Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV: Sáng nay khai mạc phiên chất vất và trả lời chất vấn

(PLVN) - Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 6, dự kiến, từ ngày 6 - 8/11, Quốc hội sẽ dành 2,5 ngày cho hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính sẽ có báo cáo giải trình, làm rõ các vấn đề liên quan và trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội.
Phiên chất vất và trả lời chất vất tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội Khóa XV dự kiến kéo dài 2,5 ngày (Nguồn ảnh: Quochoi.vn).
Phiên chất vất và trả lời chất vất tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội Khóa XV dự kiến kéo dài 2,5 ngày (Nguồn ảnh: Quochoi.vn).

Theo đó, Quốc hội (QH) sẽ tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn về việc thực hiện một số nghị quyết của QH khóa XIV về giám sát chuyên đề, chất vấn từ đầu nhiệm kỳ khóa XV đến hết Kỳ họp thứ 4. Đặc biệt, do đây là kỳ họp giữa nhiệm kỳ nên QH không chất vấn theo nhóm vấn đề mà theo nhóm lĩnh vực.

Tại buổi làm việc với các cơ quan về công tác chuẩn bị tổ chức phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 6, QH khóa XV mới đây, Chủ tịch QH Vương Đình Huệ cho biết, tại Kỳ họp thứ 6 sẽ chất vấn tổng thể chung nhưng để tạo thuận lợi và tiện theo dõi, phiên chất vấn sẽ tiến hành theo nhóm các lĩnh vực. Cụ thể, gồm nhóm lĩnh vực kinh tế tổng hợp (Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Ngân hàng…); nhóm lĩnh vực kinh tế ngành (Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài nguyên và Môi trường, Giao thông vận tải, Xây dựng…); nhóm lĩnh vực văn hóa - xã hội và nhóm lĩnh vực quốc phòng, an ninh, nội chính, tư pháp, kiểm toán. Thời gian dành cho mỗi nhóm lĩnh vực chất vấn sẽ được điều chỉnh linh hoạt theo diễn biến thực tế.

Theo dự kiến, sáng nay (6/11), Chủ tịch QH Vương Đình Huệ sẽ phát biểu khai mạc phiên chất vấn và trả lời chất vấn. Sau đó, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang, thừa ủy quyền của Thủ tướng, sẽ trình bày Báo cáo về việc thực hiện một số nghị quyết của QH khóa XIV về giám sát chuyên đề, chất vấn và nghị quyết của QH về giám sát chuyên đề, chất vấn từ đầu nhiệm kỳ khóa XV đến hết Kỳ họp thứ 4.

Sau đó, Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình, Viện trưởng VKSNDTC Lê Minh Trí, Tổng Kiểm toán Nhà nước Ngô Văn Tuấn sẽ trình bày báo cáo về việc thực hiện các nghị quyết về chất vấn, giám sát. Trong buổi sáng ngày 6/11, QH sẽ chất vấn các thành viên Chính phủ, trưởng ngành đối với các lĩnh vực gồm Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Ngân hàng. Nội dung này được kéo dài đến giữa giờ chiều cùng ngày.

Sau đó, thời gian còn lại của buổi chiều cộng thêm thời gian sáng hôm sau (7/11), nội dung chất vấn chuyển sang các lĩnh vực bao gồm Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Giao thông vận tải, Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường. Từ ngày 7/11 cho đến hết buổi sáng và kéo dài thêm 1 tiếng buổi chiều cùng ngày, nhóm vấn đề được chất vấn sẽ chuyển sang các lĩnh vực bao gồm Tư pháp, Nội vụ, an ninh, trật tự, an toàn xã hội, Thanh tra, Tòa án, Kiểm sát, Kiểm toán…

Đặc biệt, từ 9h50 đến 11h ngày 8/11, Thủ tướng Phạm Minh Chính sẽ có báo cáo giải trình, làm rõ các vấn đề liên quan và trả lời chất vấn của đại biểu QH. Như vậy, theo thông lệ, tại các kỳ họp cuối năm, người đứng đầu Chính phủ sẽ có thời gian vừa trình bày báo cáo vừa trực tiếp trả lời chất vấn của các đại biểu QH.

