Kỳ 33: Hành trình “chặt vòi bạch tuộc” xuyên biên giới của Năm Cam

(PLO) - Hàng trăm cảnh sát cơ động được điều động phục vụ riêng công tác bắt giữ đồng bọn Năm Cam chưa sa lưới. Trong tổ chức xã hội đen của Năm Cam, Nguyễn Ngọc Hiệp (tức Hiệp “phò mã”) giữ vai trò chỉ huy, chỉ sau ông cha vợ. 
Kỳ 33: Hành trình “chặt vòi bạch tuộc” xuyên biên giới của Năm Cam
Theo phân công của Nam Cam, Hiệp chịu trách nhiệm quán xuyến toàn bộ hoạt động xã hội đen của 22 quận, huyện tại TP.Hồ Chí Minh. Ở đâu có tranh giành, thanh toán nhau, Hiệp sẽ đứng ra dàn xếp, khi cần sẽ “trừng trị” nếu đàn em bất tuân. 
Rạng sáng ngày 13/12/2001, phát hiện Hiệp và vợ đang ngồi tại 1 quán điểm tâm trên đường Nguyễn Phi Khanh (quận 1). Sau khi kiểm tra nhân dạng, xác định đúng vợ chồng Hiệp, hai trinh sát bám theo. Đến cự ly vừa tầm quan sát, trinh sát tung chiêu, tóm cổ vợ chồng Hiệp “phò mã”, tra còng vào tay họ. Đang nằm trong trại giam, Năm Cam tháo mồ hôi hột khi nghe tin Hiệp bị bắt. Những ngày tiếp theo, Năm Cam thường xuyên mất ngủ, hoang mang lo sợ sau khi cánh cổng phòng giam nặng nề khép lại. 
Thông tin từ những người đào vàng ở miền Trung cho biết Nguyễn Anh Minh (tức Cu Nhứt) - tên giang hồ cộm cán được mệnh danh là sát thủ máu lạnh không kém Hải “bánh” đang lẩn trốn ở đây và có mang theo vũ khí. Trinh sát ráo riết truy lùng, Cu Nhứt về Đồng Nai lẩn trốn, sau đó đến Công an tỉnh Đồng Nai tự thú. Gã khai nhận toàn bộ hành vi họat động phạm pháp của bản thân và đồng bọn. Đồng thời y cũng thú nhận là rất sợ những tên giang hồ còn lại bên ngoài ám hại vì y biết quá rõ những hành vi phạm tội của Năm Cam và đồng bọn. Chính Cu Nhứt là người nhận lệnh thanh toán nhiều người đã làm mất lòng Năm Cam và Kim Anh và những người không quen theo “đơn đặt hàng” trong những trường hợp tương tự.
Việc Cu Nhứt tự thú đã mở hướng điều tra thuận lợi hơn cho Ban chuyên án. Từ đây, đường dây mua bán vũ khí quân dụng ở Campuchia vào Việt Nam của Sơn “gạo” bị triệt phá. Nguyễn Văn Xi (tức Bảy Xi), trùm cờ bạc gian lận tại quận 7 bị tóm gọn. Kế đến là Kim Long - tên sát thủ từ nước ngoài về Việt Nam, đối tượng chính trong vụ bắn chết người trước vũ trường Metropolis. Hồ Việt Sử, Lê Thị Kim Anh - vợ bé Năm Cam, Châu Phát Lai Em, Nguyễn Thành Thảo (tức Thảo “ma”), Châu Đức Nghĩa, đều là những tay chân thân tín của Năm Cam lần luợt sa lưới. 
Còn Long “tây”, Trường “xoăn” sau khi thanh toán Dung Hà trốn ở Vũng Tàu rồi sau đó bay ra Hà Nội. Tại đây, hai tên tội phạm này vẫn tiếp tục liên hệ với nhau, Long “tây” gây ra vụ án cố ý gây thương tích bị Công an quận Hoàn Kiếm quản thúc. Sau đó, Hải “bánh” khai ra Long liên quan đến vụ án Dung Hà và y bị bắt, còn Trường “xoăn” trốn vào bãi đào vàng trong miền Nam.
