Đó là tình trạng gắn mác sâm Ngọc Linh cho các loại củ có vẻ ngoài giống sâm Ngọc Linh như Tam Thất, sâm Trung Quốc, sâm Lai Châu để bán cho khách với giá trên trời; làm khống bản xác nhận có liên kết trồng sâm với dân hay lợi dụng giấy xác nhận vùng trồng, liên kết để mang đi mua bán, kinh doanh.
Xác định bảo vệ thương hiệu “Quốc bảo sâm Ngọc Linh” là việc ưu tiên, triển khai thường xuyên, liên tục, nên những năm qua, cả hệ thống chính trị của huyện Tu Mơ Rông và tỉnh Kon Tum cùng đồng lòng vào cuộc ngăn chặn, xử lý.
Riêng tại huyện Tu Mơ Rông, nơi được xem là thủ phủ sâm, để chống nạn sâm giả, huyện quán triệt trong toàn thể cán bộ, đảng viên phải đi đầu, làm gương; công khai số điện thoại để tiếp nhận tin báo. Trong 2 phiên chợ được tổ chức năm 2022 và 2023, ban tổ chức đã thành lập tổ kiểm định sâm và lấy các mẫu sâm gửi đi xét nghiệm, nếu kết quả xác định có sâm giả trà trộn vào, sẽ xử lý nghiêm minh bất kể đó là cán bộ nào, chức vụ gì.
Huyện Tu Mơ Rông chủ động rà soát, thống kê các tổ chức, cá nhân sở hữu vườn sâm hay tham gia liên kết trồng sâm với dân và công khai danh sách này để cộng đồng được biết. Ngoài ra, huyện chỉ đạo lực lượng công an tham mưu lập chuyên án chống mua bán sâm giả; Ban chỉ đạo 389 huyện thành lập Tổ chống sâm giả trên địa bàn; thành lập các đoàn đi kiểm tra và lấy mẫu xét nghiệm tại các vườn sâm.
Phiên chợ sâm Ngọc Linh năm 2023. |
Nhờ triển khai đồng bộ các giải pháp của huyện và tỉnh nên nhiều vụ mua bán sâm giả đã được phát hiện, bắt giữ. Các doanh nghiệp vào địa bàn “nổ” sở hữu vườn sâm, có liên kết trồng sâm với dân đã được huyện và ngành chức năng phanh phui, công khai sự thật không đúng như các doanh nghiệp công bố để dư luận, công chúng biết sự thật.
Nhìn lại “cuộc chiến” chống sâm giả, dễ dàng nhận thấy, điều khó khăn nhất là tỉnh chưa chủ động được máy móc để xét nghiệm, làm cơ sở xử lý hành vi mua bán hàng giả. Nói khó là vì, muốn xử lý sâm giả, phải có kết quả xét nghiệm bằng máy móc. Thực tế, vừa qua, khi nghi ngờ sâm giả, ngành chức năng phải lấy mẫu gửi đi xét nghiệm, vừa mất thời gian, lại bị động, tốn chi phí cao. Với quyết tâm xử lý nghiêm nạn sâm giả, đồng chí Bí thư Tỉnh uỷ Kon Tum đã chỉ đạo đầu tư máy móc và UBND tỉnh đã bố nguồn vốn để thực hiện.
Tin vui là tại Kỳ họp thứ 5, HĐND tỉnh Kon Tum khoá XII đầu tháng 7/2023 vừa qua, ông Bùi Thanh Bình, Giám đốc Sở Khoa học - Công nghệ tỉnh cho biết, đơn vị này đã hoàn thành công tác đầu tư, mua sắm thiết bị đối với 2 hệ thống kiểm định chất lượng sâm Ngọc Linh với mức đầu tư 13 tỷ đồng. Hai hệ thống này gồm hệ thống thiết bị phục vụ công tác tách chiết, nhân bản, kiểm tra DNA và thiết bị kiểm định thành phần hoạt chất sinh học Saponin sâm Ngọc Linh nhằm phục vụ công tác chuyên kiểm tra chất lượng sâm trên địa bàn tỉnh.
Đến nay, các thiết bị, dụng cụ đã được trang bị đầy đủ, bảo đảm điều kiện để phân tích kiểm định sâm Ngọc Linh và các dược liệu khác. Cán bộ kỹ thuật của sở đã được đào tạo, làm chủ được 2 quy trình kỹ thuật phân tích, kiểm định, phân biệt sâm Ngọc Linh thật, giả. Có thể khẳng định, việc làm chủ kỹ thuật xét nghiệm sâm Ngọc Linh nói trên là một bước tiến mới trong công cuộc đấu tranh chống sâm giả trà trộn vào thủ phủ sâm Tu Mơ Rông. Từ đây, việc đấu tranh chống nạn sâm giả sẽ bước vào trạng thái chủ động và mạnh mẽ, tạo sự răn đe lớn đối với các đối tượng nhăm nhe trục lợi.
Ngoài ra, một lỗ hổng khác trong công cuộc chống sâm giả là tình trạng mua bán sâm tràn lan trên mạng mà chưa được quản lý. Vào các mạng xã hội, dễ dàng bắt gặp “chợ” mua bán sâm nhộn nhịp. Người bán trong tỉnh, ngoài tỉnh Kon Tum đăng hình ảnh những loại củ không phải là sâm Ngọc Linh để rao bán thành sâm Ngọc Linh. Việc này ngoài gây ảnh hưởng thương hiệu, còn gây thiệt hại tài sản người tiêu dùng nếu không may mua phải.
Đáng nói hơn, rất khó xử lý việc rao bán sâm giả trên mạng vì địa chỉ người bán không rõ ràng, thường là địa chỉ ảo nên khó xác minh. Đơn cử như trong thời gian qua, phát hiện một số đối tượng rao bán giống sâm Ngọc Linh với giá siêu rẻ, hình dạng lại khác thường nên ngành chức năng huyện Tu Mơ Rông đã kiểm tra địa chỉ gian hàng ở các xã Ngọc Lây, Măng Ri (huyện Tu Mơ Rông) thì khi đến nơi, đoàn xác định đây là địa chỉ “ma”, hoặc là địa chỉ của nhà dân, không hề liên quan đến dược liệu hay doanh nghiệp. Khi đoàn chất vấn địa chỉ rao bán không có thật thì đối tượng này đã chặn số điện thoại và “lặn” mất tăm.
Cái khó khác của việc quản lý mua bán sâm giả trên mạng là các trang điện tử không đăng ký kinh doanh, cũng không có nạn nhân đứng ra tố cáo và chưa có đơn vị nào chủ trì đứng ra xử lý việc mua bán trên mạng. Vì thế, cần có bộ quy chuẩn quản lý việc mua bán sâm trên mạng. Nếu quản lý được việc mua bán sâm giả trên mạng vốn đang bị trôi nổi như thời gian qua, chắc chắn sâm giả sẽ hết đất sống.
Riêng đối với Tu Mơ Rông, trong thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục phối hợp lập hồ sơ pháp lý vùng trồng sâm cho các hộ gia đình để quản lý. Song song với đó, huyện sẽ khuyến cáo trên các trang điện tử về việc người dân, doanh nghiệp khi mua bán sâm, cần lập vi bằng hoặc làm hợp đồng mua bán để nếu phát hiện sâm giả, sẽ có cơ sở để ngành chức năng nghiêm trị.