Ý kiến đại biểu Quốc hội trước phiên chất vất và trả lời chất vấn:

Trưởng Đoàn Đại biểu QH tỉnh Đồng Nai Quản Minh Cường.

Trưởng Đoàn Đại biểu QH tỉnh Đồng Nai Quản Minh Cường.

Cơ bản đáp ứng kỳ vọng mà đại biểu Quốc hội nêu ra

Công tác chất vấn thời gian qua đã thể hiện sự công khai, minh bạch, rõ ràng. Người chất vấn và người trả lời chất vấn được chuẩn bị kỹ lưỡng, nắm vững vấn đề. Chưa Bộ trưởng nào trả lời mà tôi không hài lòng cả, tuy nhiên có những câu trả lời, câu giải thích thì mình chưa hoàn toàn ưng ý. Từ Thủ tướng, Phó Thủ tướng cho đến các Bộ trưởng, trưởng ngành trả lời, tôi thấy cơ bản đáp ứng kỳ vọng nội dung mà đại biểu QH nêu ra. Có những nội dung, câu hỏi đòi hỏi phải trí tuệ tập thể, một hệ thống chính sách, không thể chỉ một vài câu trên diễn đàn mà rõ ngay được. Có những vấn đề phải giải thích cả ngày hoặc phải có một hội thảo để nói về vấn đề đó, đơn cử như vấn đề định giá đất.

Về nội dung sẽ tham gia chất vấn, tôi quan tâm đến các vấn đề “nóng” mà người dân, cử tri Đồng Nai quan tâm, như vấn đề giáo dục, không chỉ riêng sách giáo khoa mà cốt lõi là chất lượng dạy học; vấn đề chăm sóc sức khỏe nhân dân; tai nạn giao thông, vấn đề phân tầng xã hội… H.T (ghi)

Đại biểu Ma Thị Thúy (đoàn Tuyên Quang).

Đại biểu Ma Thị Thúy (đoàn Tuyên Quang).

Tin tưởng phiên chất vấn sẽ sôi nổi, thẳng thắn, đúng trọng tâm

Khác với hoạt động chất vấn ở các kỳ họp khác, tại Kỳ họp này, các đại biểu QH sẽ chất vấn các Bộ trưởng, trưởng ngành về thực hiện một số nghị quyết của QH khoá XIV và từ đầu nhiệm kỳ QH khóa XV đến hết Kỳ họp thứ 4 về giám sát chuyên đề, chất vấn đối với tất cả các lĩnh vực. Các đại biểu QH sẽ chất vấn lại những vấn đề mà trước đây đã chất vấn Thủ tướng Chính phủ và các thành viên Chính phủ, từ đó thấy được lời hứa thực hiện các giải pháp của ngành, lĩnh vực phụ trách đến nay còn có tồn tại, hạn chế, vướng mắc nào không. Tôi tin tưởng rằng, với sự chuẩn bị kỹ lưỡng các vấn đề chất vấn, phiên chất vấn sẽ diễn ra sôi nổi, thẳng thắn, đúng trọng tâm.

Tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn này, tôi quan tâm đến lĩnh vực đất đai. Thực hiện các nghị quyết của QH, đến nay, Chính phủ đã ban hành Chiến lược phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến 2030. Quyết định số 942/QĐ-TTg ngày 15/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ đã xác định cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai là dữ liệu trụ cột, cốt lõi cần phải hoàn thành, ưu tiên phát triển trước, đưa vào khai thác sớm. Tuy nhiên, việc xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai thời gian qua còn chậm, nguyên nhân là do nhiều khó khăn về hành lang pháp lý, mô hình cơ sở dữ liệu đất đai, nguồn lực thực hiện. Bên cạnh đó, các tồn tại, hạn chế trong quản lý, sử dụng đất đai có nguồn gốc từ các nông, lâm trường quốc doanh đã được chỉ ra từ trước, mặc dù Chính phủ và các địa phương vẫn tập trung khắc phục, nhưng kết quả đạt được chưa đáp ứng theo yêu cầu của QH và thực tiễn đòi hỏi.

Đọc thêm