Ngôi nhà nhỏ của gia đình Đại tướng bình dị và khiêm nhường nằm bên sông Kiến Giang thương nhớ (thôn An Xá, xã Lộc Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình). Hàng chè tàu trước ngõ vẫn xanh. Và cây khế phía sau nhà đã hơn 100 năm tuổi, là nơi ngày xưa Đại tướng vẫn ngồi học bài và chơi các trò chơi cùng các bạn đồng niên, như bao cậu bé khác…
Cậu bé Giáp học giỏi nổi tiếng, từng từ hôn con gái Bá hộ
Tôi đã nhiều lần gặp Trung tướng Phạm Hồng Cư lúc sinh thời (ông vừa mất tháng 1/2021-PV), nguyên Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam. Ông không chỉ là một vị tướng quân đội, mà ông còn gần gũi với Đại tướng Võ Nguyên Giáp bởi là “anh em đồng hao” (phu nhân Đặng Bích Hà của Đại tướng Võ Nguyên Giáp và phu nhân của Trung tướng Phạm Hồng Cư là hai chị em ruột).
Năm 2004, kỷ niệm 50 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, Trung tướng Phạm Hồng Cư, với sự cộng tác đặc biệt của bà Đặng Bích Hà đã cho ra mắt tập sách “Đại tướng Võ Nguyễn Giáp thời trẻ”, một “khoảng trống” còn ít người biết đến. Đó là những năm tháng từ khi Đại tướng chào đời cho tới khi ra Hà Nội vừa làm nhà báo vừa làm thầy giáo và nhận được lệnh sang Thúy Hồ (Côn Minh, Trung Quốc) gặp đồng chí Vương - bí danh của Bác Hồ khi đó.
Theo Trung tướng Phạm Hồng Cư, tuổi thơ và tuổi trẻ của Đại tướng Võ Nguyên Giáp gắn liền với những tháng năm ở hai tỉnh Quảng Bình và Huế. Rất nhiều cụ già trong vùng vẫn còn lưu giữ các câu chuyện được truyền từ đời này sang đời khác về gia đình và dòng họ của Đại tướng, rằng ông ngoại của Đại tướng từng tham gia phong trào Cần Vương thời vua Hàm Nghi. Còn ông nội Đại tướng mất rất sớm, mãi tới đầu thế kỉ 21, những người yêu mến Đại tướng trong vùng mới giúp gia đình tìm thấy mộ của cụ.
Thuở nhỏ, cậu bé Võ Nguyên Giáp học rất giỏi, nổi tiếng là một người thông minh và hiếu động. Hai cụ thân sinh của cậu bé Võ Nguyên Giáp là cụ Võ Quang Nghiêm và cụ Nguyễn Thị Kiên. Về cha mình, cụ Võ Quang Nghiêm, Đại tướng kể, ông là người sống giản dị, sáng nào dậy cũng ăn ba bát cháo hoa với cà và gọi là “sâm của nhà nghèo”. Sau kháng chiến toàn quốc, cụ bị thực dân Pháp bắt giam tại Huế và mất trong tù, phải sau năm 1945 gia đình mới tìm được hài cốt.
“Đặc biệt, tôi có may mắn được gặp thân mẫu Đại tướng tại nhà riêng ở Hà Nội trước khi cụ mất vào năm 1961. Khuôn mặt Đại tướng đặc biệt rất giống mẹ, nhất là đôi mắt sáng và thông minh. Điều này làm tôi nhớ tới lời nhận xét của nữ ký giả phương Tây là bà Orian Fallaci - rằng đó là cặp mắt thông minh nhất mà tôi từng thấy.
Ngoài chị Hà, tôi cũng có thời gian tiếp xúc với ông Võ Thuần Nho, em ruột Đại tướng, nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục Việt Nam. Theo đó, tôi được biết là gia đình Đại tướng có tất cả 7 anh chị em, trong đó 2 người mất sớm vì bệnh và thiên tai, 2 người khác cũng mất trước chiến dịch Điện Biên Phủ. Sau năm 1954, ngoài 2 anh em trai Đại tướng, trong nhà chỉ còn lại cô út là bà Võ Thị Lài, sau này làm nhân viên coi kho của một cơ quan thuộc Bộ Nông nghiệp.
Trong những câu chuyện của mình, Đại tướng nhắc nhiều tới những gương mặt mà ông yêu quý khi còn trẻ. Ông kể về việc nhiều lần cùng học sinh Quốc học tới nhà riêng để thăm cụ Phan Bội Châu. Cụ Phan rất thương ông, thường xuyên cho mượn sách và nói: Khi nào tôi mất, tủ sách này để lại cho cậu Giáp. Và rất nhiều câu chuyện sẽ chẳng ai biết nếu ông không kể lại. Đó là việc ông học rất giỏi, thậm chí là đỗ đầu kì thi tốt nghiệp bậc sơ học ở tỉnh Quảng Bình.
