Kỳ họp bất thường lần thứ 5, Quốc hội khóa XV: Xem xét, thông qua dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)

(PLVN) - Hôm nay - 15/1, Kỳ họp bất thường lần thứ 5, Quốc hội khóa XV chính thức khai mạc. Dự kiến diễn ra trong 2,5 ngày, tại Kỳ họp này, Quốc hội sẽ xem xét, thông qua 4 nội dung, trong đó có dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).
Toàn cảnh phiên bế mạc Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV. (Nguồn ảnh: Quochoi.vn)
Toàn cảnh phiên bế mạc Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV. (Nguồn ảnh: Quochoi.vn)

Quốc hội xem xét, thông qua 4 nội dung

Kỳ họp này, Quốc hội (QH) sẽ họp tập trung tại Nhà QH. Dự kiến bế mạc vào sáng 18/1, QH nghỉ 1 ngày (ngày 17/1) để các cơ quan của QH, Chính phủ và các cơ quan hữu quan tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo luật, dự thảo nghị quyết. Theo Tổng Thư ký QH Bùi Văn Cường, tại Kỳ họp, QH sẽ xem xét, thông qua 4 nội dung, bao gồm dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi); dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi); dự thảo Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia (CTMTQG) (theo trình tự, thủ tục rút gọn); việc bổ sung Kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách Trung ương giai đoạn 2021 - 2025 từ nguồn dự phòng chung tương ứng với nguồn tăng thu ngân sách trung ương năm 2022 cho các nhiệm vụ, dự án đầu tư công và bổ sung Kế hoạch đầu tư công trung hạn cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam từ nguồn dự phòng của Kế hoạch đầu tư công trung hạn.

Trong đó, về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), sau khi được tiếp thu, chỉnh lý, dự thảo Luật trình QH tại Kỳ họp bất thường lần thứ 5 gồm 16 chương, 260 điều, bỏ 5 điều, sửa đổi, bổ sung 250 điều (cả về nội dung và kỹ thuật) so với dự thảo Luật trình QH tại Kỳ họp thứ 6.

Đối với những nội dung lớn xin ý kiến tập trung thảo luận tại Kỳ họp thứ 6, trên cơ sở nghiên cứu, thảo luận, trao đổi, rà soát kỹ lưỡng, các cơ quan hữu quan đã thống nhất chỉnh lý, hoàn thiện các nội dung về quyền và nghĩa vụ về sử dụng đất của người Việt Nam định cư ở nước ngoài; về không mở rộng phạm vi nhận chuyển quyền sử dụng đất của tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài; về trường hợp tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài nhận chuyển nhượng dự án bất động sản theo quy định của pháp luật về kinh doanh bất động sản.

Cùng với đó là các nội dung về quyền và nghĩa vụ của tổ chức kinh tế, đơn vị sự nghiệp công lập sử dụng đất thuê trả tiền hằng năm đối với tài sản gắn liền với đất; về điều kiện đối với cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp nhận chuyển nhượng đất trồng lúa; về nguyên tắc lập và phê duyệt quy hoạch sử dụng đất các cấp; về thu hồi đất thực hiện dự án nhà ở thương mại, dự án hỗn hợp nhà ở và kinh doanh thương mại, dịch vụ; về mối quan hệ giữa các trường hợp thu hồi đất và thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất thực hiện dự án phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) không sử dụng vốn ngân sách nhà nước;...

Kịp thời tháo gỡ “điểm nghẽn”, tạo điều kiện hoàn thành các nhiệm vụ đề ra

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga. (Nguồn ảnh: Quochoi.vn)

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga. (Nguồn ảnh: Quochoi.vn)

Trao đổi với PV, Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga - Phó Trưởng Đoàn đại biểu QH tỉnh Hải Dương - cho rằng, những nội dung dự kiến xem xét, quyết định tại Kỳ họp bất thường lần thứ 5 đều là những vấn đề lớn, quan trọng, nhằm tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, những “điểm nghẽn” hiện tại trong việc phát triển KT-XH. Nếu không được tháo gỡ kịp thời thì những “điểm nghẽn” này là lực cản lớn trong nỗ lực hoàn thành mọi chỉ tiêu, nhiệm vụ của năm 2024 nói riêng và của cả nhiệm kỳ nói chung. “Hai dự án Luật được thông qua và hai Nghị quyết được ban hành sẽ là động lực, là những cơ chế có ý nghĩa đặc biệt cần thiết để Chính phủ điều hành việc phát triển KT-XH trong giai đoạn nhiều khó khăn như hiện nay”, Đại biểu Nga nói.

Trong đó, Đại biểu Nga chỉ ra, hiện nay, chúng ta đang gặp quá nhiều “điểm nghẽn” trong quản lý đất đai do Luật Đất đai hiện hành đang có nhiều vướng mắc so với thực tiễn phát triển của xã hội. Những “điểm nghẽn” này phần nào tạo thành lực cản đối với quá trình phát triển KT-XH, thậm chí có cả những xung đột pháp lý giữa Luật Đất đai hiện hành với một số luật khác trong những quy định cụ thể. “Việc sửa đổi Luật Đất đai để tháo gỡ các “điểm nghẽn”, giải toả khó khăn, vướng mắc trong quá trình quản lý và sử dụng đất đai là vô cùng cần thiết và cấp bách”, Đại biểu nhấn mạnh.

Vì vậy, theo Đại biểu, việc QH xem xét, thông qua Luật Đất đai (sửa đổi) tại Kỳ họp bất thường lần thứ 5 có ý nghĩa rất then chốt trong việc đẩy mạnh phát triển KT-XH trong thời gian tới; là nhân tố quan trọng góp phần thực hiện thắng lợi mọi chỉ tiêu kế hoạch của cả nhiệm kỳ. Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga cũng kỳ vọng các đại biểu QH sẽ nghiên cứu sâu, kỹ tài liệu, tích cực thảo luận vào các nội dung của Kỳ họp.

Đọc thêm