 
Trong những con hẻm lao động lụp xụp ở quận 4, sòng bạc của Bảy Xi tồn tại suốt mấy chục năm, Thọ “đại úy” lớn lên trong sòng bạc, “văn hóa” cờ bạc thấm sâu vào máu thịt gã từ người cha là Bảy Xi và ông cậu ruột Năm Cam. Song song với việc sử dụng lực lượng bảo kê trấn áp bọn quậy phá sòng bạc, Thọ còn học được từ cha và cậu cách mua chuộc những “ông cò” để sòng bạc không bị làm khó dễ. Do quan hệ cậu cháu, Thọ được Năm Cam tin dùng giao lo “an ninh” cho các sòng bạc. Trong những năm 1995-1997, Phan Thị Trúc (vợ Năm Cam) cùng Hiệp “phò mã” lo tập trung chạy cứu Năm Cam ra khỏi trại cải tạo. Thọ “đại úy” trở thành trụ cột chèo chống cho đại gia đình Năm Cam móc nối với các đệ tử ruột tổ chức các sòng bạc di động ở Hóc Môn, Thủ Đức, Gò Vấp, Bình Thạnh, Bình Dương, Đồng Nai... để thu tiền xâu nuôi Năm Cam trong trại cải tạo và gia đình bên ngoài. Bằng hoạt động này, coi như Thọ đã thay mặt Năm Cam tiếp tục điều hành giới giang hồ, chờ ngày ông trùm trở về. 
Cũng như Năm Cam, Thọ luôn ẩn mình trong vẻ bề ngoài hiền lành, khúm núm trước các quan hệ ngoài giang hồ để dễ bề thực hiện tội ác. Nhiều người trúng đạn của cậu cháu Năm Cam cũng vì mất cảnh giác trước vỏ bọc này. Biết ngày tàn đã tới, Thọ vội vã bỏ trốn và bị truy nã toàn quốc. Tháng 4/2003, trong khi phiên tòa xét xử Năm Cam cùng các đồng phạm đang diễn ra, trinh sát lần ra đầu mối Thị Điệu liên lạc với Thọ để cung cấp thông tin, tiền bạc trong thời gian gã lẩn trốn. Trinh sát đeo bám người nhà của Thọ và tiếp cận được y ở khu vực tỉnh Tây Ninh. Tuy nhiên, tên tội phạm lọc lõi này thừa độ ma lanh để nhiều lần đánh lạc hướng và tìm cách cắt đuôi, tẩu thoát khỏi sự theo dõi của trinh sát. 
Tiếp tục xác minh các mối quan hệ của y trinh sát hình sự phát hiện Thọ còn có  mối quan hệ với người tình cũ tên là Võ Thị Tuyết Mai (SN 1960, ngụ tại Khánh Hội, phường 3, quận 4, TP.Hồ Chí Minh). Tuyết Mai là người thường xuyên gặp gỡ và tiếp tế tiền bạc cho Thọ. Lần theo dấu người phụ nữ này, cuối cùng các trinh sát đã cất được mẻ lưới tóm gọn Thọ “đại úy” khi y đang nhận đồ tiếp tế. 
Nửa tháng sau ngày Hiệp “phò mã”, Hồ Viết Sử, Kim Anh và đại gia đình Năm Cam bị tóm trong Nam, dù đang ung dung tại Hà Nội, Thắng “tài dậu” cũng đã “đánh hơi” được ngày tàn của gã sắp đến nên y dự tính sẵn con đường cao chạy xa bay. Buổi tối 9/1/2002, tại quán ăn trên phố Nguyễn Biểu (Hà Nội), Nguyễn Thị Hạnh (tức Hạnh “sự”) tổ chức bữa tiệc tiễn Thắng rời Hà Nội. Tiệc diễn ra lặng lẽ và buồn...
