Kịp thời 'gỡ vướng', đẩy nhanh tiến độ, chất lượng công tác quy hoạch

(PLVN) - Thượng tướng Trần Quang Phương - Phó Chủ tịch Quốc hội – nhấn mạnh trong phát biểu kết luận phiên thảo luận ở hội trường của Quốc hội (QH) về việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành, chiều nay, 30/5.
Phó Chủ tịch QH Trần Quang Phương điều hành phiên họp.
Phó Chủ tịch QH Trần Quang Phương điều hành phiên họp.

Bảo đảm quyền, lợi ích của người dân

Phát biểu tại phiên họp, đại biểu Nguyễn Đại Thắng (đoàn Hưng Yên) nhấn mạnh, công tác quy hoạch có vai trò rất quan trọng. “Muốn có dự án tốt, nguồn đầu tư tốt, sử dụng hiệu quả đầu tư công và phát triển kinh tế - xã hội, phải có quy hoạch tốt, do đó, quy hoạch phải đi trước một bước”, đại biểu nói.

Với nhận định như vậy, đại biểu đề nghị, công tác quy hoạch phải bám sát Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 10 năm tới, bám sát Luật Quy hoạch và các quy định pháp luật có liên quan. Việc xây dựng quy hoạch phải vì sự phát triển chung, vì lợi ích quốc gia, dân tộc không cục bộ, manh mún.

Đại biểu cũng đề nghị các bộ, ngành, địa phương tăng cường hơn nữa trong việc phối hợp để nâng cao hệ thống thông tin cơ sở dữ liệu quy hoạch quốc gia nhằm kịp thời cập nhật, chia sẻ thông tin để bảo đảm tính công khai, minh bạch. “Trong khi lập quy hoạch phải đặc biệt chú trọng tới chất lượng quy hoạch, đồng thời làm tốt công tác quản lý quy hoạch, hạn chế thấp nhất việc phải điều chỉnh quy hoạch”, đại biểu nói.

Một vấn đề lớn được nhiều đại biểu quan tâm cho ý kiến tại phiên họp là việc công khai thông tin về quy hoạch. Đại biểu Lê Thanh Hoàn (đoàn Thanh Hoá) bày tỏ tán thành với nhận định của Đoàn giám sát, theo đó cho rằng việc công bố, công khai thông tin quy hoạch ở một số địa phương còn chậm, chưa thường xuyên, liên tục; chưa tăng cường áp dụng công nghệ thông tin để công khai và cung cấp thông tin quy hoạch có hiệu quả.

“Theo phản ánh của cử tri, những gì dân muốn biết, dân cần thực sự rất khó để có thể tiếp cận. Đây cũng chính là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng nhiễu loạn thông tin, sốt ảo đất đai, đầu cơ, thao túng thị trường đất đai, gây bất ổn thị trường, khiếu kiện về đất đai dẫn đến mất an ninh trật tự tại một số địa phương”, đại biểu Lê Thanh Hoàn nhấn mạnh.

Trong khi đó, theo đại biểu, việc xử lý trách nhiệm đối với các cơ quan, tổ chức, cá nhân không thực hiện việc công bố công khai thông tin lại chưa được thực hiện nghiêm túc.

“Đề nghị QH trong dự thảo nghị quyết giám sát QH cần bổ sung quy định về biện pháp chế tài xử lý cụ thể với những trường hợp chậm, hoặc không công khai thông tin quy hoạch, bảo đảm những quy định của pháp luật về quy hoạch được thực thi nghiêm túc trên thực tế”, đại biểu kiến nghị.

Để đảm bảo hài hòa giữa yêu cầu phát triển nhanh, bền vững, tăng tính khả thi của các đồ án quy hoạch đô thị và quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân trong khu vực quy hoạch, đại biểu Nguyễn Thị Lệ (đoàn TP Hồ Chí Minh) kiến nghị Bộ Xây dựng đề xuất Chính phủ ban hành các chính sách phù hợp về nhà, đất đối với người dân trong khu quy hoạch chưa được thực hiện; hạn chế tối đa gây ảnh hưởng đến đời sống, quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân trong khu vực quy hoạch.

Đại biểu Nguyễn Thị Lệ phát biểu tại phiên họp.

Đại biểu Nguyễn Thị Lệ phát biểu tại phiên họp.

Đề cập đến vấn đề gây bức xúc trong nhân dân là quy hoạch treo, dự án treo, đại biểu Nguyễn Hữu Thông (đoàn Bình Thuận) cho rằng, vấn đề này vừa gây lãng phí nguồn lực xã hội, nhất là nguồn lực đất đai và các nguồn lực khác, vừa giảm niềm tin của người dân đối với chính quyền. Do vậy, đại biểu kiến nghị Chính phủ cần ban hành các quy định cụ thể về thời gian hết hiệu lực đối với các quy hoạch treo, dự án treo; đồng thời có chế tài xử lý đối với các tổ chức, cá nhân không thực hiện đúng quy hoạch đã đề ra.

5 Bộ trưởng phát biểu giải trình

Tại phiên họp, 5 bộ trưởng các bộ có liên quan đã phát biểu, giải trình một số ý kiến các đại biểu QH nêu tại phiên họp. Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) Trần Hồng Hà dẫn kinh nghiệm thế giới, lý luận và thực tiễn để chỉ ra rằng, việc đưa ra một quy hoạch cấp tỉnh, cấp quốc gia có khả năng tích hợp là rất khó khăn về mặt kỹ thuật. Bất cập thứ hai được Bộ trưởng TN&MT đưa ra, là quy hoạch sử dụng đất đai và một số quy hoạch khác đều là những quy hoạch tích hợp. Theo Bộ trưởng, việc đưa tất cả những yêu cầu, mục tiêu phát triển cùng xuất hiện trong một quy hoạch là rất khó khăn.

