Коnstаntin Tsiolkovsky – 'cha đẻ' của hàng không vũ trụ

(PLO) -Cách đây 160 năm, Konstantin Eduardovich Tsiolkovsky - người sáng lập lý thuyết về ngành vũ trụ học hiện đại đã ra đời. 
K.Tsiolkovsky – “cha đẻ” trong lĩnh vực tên lửa và du hành vũ trụ bên mô hình tên lửa không gia ở Kaluga (Nga)

Trước khi kỷ nguyên vũ trụ khởi đầu rất lâu, nhà khoa học không gian thiên tài nước Nga đã tìm ra công thức để các tên lửa hôm nay vượt qua được lực hấp dẫn để bay lên không gian.

Tự học và khám phá khoa học vũ trụ

Konstantin Tsiolkovsky sinh ngày 17/9/1857 tại làng Ijevskoe thuộc tỉnh Ryazan, phía nam Moskva, trong một gia đình đông anh em, có bố là người Ba Lan, mẹ là người Nga. 

Ngay từ khi còn nhỏ, Tsiolkovsky đã mơ ước về vũ trụ và dường như ông được sinh ra để thực hiện giấc mơ này. Khi Tsiolkovsky 10 tuổi, ông mắc bệnh và bị ảnh hưởng nghiêm trọng đến thính giác nên không thể đến trường. Sự thiệt thòi này đã khiến cho Tsiolkovsky đam mê sách vở, nỗ lực trau dồi kiến thức. 

Từ năm 1873 đến 1876, Tsiolkovsky sống ở Mátxcơva, thường xuyên đến đọc sách tại thư viện Chertkovskaya của thành phố. Tại đây, ông được triết gia nổi tiếng Nikolai Fedorovitch Fedorov hướng dẫn và chỉ dạy, tạo điều kiện cho ông được nghiên cứu, tự học những bài giảng của trường đại học. Tsiolkovsky bắt đầu nảy sinh những ý tưởng đầu tiên về các chuyến bay chinh phục không gian, về việc đưa con người ra sống và làm việc ngoài vũ trụ. 

Năm 1876, Tsiolkovsky trở về quê thi lấy chứng chỉ giáo viên, dạy toán tại một trường trung học ở Borovsk, tỉnh Kaluga. Ông bắt đầu những nghiên cứu khoa học đầu tiên, chế tạo khinh khí cầu, sống và làm việc ngoài không gian, hàng không vũ trụ; xây dựng các hầm gió để thử các kiểu mẫu cánh máy bay.

Năm 1893, Tsiolkovsky được phong hàm Giáo sư tại Kaluga. Tại đây, ông đã viết và xuất bản các học thuyết về hàng không vũ trụ. 

Những nghiên cứu tiên phong về vũ trụ

Với hơn 500 công trình và một số tác phẩm kinh điển, Tsiolkovsky đã được cả thế giới biết đến và được công nhận là một trong những người khai sinh ra ngành hàng không vũ trụ. Dù không trực tiếp chế tạo ra tên lửa, nhưng các công trình của ông đã là nền tảng, động lực rất lớn thúc đẩy sự nghiên cứu, sáng tạo của một thế hệ các nhà khoa học không gian Xô Viết kế cận mà tiêu biểu là tổng công trình sư Sergey Korolev.

Ông đã đề xuất sử dụng cánh lái grafit để điều khiển đường bay của tên lửa, sử dụng nhiên liệu có nhiệt độ thấp để làm mát buồng đốt và ống xả, và bơm đến bộ truyền động đẩy từ các bể chứa vào buồng đốt. Ông còn cân nhắc đến các nhân tố con người sẽ gặp phải vào buổi đầu trong thời đại vũ trụ, sau này những nhà du hành vũ trụ đầu tiên đã rất sửng sốt về sự mô tả cực kỳ chính xác của Tsiolkovsky về cuộc sống không trọng lượng trong khoảng không.

Từ năm 1896, Tsiolkovsky nghiên cứu ứng dụng của lực đẩy phản lực và đến năm 1903, tác phẩm với tựa đề "Thám hiểm khoảng không vũ trụ bằng động cơ phản lực" hoàn thành - được xem như là tác phẩm kinh điển của ngành du hành vũ trụ hiện đại. Nhà du hành vũ trụ đầu tiên Yuri Gagarin nói rằng, ông đã có cơ hội thực tế để xác minh tính chính xác về kết luận mà Tsiolkovsky đưa ra về chuyến bay không gian.

Năm 1921, Tsiolkovsky nghiên cứu phát triển ý tưởng về đệm không khí và bản tác phẩm về nó vào năm 1927, tiêu đề "Đệm không khí và con tàu hỏa tốc". Năm 1929, Tsiolkovsky đề xuất xây dựng tên lửa nhiều tầng trong cuốn sách "Di chuyển trong không gian với tên lửa".

Các tác phẩm ra đời sau đó là: "Con tàu vũ trụ" (1924), “Kế hoạch chinh phục không gian” bao gồm 16 bước (1926), "Tên lửa vũ trụ" (1927), "Tên lửa vũ trụ nhiều tầng" (1929), "Tốc độ tối đa của tên lửa" (1935),... được chấp nhận rộng rãi như những cơ sở khoa học đầu tiên, làm tài liệu sử dụng trong lĩnh vực tên lửa cho những cuộc thám hiểm không gian. 

Ngày nay, Tsiolkovsky được mệnh danh là “cha đẻ của hàng không vũ trụ học lí thuyết và ứng dụng”. Miệng hố dễ thấy nhất ở phía bên kia của mặt trăng được đặt tên ông, và còn có một tiểu hành tinh mang tên 1590 Tsiolkovsky. Tsiolkovsky qua đời tại nhà riêng, vào ngày 19-9-1935, thọ 78 tuổi...

Đọc thêm