Hai ngày sau, anh ruột của Hạnh - một Việt kiều Canada đã đưa Thắng tài dậu vượt biên đường bộ sang Trung quốc rồi qua Hồng Kông. Từ đây, Thắng dùng hộ chiếu giả mua vé máy bay trốn sang Ba Lan, ở đây gã được những tên áp tải thuốc lá lậu dẫn theo đường bộ trốn qua Cộng hòa Séc, rồi qua Đức. Ở đây chưa ấm chỗ, do bị Interpol truy nã, sợ bị cảnh sát Liên bang Đức vây bắt gây phiền phức cho người giúp đỡ mình, Thắng trốn sang ẩn cư tại Thủ đô Uzbekistan. Thắng mất hết nanh vuốt, từ bỏ giấc mộng làm ông trùm như Năm Cam, làm bảo kê hàng hóa kiếm cơm qua ngày và một nơi lẩn tránh pháp luật Việt Nam. Ban chuyên án Z5-01 không mấy khó khăn về việc phát hiện Thắng đang lẩn trốn ở Thủ đô Uzbekistan - Cộng hòa Tasken nên đã cung cấp tên tuổi, mẫu ADN, dấu vân tay, ảnh, số chứng minh nhân dân của gã cho Interpol. Sau nhiều năm lẩn trốn, cuối năm 2007, Thắng “tài dậu” đã đầu thú cơ quan công an.
Một “chiến tướng” dưới trướng Năm Cam tuy ít xuất hiện trong những vụ thanh toán đao búa giang hồ nhưng khá có máu mặt trong “đế chế” cờ bạc của y là Nguyễn Quốc Khánh (hay còn gọi là Quốc “lủi”, SN 1959 ở Hải Phòng). Năm 1985,  Quốc “lủi” tham gia một vụ cướp, lãnh án 5 năm tù giam. Thời gian tiếp theo trong cuộc đời Quốc “lủi” là nhà tù, sống ngoài vòng pháp luật, thậm chí bị xóa hộ khẩu thường trú. 
Lớn lên từ sòng bạc, nhưng Năm Cam cũng phải ngưỡng mộ bởi “thành tích” xem trại giam là sòng bạc của Quốc “lủi”. Quốc “lủi” cắt các lá bài tổ tôm làm đồng vị, lấy chén đĩa làm đồ nghề xóc dĩa công khai như lúc còn “ngoài đời”. Cứ mỗi lần vào tù là y bị cộng thêm tội tổ chức đánh bạc. Sống lang bạt ở TP.Hồ Chí Minh, Quốc “lủi” là khách hàng sòng bạc của Năm Cam ở 74/18 Trần Nguyên Hãn (phường 13 quận 8), mỗi ván y chời từ 1 triệu trở lên. Phong cách chơi bạc và thành tích tổ chức cờ bạc của Quốc “lủi” làm Năm Cam nể phục, y bàn với “bộ tướng” gồm Ba Mạnh, Sáu Nhã, Thảo “ma”... đôi cấp “quota” cho gã mở sòng bạc trên đường Tự Lập (phường 4, quận Tân bình). Sòng bạc trá hình là quán cà phê, hoạt động không lâu. Năm Cam gọi Quốc “lủi” trở lại “thánh địa” của y ở quận 8. Cuộc tập kích bất ngờ của các trinh sát tinh nhuệ trong Ban chuyên án bắt quả tang Quốc “lủi” đang điều hành sòng bạc, y trở lại trại giam sau 17 năm không làm công dân hợp pháp.
Hay tin ông trùm Năm Cam sa lưới, đám “triều thần” của “vương triều” xã hội đen do y cầm đầu thi nhau thực hành chước “tẩu vi thượng sách” nhưng chúng đã lần lượt phải quy lưới pháp luật. Có một công việc cũng cần được nhắc đến, đó là Ban chuyên án liên hệ với các gia đình có con em lầm đường lỡ bước đang bỏ trốn để động viên họ đưa con em mình đến cơ quan điều tra tự thú nhằm hưởng chính sách khoan hồng của pháp luật. Kết quả, hàng chục tên bỏ trốn đã đến cơ quan công an trình diện. Một số người tuy muốn đầu thú nhưng lo sợ bị đồng bọn ám hại cũng đã gửi đơn thư tố cáo tội phạm, hoặc xin “bí mật” gặp trinh sát, lãnh đạo Ban chuyên án để trình bày hoàn cảnh, vụ việc và xin tự thú vắng mặt. 
(Còn nữa)

Đọc thêm