Xu thế mua bán, sáp nhập doanh nghiệp năm 2019

(PLVN) - Các yếu tố tích cực của nền kinh tế cùng với nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và việc Việt Nam tham gia các Hiệp định thương mại tự do – khiến hoạt động mua bán - sáp nhập doanh nghiệp (M&A) của Việt Nam năm nay được kỳ vọng sẽ vượt xa con số dự báo 6,7 tỷ USD.
Xu thế mua bán, sáp nhập doanh nghiệp năm 2019

M&A “nóng” từng ngày

Con số 1,9 tỷ  USD tổng giá trị các thương vụ M&A được thông tin tại Việt  Nam trong 6 tháng đầu năm 2019 mà Ban tổ chức Diễn đàn M&A lần thứ 11 mới đây vừa đưa ra đã trở nên lạc hậu khi trước hôm con số này được công bố - ngày  22/7, KEB Hana Bank (Hàn Quốc) đã mua tới 603.302.706 cổ phần, tương ứng tỷ lệ 15% vốn điều lệ của Ngân hàng BIDV, với tổng giá trị của giao dịch là hơn 20.295 tỷ đồng (khoảng 855 triệu USD).

Theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Anh Tuấn - Tổng biên tập Tạp chí Nhà Đầu tư, thực chất quy mô của M&A lớn hơn rất nhiều so với con số công bố. Đơn cử, cùng với con số 1, 9 tỷ USD  giá trị M&A 6 tháng đầu năm 2019 mà Ban tổ chức diễn đàn đưa ra (bằng 53% cùng kỳ năm 2018 - 3,55 tỷ USD) thì con số thống kê của Cục Đầu tư nước ngoài (ĐTNN) Bộ KH&ĐT, giá trị nhà ĐTNN mua lại cổ phần trong nước trong 6 tháng đầu năm 2019 đã đạt 2,64 tỷ USD.

Vì thế, theo ông Lê Trọng Minh, Trưởng Ban Tổ chức Diễn đàn M&A Việt Nam, mốc 6,7 tỷ USD giá trị M&A mà Ban tổ chức dự báo cho năm nay là không quá tham vọng. Ông Minh kỳ vọng giá trị M&A trong năm nay sẽ “bứt phá” xa con số dự báo trên.

Thực ra, con số 6,7 tỷ USD giá trị M&A dự báo cho năm 2019 cũng chỉ  bằng 88,16% so với 2018. “Trong giai đoạn trung hạn, quy mô thị trường M&A Việt Nam đã vượt qua mốc 5 tỷ USD của giai đoạn 2014 - 2016 để ổn định ở mốc 6 - 6,5 tỷ USD. Tuy nhiên, để đạt mốc 10 tỷ USD thì sẽ cần sự nỗ lực lớn hơn nữa”, Theo đại diện Ban tổ chức.

Được biết, năm 2018, tổng giá trị M&A tại Việt Nam năm 2018 đạt 7,64 tỷ  USD, bằng 74,9% so với năm 2017.  Năm 2017, nhờ thương vụ M&A Sabeco, hoạt động M&A tại Việt Nam đã đạt con số kỷ lục với tổng giá trị 10,2 tỷ USD. “Nếu trừ đóng góp của thương vụ này, thì giá trị M&A năm 2018 tại Việt Nam tăng 41,4%...”, ông Đặng Xuân Minh - Tổng giám đốc Công ty AVM, Phó Trưởng ban tổ chức diễn đàn này cho hay.

Dự báo, các lĩnh vực sôi động nhất trong giai đoạn 2018 - 2019 tập trung vào khai thác thị trường hơn 96 triệu dân của Việt Nam gồm sản xuất hàng tiêu dùng và bất động sản. Các thương vụ đáng chú ý cũng tập trung trong lĩnh vực tài chính tiêu dùng, bán lẻ, thủy sản, logistic, giáo dục…

Cơ hội rất lớn…

Sau 10 năm tổ chức, Diễn đàn M&A được đánh giá là một trong những diễn đàn uy tín hàng đầu Việt Nam. Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Võ Thành Thống cho rằng, diễn đàn không chỉ đã góp phần quan trọng vào thúc đẩy hoạt động ĐTNN (FDI) vào Việt Nam và kết nối đầu tư giữa các đối tác trong nước và nước ngoài, mà còn đưa ra các kiến nghị hữu ích cho các cơ quan quản lý nhà nước nhằm hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, chính sách về M&A.

“Sau một thập niên tăng trưởng mạnh mẽ với hàng ngàn giao dịch và tổng giá trị giao dịch đạt gần 50 tỷ USD, thị trường M&A Việt Nam bước vào kỷ nguyên mới với nhiều cơ hội mới…”, Thứ trưởng Thống nhấn mạnh.

Theo đại diện Bộ KH&ĐT, cơ hội cho M&A năm 2019 đến từ các yếu tố tích cực của nền kinh tế trong năm 2019 như kỳ vọng về tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, cũng như cơ hội do hội nhập quốc tế mang lại.

Trong bối cảnh đó, Chính phủ vẫn đang nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh với việc ban hành các Nghị quyết ngay từ đầu năm góp phần thúc đấy tăng trưởng kinh tế cũng như trong thu hút FDI trong đó có đầu tư theo hình thức M&A.

Đặc biệt, hàng loạt những chuyển động chính sách gần đây như dự thảo sửa đổi, bổ sung một số luật quan trọng (Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp, Luật Chứng khoán), Nghị quyết về thu hút FDI thế hệ mới lần đầu tiên dự kiến được Bộ Chính trị ban hành, việc ký kết các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như CPTPP, EVFTA, Hiệp định bảo hộ đầu tư EVIPA… được kỳ vọng sẽ mở ra cơ hội lớn để Việt Nam tăng cường thu hút FDI, trong đó có dòng vốn đầu tư thông qua hình thức M&A.

Tất cả những yếu tố trên đang mở ra những cơ hội rộng mở để thị trưởng M&A Việt Nam có bước đột phá. “Nhưng để thị trường bứt phá đòi hỏi Chính phủ và các bên liên quan phải có sự quyết tâm và thay đổi mạnh mẽ nhằm cải thiện hơn nữa môi trường đầu tư – kinh doanh, khơi thông dòng vốn chảy trong nước và quốc tế vào lĩnh vực M&A…”, Trưởng ban tổ chức - ông Lê Trọng Minh nhấn mạnh. 

500 doanh nghiệp, quỹ đầu tư dự Diễn đàn M&A 2019

“Với chủ đề “Thay đổi để bứt phá”, Diễn đàn M&A lần thứ 11 năm 2019 do do Báo Đầu tư và Công ty AVM Việt Nam tổ chức, dự kiến sẽ diễn ra vào ngày 6/8  tại TP.HCM. Sự kiện có sự tham gia của 500 đại diện doanh nghiệp, quỹ đầu tư trong nước và quốc tế, những người quyết định và tạo lập cho 85% giá trị các thương vụ diễn ra tại Việt Nam”.

Đọc thêm