Về giải pháp thời gian tới, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho rằng, cần thực hiện lập đồng thời các quy hoạch, phối hợp hiệu quả hơn nữa giữa các cấp, các ngành trong việc lập quy hoạch. Vẫn theo Bộ trưởng Bộ TN&MT, cần có sự quản lý chặt chẽ và hợp lý các quy hoạch, cần tích hợp các quy hoạch để đảm bảo mối quan hệ hữu cơ, hài hòa và thống nhất, đồng bộ giữa các quy hoạch.

Về một số ý kiến các vị đại biểu QH liên quan đến lĩnh vực ngành xây dựng, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị khẳng định, sau khi Luật Quy hoạch được ban hành và có hiệu lực, hệ thống quy hoạch theo pháp luật chuyên ngành về xây dựng và đô thị đang được triển khai thực hiện ổn định, về cơ bản không có vướng mắc.

“Tính đến tháng 5/2022, cả nước có 870 đô thị, tỷ lệ quy hoạch chung đô thị đạt 100%. Quy hoạch vùng huyện hiện đạt khoảng 35% và quy hoạch xã nông thôn mới trên cả nước đạt gần 100%. Có thể nói, sau khi Luật Quy hoạch được ban hành và có hiệu lực, các loại quy hoạch theo pháp luật chuyên ngành về về xây dựng và đô thị đã và tiếp tục phát huy vai trò quan trọng, là cơ sở đầu tiên cho lọc dự án đầu tư, định hướng không gian kinh tế - xã hội ở các vùng và các địa phương”, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị khẳng định.

Trong khi đó, đề cập đến quy hoạch sản phẩm trong lĩnh vực nông nghiệp, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Lê Minh Hoan cho rằng, việc bỏ quy hoạch sản phẩm trong lĩnh vực nông nghiệp là một bước tiến lớn. Trong điều kiện thị trường ngày càng mở và bất định, đặc biệt với những diễn biến khó lường như trong dịch bệnh COVID-19 vừa qua, khó có được đầy đủ dữ liệu để đưa ra quyết định quy hoạch, hoặc đề ra các chỉ số, chỉ tiêu một cách cứng nhắc.

Ngoài ra, Bộ trưởng Lê Minh Hoan kiến nghị cần chuyển từ sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp, đa dạng hóa sản phẩm, đa dạng hóa thị trường. Cùng với đó, cần khẩn trương quy hoạch từng vùng sinh thái để định hình được chiến lược đầu tư, hỗ trợ tạo ra một hệ sinh thái ngành hàng.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư (KH&ĐT) Nguyễn Chí Dũng thông tin, Luật Quy hoạch đã thiết lập hệ thống quy hoạch quốc gia, bao gồm 111 quy hoạch từ cấp tỉnh trở lên, thay thế cho 3.654 quy hoạch quy hoạch trước đây, tương ứng với việc cắt giảm 97% số quy hoạch phải lập từ cấp tỉnh trở lên. Trên toàn bộ hệ thống, số lượng quy hoạch cần phải lập giảm 6.411 quy hoạch so với trước đây.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng phát biểu giải trình tại phiên họp.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng phát biểu giải trình tại phiên họp.

Khẳng định “quy hoạch như một công binh mở đường, đi trước mang tính dẫn dắt trong quá trình phát triển của đất nước”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nêu giải pháp để đẩy nhanh và nâng cao chất lượng lập quy hoạch trong thời gian tới.

“Chất lượng quy hoạch cần được ưu tiên hàng đầu và có tính dẫn dắt trong việc cụ thể hóa chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; phát huy được tiềm năng, lợi thế cạnh tranh của quốc gia, khắc phục được hạn chế, khó khăn, mâu thuẫn, chồng chéo, yếu kém, thách thức của các ngành, lĩnh vực, địa phương, đáp ứng được yêu cầu đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, tạo động lực phát triển nhanh hơn, bền vững hơn, trở thành nước có thu nhập cao vào năm 2045. Trong đó, ưu tiên phấn đấu hoàn thành quy hoạch cấp quốc gia và một số quy hoạch quan trọng, cấp bách trong năm 2022; còn các quy hoạch khác sẽ được tổ chức triển khai và hoàn thành dứt điểm trong năm 2023”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nêu rõ.

Đẩy nhanh tiến độ và chất lượng công tác quy hoạch

Phát biểu kết luận phiên họp, Thượng tướng Trần Quang Phương - Phó Chủ tịch QH - đề nghị cần xác định cụ thể các nhóm giải pháp cho phép Chính phủ, cơ quan có thẩm quyền và các cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia lập quy hoạch được thực hiện ngay để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ và chất lượng công tác quy hoạch.

Đồng thời, xác định cụ thể các nhóm nhiệm vụ cụ thể giao Chính phủ thực hiện để trước mắt, khắc phục ngay những khó khăn, vướng mắc, bất cập, tạo điều kiện thuận lợi trong triển khai các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh. Trong trung và dài hạn, QH giao Chính phủ tổng kết, đánh giá toàn diện việc thực hiện Luật Quy hoạch và các luật, văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến quy hoạch để kiến nghị sửa đổi, bổ sung quy hoạch, các luật có liên quan đến quy hoạch nhằm đáp ứng yêu cầu công tác quản lý nhà nước về công tác quy hoạch, bảo đảm đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật.

Đọc thêm