Kung Fu Panda 3 được “đo ni đóng giày” cho thị trường Trung Quốc – không phải chỉ vì phim nói về chú gấu trúc giỏi võ, ham ăn sống ở Trung Quốc- mà còn vì Hollywood đang tìm cách chinh phục khán giả ở thị trường điện ảnh tăng trưởng nhanh nhất thế giới.
Và nỗ lực của họ đã được đền đáp. Ra mắt vào dịp cuối tuần, ngay lập tức Kung Fu Panda 3 thu về 41 triệu USD tiền vé ở Mỹ và 58,3 triệu USD tiền vé ở Trung Quốc. Đây là doanh thu khai chiếu cuối tuần cao nhất đối với một bộ phim hoạt hình ra rạp ở Trung Quốc. Con số kỷ lục này đã đặt ra một tiêu chuẩn mới về cách thức hai thị trường điện ảnh lớn nhất thế giới làm ăn cùng nhau.
Thị trường khổng lồ
Hãng DreamWorks Animation và Oriental DreamWorks đã làm hai phiên bản Kung Fu Panda 3 – một bằng tiếng Anh và một bằng tiếng Trung Quốc phổ thông. Thay vì cách thông thường là lồng tiếng bản địa cho nhân vật nói tiếng nước ngoài, họ đã kỳ công thiết kế phiên bản tiếng Trung để chú gấu và huynh đệ của mình có những cử động môi khớp với lời được nói ra bằng cả hai thứ tiếng. Và đây cũng là bộ phim đầu tiên có cả tiếng Trung và tiếng Anh được trình chiếu ở Mỹ và Trung Quốc.
Ở Mỹ, một số rạp chiếu Kung Fu Panda 3 phiên bản tiếng Trung, trong đó có 3 rạp ở thành phố Los Angeles gần các cộng đồng người Mỹ gốc Trung Quốc có quy mô lớn. DreamWorks tính rằng, việc phát hành phiên bản song ngữ đồng thời sẽ dẫn tới việc một số gia đình thích đi xem hai lần.
Phim được dàn sao Mỹ và Trung Quốc lồng tiếng, trong đó có Jack Black và Angelina Jolie ở Mỹ, Jackie Chan (Thành Long) và Bai Baihe (Bạch Bách Hà) ở Trung Quốc.
Mô hình mới này được các nhà sản xuất và lãnh đạo các hãng phim khác của Hollywood ngày càng quan tâm để khai thác thị trường Trung Quốc tăng trưởng ngày càng nhanh. “Mọi người đang cố gắng xâm nhập thị trường này. Chỉ có điều một số người thì làm tốt hơn những người khác, nhà sản xuất, đạo diễn Mỹ Stephen Hamel nói với BBC. Hamel hiện có một số sản phẩm hợp tác Mỹ-Trung làm cùng với đối tác sản xuất Keanu Reeves.
Áp phích phim Kung Fu Panda 3 |
Soán ngôi
Theo nhiều người trong cuộc, vào cuối thập kỷ này, Trung Quốc có thể vượt qua Mỹ để trở thành thị trường điện ảnh lớn nhất thế giới. Đến năm 2030, thị trường phim Trung Quốc có thể lớn gấp đôi thị trường Mỹ, ông Paul Dergarabedian, nhà phân tích của công ty truyền thông toàn cầu Rentrak, nhận định.
Thực tế các chiến dịch marketing phim được “may đo” cho thị trường Trung Quốc cho thấy nhiều ý nghĩa chiến lược. Đó là cách làm phim, là cách kiếm tiền thật nhanh”, ông Dergarabedian nói. Theo ông, nếu các hãng phim không hợp tác cùng sản xuất với Trung Quốc thì ít nhất họ cũng đang cân nhắc Trung Quốc trong kế hoạch marketing của mình.
Một thỏa thuận phim Mỹ-Trung có ý nghĩa rất quan trọng được ký kết năm 2012. Theo đó, thêm nhiều phim Hollywood được trình chiếu hằng năm tại thị trường Trung Quốc (34 thay vì 20 như trước đó) và cho phép các nhà phát hành Mỹ có thêm phần ăn chia doanh thu phòng vé (25% thay vì 11-15%).
