Trang KEVW đưa tin, theo các cáo buộc, Kevin Geyer, trợ lý dược khoa hạt Benson, bang Washington đã quan hệ tình dục với một phụ nữ trong khi người này đang bị thôi miên hồi tháng 6/2014. Geyer là một nhà thôi miên nghiệp dư và bị buộc tội đã thôi miên người phụ nữ trên tại nhà riêng của mình.
Ngày 22/9/2014, ông Geyer đã bị truy tố hình sự tại tòa án tối cao hạt Benton và tuần trước đã bị đình chỉ công việc trợ lý dược khoa ở hạt này.
Một bài báo khác lại thông tin có đôi chút khác biệt rằng: "Người phụ nữ sau đó khai với cảnh sát rằng, cô nhớ Geyer đã thực hiện nhiều hành vi tình dục khác nhau đối với mình trong lúc bản thân bị làm cho thành bất lực. Cô tuyên bố đã không hay biết và không nhớ về vụ việc cho tới lúc bắt đầu lờ mờ mường tượng thấy Geyer tấn công tình dục mình, và khi cô đối mặt với Geyer, ông đã lên tiếng xin lỗi".
Đây là một vụ án khá kỳ lạ, dù trái với quan niệm thông thường rằng, mọi người không thể bị ép buộc làm điều gì đó trái với ý chí của họ trong khi bị thôi miên, hoặc họ bị làm cho mất năng lực. Đây là một tình tiết hay bị phóng đại, đầy kịch tính trong các bộ phim, nhưng không phải là cơ chế hoạt động của trí não.
Quan hệ tình dục với khách hàng có thể là một hành vi vi phạm đạo đức nghề nghiệp, và nếu đây là hành động không liên ứng, nó sẽ trở thành một vấn đề khác. Nhưng vấn đề trong vụ án này dường như là sự không tự nguyện (của người phụ nữ) vì nó xảy ra trong tình trạng thôi miên - tình tiết khó có khả năng thuyết phục hội đồng xét xử nếu họ tham vấn một chuyên gia tâm lý lâm sàng uy tín.
Bản chất của thôi miên
Nhiều nhà tâm lý học tin rằng, thôi miên không phải là một trạng thái ý thức bị biến đổi đặc biệt nào đó, mà đơn giản chỉ là một dạng thư giãn sâu.
Theo các chuyên gia, việc thôi miên trên sân khấu, chẳng hạn như trong các màn trình diễn hài ở Las Vegas, nơi các khán giả "dễ bị ảnh hưởng" được mời lên sân khấu và giả bộ ngây ngô hoặc lâm vào các tình huống "dở khóc, dở cười" không phải là thôi miên lâm sàng. Thay vào đó, đây là sự kết hợp giữa nghệ thuật quảng cáo và hài kịch có dàn xếp.
Hồi đầu năm nay, một phụ nữ Đức tuyên bố đã bị cướp nữ trang nhưng đã quên các chi tiết sự cố do bị thôi miên. Cảnh sát và các nhà tâm lý học đã tỏ ra hoài nghi về thông báo này.
Trong chương viết về thôi miên trong cuốn sách "Mind Myths: Exploring Popular Assumptions About the Mind and Brain" của mình, chuyên gia Graham Wagstaff thuộc Khoa Tâm lý học, Đại học Liverpool (Anh) viết: "Dù sự tin tưởng về lý thuyết của họ lớn tới mức nào, hầu hết các nhà nghiên cứu hiện đại thực tế dường như đều đang bác bỏ các tuyên bố rằng, thôi miên có thể đẩy con người vào trạng thái "tự động bất lực" (hoạt động chức năng không tự nguyện) ... Trong thực tế, các báo cáo về việc người bị thôi miên để không cố ý thực hiện các hành vi tội ác không hiếm, nhưng được xem xét với thái độ hoài nghi".
Một trong các nghiên cứu của ông Wagstaff về thôi miên trong bối cảnh tòa án, được công bố trên tạp chí Legal and Criminological Psychology, thống kê rằng: Một lượng lớn đối tượng không có trải nghiệm thôi miên sẵn sàng chấp nhận lời biện hộ về "hành động vô thức dưới tác động của thôi miên" như cái cớ cho việc phạm một tội ác, đồng nghĩa rằng, do bị thôi miên, bị cáo đã không hay biết mình đang làm gì. Tuy nhiên, các đối tượng từng trải nghiệm quá trình thôi miên và tự đánh giá mình đã bị thôi miên, đều đồng thuận bác bỏ cách biện hộ trên.
Do những người thực sự trải nghiệm quá trình thôi miên lâm sàng, rõ ràng có ý niệm tốt hơn về trạng thái đó hơn những người chưa từng trải nghiệm nó, nên sự đồng thuận bác bỏ của họ đã nói lên nhiều điều.
Hiện có một số bằng chứng rằng, thôi miên có thể hữu ích trong việc giải quyết một số vấn đề y học liên quan đến hành vi, chẳng hạn như bỏ thuốc hoặc giảm cân. Tuy nhiên, hiện không có bằng chứng khoa học về việc nó có thể khiến một người làm những thứ trái với ý chí của họ hoặc khiến họ rơi vào trạng thái mất điều khiển. Vì vậy, công chúng không cần thiết phải e sợ các chuyên gia thôi miên.