Nhưng sau đó, năm 13 tuổi, khi lên bậc trung học, ông lại thi trượt kì thi vào Trường Quốc học Huế. Bởi lẽ, giáo dục thời Pháp khi đó rất khắt khe, Trường Quốc học Huế chỉ tuyển có 90 học sinh cho 12 tỉnh miền Trung. Khi tôi hỏi vì sao trượt, Đại tướng lắc đầu cười bảo không biết. Tôi nghĩ vui trong bụng rằng đó là bài học duy nhất trong đời của Đại tướng về tính chủ quan, điều sẽ không bao giờ lặp lại khi trở thành một vị tướng trận mạc sau này.
|
Đầu tháng 10/1930, trong sự kiện Xô Viết Nghệ Tĩnh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp khi ấy mới 19 tuổi đã bị địch bắt và kết án 2 năm tù. (Ảnh tư liệu) |
Cũng chính Đại tướng kể cho tôi nghe việc, khi còn là thanh niên, ông từng khước từ ý định cầu hôn của một gia đình Bá hộ trong làng. Gia đình này muốn gả con gái cho ông, đồng thời hứa cho ruộng cho nhà. Nhưng thân mẫu ông thì thương con nên không ép. Khi đó, ông đã tham gia phong trào yêu nước và từng bị đuổi học vì tổ chức bãi khóa ở trường Quốc học trong chuỗi hoạt động hưởng ứng để tang cụ Phan Chu Trinh”, theo Trung tướng Phạm Hồng Cư.
Theo nhiều tài liệu, Đại tướng Võ Nguyên Giáp được xem là khởi đầu cho hành trình hoạt động cách mạng từ năm 1925-1927 khi ông rời Trường Tiểu học Đồng Hới ở quê nhà Quảng Bình để vào Huế ôn thi vào Trường Quốc học Huế. Năm đó, Đại tướng Võ Nguyên Giáp mới là chàng thiếu niên 14 tuổi.
“Những năm đầu thập niên 30, các cơ sở của Đảng ở Hà Nội bị phá vỡ, chưa kịp phục hồi. Chưa bắt được liên lạc với Đảng, tôi vừa tự học, vừa tranh thủ đọc sách, báo tiến bộ để trau dồi kiến thức, theo dõi sát tình hình chính trị trong nước và trên thế giới. Năm 1935, tôi vào dạy học ở Trường tư thục Thăng Long”, sau này Đại tướng Võ Nguyên Giáp nhớ lại.
“Tuổi 20, anh Giáp vừa là sinh viên vừa là nhà báo, thầy giáo dạy lịch sử. Ngoài lòng yêu nước sục sôi, anh còn thể hiện tài năng, trí tuệ hơn người. Về sau, điều này thể hiện rõ ở nghệ thuật chiến tranh Việt Nam mà anh gây dựng, phát triển, đánh bại thực dân Pháp và đế quốc Mỹ”, Trung tướng Phạm Hồng Cư chia sẻ.
“Khi nào rảnh việc nước thì tôi về nhà”…
Ông Võ Đại Hàm là cháu của Đại tướng, sống với gia đình Đại tướng từ nhỏ. Năm 1978 ông được giao trông coi ngôi nhà của gia đình Đại tướng ở quê nhà cho đến nay, nên trong ông luôn ăm ắp nhưng hồi ức yêu thương về Người. Ông Hàm nói rằng: Đại tướng Võ Nguyên Giáp luôn luôn nhắc đến lời dạy của Bác Hồ “Dĩ công vi thượng”. Dẫu sự nghiệp có nhiều thay đổi, nhưng Đại tướng chưa bao giờ thay đổi.
Con đường dẫn vào nhà Đại tướng thẳng tắp ra dòng Kiến Giang hiền hòa, nơi bất cứ đứa trẻ nào lớn lên bên con sông đều có những kí ức trong trẻo về nó. Ông Hàm nhớ lại: “Mỗi lần về quê, điều đầu tiên là Đại tướng vào thắp hương cho cha mẹ, rồi cụ xuống bến sông quê vốc nước phả vào mặt, ngắm sông cho “đã thèm”. Và mỗi lần Đại tướng về quê, không bao giờ đi xe tới trước cổng nhà mà dừng ở ngoài xa, đi bộ, nắm tay thăm hỏi, ôm hôn bà con xóm làng sau những ngày xa cách.
Ông Hàm xúc động cho biết, trừ lần về thăm quê hương năm 2004, lúc đó sức khỏe của Đại tướng không được như xưa, những lần trước lúc nào Đại tướng cũng dành thời gian ăn nghỉ ngay tại ngôi nhà của mình để có dịp tiếp đón bà con, xóm làng. Thường thì thời gian ở nhà, cơm nước cho Đại tướng đều do bà Trần Thị Vân (vợ ông Hàm) lo lắng.