Tuy nhiên, phim Hollywood vẫn bị hạn chế về thời điểm được công chiếu ở Trung Quốc. Có những lúc cao điểm về lượng người ra rạp thì phim Hollywood lại không được đem ra chiếu. Đây là một trong những cách Trung Quốc ưu ái, hà hơi tiếp sức cho phim nội.
“Nhưng Hollywood cũng chả buồn than phiền. Họ đang công phá phòng vé tại Trung Quốc”, ông Jonathan Landreth, biên tập viên của China Film Insider, nhận định. Fast & Furious, Avengers, Star Wars gần đây là những “quả bom tấn” phát nổ trong các rạp Trung Quốc.
Angelina Jolie lồng tiếng cho hổ |
Phim Hollywood “Made in China”
Kung Fu Panda 3 có điểm độc đáo là tại Trung Quốc, nó được coi là sản phẩm nội địa. Vì thế, khác với những bộ phim Hollwood khác, nó không bị giới hạn về thời điểm được trình chiếu ở Trung Quốc. Phim được phép chiếu vào những dịp đặc biệt, đông người xem như Tết Nguyên đán. Địa vị cùng sản xuất thực sự như vật chính là điều mà các hãng phim Hollywood đang hy vọng đạt được, ông Landreth nói.
Tuy nhiên, không phải tất cả phim Mỹ nhằm vào Trung Quốc đều gặt hái thành công. Man of Tai Chi (Thái Cực hiệp) của nhà sản xuất Stephen Hamel và đạo diễn Keanu Reeves đã không công phá được phòng vé Trung Quốc và Mỹ khi phim ra rạp năm 2013. Ông Hamel nói rằng, họ gặp vấn đề về phát hành, nhưng vấn đề không đến nỗi thảm họa.
“Đó là một kinh nghiệm tốt. Phim giới thiệu cho chúng tôi rất nhiều người và các mối quan hệ với họ đang nảy nở”, ông Hamel nói. Ông cho biết, ông và đối tác đang triển khai hai sản phẩm hợp tác tại Trung Quốc, trong đó có Unmanned – một bộ phim giật gân, ly kỳ có bối cảnh là Hong Kong trong một cuộc chiến tranh thế giới trong tương lai.
Hiện có nhiều sự phấn khích, lạc quan trong ngành điện ảnh Trung Quốc hơn là tại Los Angeles, ông Hamel nói và cho rằng phim ảnh là công cụ tối thượng để đưa các nền văn hóa khác nhau đến với nhau. “Tôi phấn khích về việc được ở Trung Quốc làm phim và tìm cách bắc cầu cho Hollywood và Trung Quốc đến với nhau”, ông nói.
Lucy Liu lồng tiếng cho rắn |
Bên lề
Trong khi Angelina Jolie lồng tiếng cho cô hổ võ nghệ cao cường, bốn người con nuôi của minh tinh Hollywood là Shiloh Jolie-Pitt, Pax Jolie-Pitt, Knox Jolie-Pitt và Zahara Jolie Pitt đều góp giọng trong cảnh gấu Po nói với nhóm gấu trúc về kế hoạch game. Trong khi đó, Thành Long là diễn viên duy nhất lồng tiếng cho 2 nhân vật khác nhau trong phim – chú khỉ (phiên bản tiếng Anh) và bố đẻ của Po (phiên bản tiếng Trung).
Diễn viên hài Rebel Wilson ban đầu được chọn để lồng tiếng nhân vật Mei Mei, nhưng sau rút lui vì vướng lịch phim khác; người thay thế cô Kate Hudson. Kai là nhân vật phản diện đầu tiên trong loạt phim Kung Fu Panda không có giọng Anh. Lồng tiếng cho Kai là tài tử Mỹ J.K. Simmons.
Một phần ba bộ phim được sản xuất tại Trung Quốc, phần còn lại được làm tại Mỹ. Ban đầu, Kung Fu Panda 3 dự kiến được trình chiếu từ 23/12/2015, nhưng sau đó DreamWorks lùi thời điểm khởi chiếu để tránh cạnh tranh trực tiếp với Star Wars: The Force Awakens (Chiến tranh giữa các vì sao: Thần lực thức tỉnh)…/.