCT Sông Hồng (nợ 4,17 tỷ đồng); TCT COMA (nợ 9,94 tỷ đồng) khi CPH Công ty Cổ phần COMA 18 và Công ty Cổ phần Xây dựng lắp máy điện nước số 3.  

BXD đánh giá, trong quá trình thực hiện CPH phát sinh nhiều việc khó, phức tạp, liên quan chủ yếu đến việc sắp xếp, xử lý cơ sở nhà, đất đối với tài sản công, xác định phương án sử dụng đất và giá đất. Trong khi đó, một số lãnh đạo tại doanh nghiệp chưa thực sự bám sát, quyết liệt chỉ đạo giải quyết, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc. 

Ngoài ra, Bộ này cũng thừa nhận việc quyết toán vốn để bàn giao sang công ty cổ phần cũng chưa đạt kế hoạch theo yêu cầu. Trên thực tế, khó khăn, vướng mắc lớn nhất dẫn đến chậm hoàn thành quyết toán là liên quan đến đất đai. Một số dự án, cơ sở nhà đất của nhiều doanh nghiệp chưa có ý kiến chính thức của các địa phương về phương án sử dụng đất sau CPH và giá đất. Trong khi theo quy định, để có cơ sở phê duyệt giá trị quyết toán vốn Nhà nước bàn giao sang công ty cổ phần, với các dự án gắn liền với đất, địa phương phải có phương án sử dụng đất sau CPH và giá đất. 

Cũng theo Bộ này, do tình hình như vậy, để đảm bảo chặt chẽ, tránh làm thất thoát vốn, tài sản của Nhà nước, Bộ đã đề xuất và được Thủ tướng chấp thuận việc Kiểm toán Nhà nước thực hiện kiểm toán quyết toán vốn nhà nước tại các TCT- CTCP có vốn góp của Nhà nước do BXD làm đại diện chủ sở hữu. Đây là cơ sở quan trọng, làm căn cứ để Bộ phê duyệt quyết toán vốn Nhà nước bàn giao sang công ty cổ phần trước khi tiến hành thoái toàn bộ vốn Nhà nước tại doanh nghiệp. BXD cho rằng công việc này là lý do cần thêm thời gian so với kế hoạch đã đặt ra. 

Từ khó khăn này, BXD đề nghị Thủ tướng xem xét ban hành Nghị quyết yêu cầu UBND các tỉnh thành thực hiện nghiêm quy định về đẩy mạnh phê duyệt Phương án sử dụng đất sau CPH và cho ý kiến về giá đất với từng dự án hoặc nhóm dự án trên địa bàn mà các bộ, ngành, doanh nghiệp đã có đề nghị; có ý kiến với các bộ, ngành, địa phương đẩy mạnh công tác phê duyệt phương án sắp xếp lại, xử lý nhà đất thuộc sở hữu Nhà nước; phương án sử dụng đất sau CPH và giá đất để BXD có cơ sở phê duyệt quyết toán vốn bàn giao sang công ty cổ phần.

Đọc thêm