“Tui cũng chỉ nấu cho ông những món dân dã quê nhà như cá bống kho tộ, canh chua cá lóc, thêm đĩa rau muống luộc, đĩa cà pháo muối... Cũng lạ, thế mà tui thấy ông ăn rất ngon miệng”, bà Vân cho hay.
Có một việc mà Đại tướng không bao giờ quên mỗi lần về nhà là dù có bận rộn mấy đi nữa, ông cũng nhắc con cháu làm cơm mời các cụ cao tuổi và xóm giềng. Các cụ ngồi bàn trên. Con cháu ngồi chiếu dưới. Và thông thường, trước lúc vào bữa ăn, Đại tướng hay kể những câu chuyện tếu làm mọi người bật cười và quên đi khoảng cách giữa một vị Tướng với người dân, chỉ còn lại sự sum vầy của không khí gia đình. Bữa cơm có hương vị quê nhà, tình thân, luôn là bữa cơm ngon nhất…
“Cả cuộc đời cụ đi đánh giặc, lo cho dân cho nước, đọc đủ các loại sách, công việc bận rộn thế, nhưng khi còn khỏe mỗi lần về thăm quê, hoặc có con cháu ra thăm cụ nhớ hết kỷ niệm, kỷ vật ở quê, ở nhà. Cụ nhớ trên bàn thờ gia đình lư hương làm bằng gì, đặt ở vị trí nào, trong nhà chiếc bàn, chiếc ghế đặt ra sao…”, ông Hàm xúc động. Đại tướng thường hỏi ông Hàm: “Trẻ con làng mình bây giờ còn tắm sông nữa không? Năm nay đua thuyền làng nào về nhất?...”.
Ông Hàm kể rằng: “Năm 1946, thực dân Pháp lấy cớ gia đình có người theo cộng sản nên đã đưa lính đến bắt cụ Võ Quang Nghiêm, cha của Đại tướng và phóng hỏa đốt nhà. Sau này, ngôi nhà được tái tạo, sửa chữa lại như lúc nguyên sơ. Cây khế phía sau nhà đã hơn 100 năm tuổi, là nơi ngày xưa Đại tướng vẫn ngồi học bài và chơi các trò chơi cùng các bạn đồng niên như bao cậu bé khác”.
Năm đó, hai người con gái Pháp có ông nội từng là lính viễn chinh Pháp tham gia tại chiến trường Việt Nam. “Họ đã phải thốt lên rằng thật không ngờ, cha ông họ lại bị đánh bại bởi một con người sinh ra và lớn lên trên nếp nhà đơn sơ, trên mảnh đất khắc nghiệt nắng gió này. Sự tò mò và lòng ngưỡng mộ khiến họ lưu lại bảy ngày ở Lệ Thủy để tìm hiểu về cuộc sống và con người nơi đây”, ông Hàm cho hay…
Và từ mái tranh nghèo đơn sơ, miền đất khắc nghiệt gió Lào cát trắng, cậu học trò Võ Nguyên Giáp đã bước vào cuộc đời hoạt động Cách mạng giản dị như thế, trở thành một Đại tướng của nhân dân, một danh nhân văn hóa quân sự của thế giới… Thế rồi, sau một đời cống hiến lỗi lạc, vào ngày 13/10/2013, Đại tướng đã trở về, nơi mình đã sinh ra, như bao người con bình dị khác. Dòng Kiến Giang trong xanh, hiền hòa cùng làn điệu hò khoan Lệ Thủy, Quảng Bình - đã không còn là nỗi nhớ khắc khoải, Đại tướng huyền thoại, người học trò xuất sắc của Bác Hồ đã “về nhà” trong chuyến đi cuối cùng thương nhớ ấy…
Ký ức đặc biệt về “Tuổi 20 của Đại tướng”
Trong đó có cuộc gặp gỡ định mệnh với bà Nguyễn Thị Quang Thái (em gái đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai). Đó là người thiếu nữ Võ Nguyên Giáp gặp lần đầu tiên trong chuyến tàu Vinh -Huế, gặp lại trong tù khi hoạt động cách mạng, rồi gặp lại Vinh và sau đó trở thành người yêu, người vợ đầu của ông.
Một buổi chiều tháng 5/1939, Đại tướng khi đó đang là thầy giáo dạy Sử ở trường Thăng Long, đã bịn rịn chia tay người vợ, người đồng chí và con gái đầu lòng chưa đầy tuổi, với lời hẹn ước vì con nhỏ, nên bà sẽ theo ông đi hoạt động bí mật sau. Nhưng không ngờ, đó là lần cuối hai người gặp nhau trên đường Cổ Ngư (Hà Nội).
Bà là một người phụ nữ đặc biệt, ảnh hưởng đến quá trình hoạt động cách mạng của Võ Nguyên Giáp. Bà qua đời vì bị giặc bắt cầm tù năm 1944 tại Hỏa Lò (Hà Nội), khi vừa 29 tuổi.