Kỳ diệu: Mổ cột sống không còn sợ bị liệt

(PLO) - Thay vì phải tưởng tượng đường đi và kích thước ốc vít khi phẫu thuật cột sống, thiết bị mới với không gian 3 chiều cho phép định vị chính xác vị trí cần giải phẫu, giảm tai biến gây liệt.

TS Hoàng Gia Du, Trưởng khoa Chấn thương chỉnh hình và phẫu thuật cột sống, bệnh viện Bạch Mai cho biết, các bệnh lý cột sống như thoát vị đĩa đệm, thoái hóa, chấn thương, u đốt sống, dị tật… ngày càng phổ biến.

Nhiều trường hợp bị đau đến không thể đi lại được, phải bò hoặc nằm bất động tại chỗ nhưng vẫn không dám can thiệp phẫu thuật vào cột sống vì sợ bị liệt. 

Kỳ diệu: Mổ cột sống không còn sợ bị liệt
Các đinh vít được định vị chính xác gần như tuyệt đối nhờ công nghệ mới

Theo BS Du, trong phẫu thuật cột sốt, chỉ sai số 1mm đã có thể khiến chiếc ốc vít đi vào mạch máu và dây thần kinh, gây tai biến cho bệnh nhân. Trong đó nhẹ nhất là mất máu, nặng nhất là gây liệt.

Theo đó các bác sĩ khi tái tạo lại cấu trúc sinh lý cột sống bằng các vật liệu thay thế như nẹp, vít, ốc, đĩa đệm nhân tạo sẽ phải đảm bảo tủy sống, rễ thần kinh, mạch máu và các cấu trúc xương, dây chằng xung quanh không bị tổn thương.

Với công nghệ cũ C-arm, chỉ cho phép nhìn cột sống trên mặt phẳng một chiều nên bác sĩ phải tự tưởng tượng ra các chi tiết giải phẫu, bao gồm cả đường đi, kích thước của ốc vít với độ chính xác chỉ đạt 72-92%. Do đó bệnh nhân dễ gặp tai biến.

Mới đây, thế giới áp dụng kĩ thuật mới cho hình ảnh không gian 3 chiều O-arm kết hợp với hệ thống định vị giúp xác định vị trí giải phẫu gần 100%.

Tại Việt Nam, BV Bạch Mai là cơ sở y tế đầu tiên cả nước triển khai kĩ thuật này với chi phí đầu tư lên tới 30 tỉ đồng. Đến nay BV đã phẫu thuật được cho 3 bệnh nhân.

Trong đó trường hợp bệnh nhân Nguyễn Thùy L. (18 tuổi, Thường Tín, Hà Nội) bị cong vẹo cột sống bẩm sinh, khó khăn cho đi lại, 2 trường hợp còn lại trên 50 tuổi bị vẹo và trượt đốt sống thắt lưng. Sau phẫu thuật 2 ngày, bệnh nhân đã có thể đi lại bình thường./.