Kịp thời ứng phó thiên tai khi mùa mưa bão đến

(PLVN) - Do biến đổi khí hậu toàn cầu, dự báo tình hình thiên tai năm 2020 diễn biến hầu như không theo quy luật. Vì vậy, các địa phương cần kịp thời ứng phó, khắc phục khẩn trương khi có thiên tai xảy ra. 
Cứ mưa là nhiều con đường tại TP Hồ Chí Minh biến thành sông. Ảnh: Ngọc Khải

Chưa đến mùa mưa bão đã thiệt hại nặng nề

5 tháng đầu năm 2020, thiên tai làm 24 người chết, 96 người bị thương; 101 nghìn ha lúa và gần 26,5 nghìn ha hoa màu bị hư hỏng; 606 ngôi nhà bị sập đổ; hơn 59,9 nghìn ngôi nhà bị tốc mái, hư hỏng, tổng giá trị thiệt hại về tài sản ước tính gần 4 nghìn tỷ đồng. 

Đặc biệt, thiên tai xảy ra trong tháng 5 gây thiệt hại lớn nhất. Thiên tai chủ yếu là mưa đá, mưa lớn, sạt lở và xâm nhập mặn tại một số địa phương làm 12 người chết và 75 người bị thương; 567 ngôi nhà bị sập và hơn 31,6 nghìn ngôi nhà bị tốc mái, hư hỏng; 32,2 nghìn ha lúa và 10,3 nghìn ha hoa màu bị hư hỏng, tổng giá trị thiệt hại về tài sản do thiên tai gây ra trong tháng là hơn 1.452,3 tỷ đồng.

Riêng hạn hán, xâm nhập mặn xảy ra tại 6 tỉnh: Kon Tum, Gia Lai, Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng làm thiệt hại hơn 8,7 nghìn ha lúa và 917ha hoa màu, tổng giá trị thiệt hại lên tới 791,1 tỷ đồng (chiếm 54,4% tổng thiệt hại trong tháng 5).

Nếu chủ động phòng tránh, thiệt hại về kinh tế và người sẽ giảm thiểu. Theo báo cáo của Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, thiệt hại do thiên tai năm 2019 ở Việt Nam đã được giảm thiểu tối đa, đặc biệt là về người (133 người chết và mất tích). Tổng thiệt hại về kinh tế trên 7.000 tỷ đồng, đã giảm nhiều so với thiệt hại do thiên tai gây ra năm 2018 (ước tính gần 20.000 tỷ đồng).

Theo đó, thiên tai năm 2019 không diễn ra dồn dập và khốc liệt nhưng mang nhiều yếu tố cực đoan, dị thường trên khắp các vùng miền cả nước với 16/21 loại hình thiên tai (bão, giông, lốc sét; lũ quét, sạt lở đất; rét đậm, rét hại; nắng nóng; mưa lớn, ngập lụt; trận động đất; triều cường, sạt lở bờ sông, xói lở bờ biển tại nhiều khu vực ở Đồng bằng sông Cửu Long…).

Phần lớn số người thiệt mạng vẫn do bất cẩn đi lại khi mưa lũ, lũ quét, sạt lở đất. Khả năng chống chịu của cơ sở hạ tầng và công trình phòng chống thiên tai còn hạn chế (nhà cửa của nhân dân, cơ sở hạ tầng còn yếu dễ xảy ra sự cố khi lũ, bão.

Trong điều kiện ngân sách còn rất khó khăn, năm 2019, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định chi trên 10.300 tỷ đồng từ dự phòng ngân sách trung ương và các nguồn vốn khác để hỗ trợ công tác khắc phục hậu quả thiên tai và xử lý sự cố đê điều, hồ đập, sạt lở, di dời dân.

Tích cực phòng tránh

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, năm nay, bão trên khu vực Biển Đông có xu hướng hoạt động muộn hơn so với trung bình nhiều năm. Trong năm sẽ có khoảng 11-13 cơn bão và áp thấp nhiệt đới trên khu vực Biển Đông.

Trong số đó, khoảng 5-6 cơn sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta, tập trung nhiều ở khu vực Trung Bộ và phía Nam trong những tháng cao điểm của mùa bão năm 2020. Nền nhiệt trung bình từ nay đến tháng 10, trên phạm vi toàn quốc phổ biến cao hơn trung bình nhiều năm cùng thời kỳ khoảng 0,5-1 độ C.

Hiện vẫn còn trên 200 vị trí trên đê xung yếu; trên 1.700 hồ chứa nước vừa và nhỏ bị hư hỏng, xuống cấp, trong đó khoảng 200 hồ chứa xung yếu có nguy cơ xảy ra sự cố trong mùa mưa lũ - đây là những quả bom nước hết sức nguy hiểm nếu chúng ta không có các phương án chủ động phòng ngừa để bảo đảm an toàn.

Hàng trăm khu vực bờ sông, bờ biển bị sạt lở; hệ thống tiêu thoát nước ở hàng loạt đô thị không đáp ứng được yêu cầu nên thường xuyên xảy ra tình trạng úng ngập, ùn tắc giao thông nghiêm trọng khi mưa lớn, nhất là TP HCM và Hà Nội; hệ thống giao thông thường xuyên bị sạt lở, hư hỏng…

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, phòng chống thiên tai là mặt trận không ngưng nghỉ để bảo vệ tính mạng, tài sản của người dân, thành quả của đất nước. Do đó, các địa phương trong toàn quốc cần chủ động, tích cực để thành công trong công tác phòng chống thiên tai.

Nhận định thiên tai năm 2020 sẽ tiếp tục có những diễn biến phức tạp, khó lường, các địa phương trong toàn quốc đã tiến hành tổng kết, đánh giá, rút kinh nghiệm về công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2019.

Trên cơ sở đó, đảm bảo sát với thực tế và diễn biến của từng loại thiên tai, lên kế hoạch ứng phó hiệu quả trước, trong và sau khi thiên tai xảy ra, nhất là sạt lở, giông lốc, bão, áp thấp nhiệt đới xảy ra trên địa bàn.

Các địa phương cần xây dựng kế hoạch ngắn hạn, trung hạn và dài hạn về công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, củng cố, kiện toàn tổ chức, bộ máy Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các cấp.

Đồng thời đầu tư nâng cao khả năng chống chịu thiên tai của các hệ thống đê điều, các vùng ảnh hưởng bởi thiên tai; Đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, giám sát công tác tìm kiếm cứu nạn, nhanh chóng, kịp thời, chính xác. 

Đọc thêm