Kỳ thị chủng tộc châm ngòi cho các cuộc chiến thảm khốc trong lịch sử nhân loại

(PLVN) - Nạn kỳ thị chủng tộc cực đoan dựa trên tư tưởng chủ nghĩa dân túy, phân biệt đối xử và đề cao chủ nghĩa thượng đẳng da trắng, diễn ra tại nhiều nơi trên thế giới. Đặc biệt sự kỳ thị không chỉ tồn tại trong lịch sử mà đến ngày nay nhiều nước vẫn phải đối mặt với vấn nạn này. Kỳ thị chủng tộc đặt ra nhiều lo ngại về an ninh chính trị của các quốc gia, cũng từ đó các cuộc nội chiến đang dần de dọa tới cuộc sống con người và nền hòa bình trên thế giới. 
Nhà vệ sinh riêng cho người da trắng tại Johannesburg. Ảnh: AP.
Nhà vệ sinh riêng cho người da trắng tại Johannesburg. Ảnh: AP.

“Gốc rễ” của kỳ thị chủng tộc

Không thể không nhắc tới nước Mỹ - mảnh đất đa chủng tộc nhất trên thế giới, cũng là nơi vấn nạn này rõ rệt và gay gắt hơn bất cứ đâu. Từ những ngày đầu lập quốc, người da màu đã phải chịu số phận thiệt thòi khi bị đem bán làm nô lệ và bị những ông chủ da trắng đối xử tàn nhẫn.

Vào thập niên 1940 - 1950, nạn phân biệt chủng tộc diễn ra nặng nề ở Mỹ, các tiểu bang miền Nam nước Mỹ thời kỳ này áp dụng các đạo luật phân biệt chủng tộc, gọi chung là Luật Jim Crow, có từ năm 1877. Tuy nhiên, sự kết thúc của chế độ này lại nảy sinh ra học thuyết “bình đẳng nhưng phân cắt” và những đạo luật phân biệt chủng tộc được ra đời. Nó được áp dụng ở các bang miền Nam cho đến tận năm 1964. 

Điều này một lần nữa khiến cho những người da màu phải chịu nhiều đau khổ và bất công. “Làn sóng” bài trừ người ngoại quốc chủ yếu nhằm vào những người di cư và tị nạn, người Hồi giáo hay người Do Thái.

Kỳ thị chủng tộc đã trở thành một vấn nạn ở Mỹ, dù quốc gia này luôn tự hào về hình ảnh một đất nước đa sắc tộc. Sự bất bình đẳng về kinh tế được cho là một trong những nguyên nhân cốt lõi dẫn đến tình trạng phân biệt chủng tộc trong xã hội Mỹ.

Song, gây rúng động cả thế giới lại là vấn nạn phân biệt sắc tộc tại Nam Phi. Đất nước đón những người châu Âu tìm đến định cư và khai thác từ rất sớm. Cũng chính vì vậy, vùng đất này trở thành một quốc gia đa sắc tộc. Tuy nhiên, đa sắc tộc cũng là nguyên nhân dẫn đến những xung đột nghiêm trọng kéo dài.

Đỉnh điểm là sự xuất hiện của chế độ phân biệt chủng tộc Apartheid được thể chế hóa chính thức vào năm 1948. Năm 1948, Đảng Quốc Gia Nam Phi (đảng của người da trắng) cầm quyền tại Nam Phi công bố một bộ luật phân biệt chủng tộc nặng nề tên là Apartheid, trong đó chia người dân thành ba nhóm chủng tộc chính: Người da trắng, người châu Phi da đen và người da màu hay người có nguồn gốc lai. 

Theo đó, tất cả những người không phải là da trắng buộc phải ra khỏi các cơ quan quyền lực, trừ một số rất ít người da màu. Hàng triệu người da màu đã bị đuổi khỏi nhà. Họ đến ở tại các khu dân cư tách biệt, bị tước quyền công dân và chỉ được nhận các dịch vụ công cộng ở mức rất thấp.

Các cá nhân trong xã hội bị phân loại theo chủng tộc. Sự phân loại đó được thừa nhận về mặt pháp lý và được xây dựng thành luật để quản lý các nhóm người trong xã hội.

Đến nay, kỳ thị sắc tộc vẫn tồn tại “muôn hình vạn trạng”, mặc dù không có một luật pháp quốc gia nào còn thừa nhận điều này. Đơn cử, trong lĩnh vực việc làm, nhiều người Singapore gốc Malaysia và Ấn Độ nói họ bị phân biệt đối xử khi đi xin việc, trái ngược với những người gốc Hoa, bao gồm cả người da trắng.

Phân biệt chủng tộc trở thành nỗi ám ảnh của nước Mỹ trong nhiều thập kỷ.
 Phân biệt chủng tộc trở thành nỗi ám ảnh của nước Mỹ trong nhiều thập kỷ.

Hay sự phân biệt đối xử đối với người ngoại quốc ở Nhật Bản, đặc biệt trong bối cảnh nước Nhật đang cần lực lượng lao động nhập cư để duy trì nền kinh tế khổng lồ thì sự kỳ thị này lại càng nghiêm trọng hơn. Từ đó cho thấy, một quốc gia đa sắc tộc có thể là nguyên nhân của sự kỳ thị chủng tộc khi làn người nhập cư, tỵ nạn gia tăng không kiểm soát, sự tranh giành quyền lợi kinh tế… Mà hiện nay, trong thời đại toàn cầu hoá, điều này không thể tránh khỏi.

Có áp bức ắt có đấu tranh

Bắt đầu vào khoảng giữa thế kỷ 20, hàng loạt cuộc biểu tình, xung đột đã nổ ra ở Nam Phi. Đây được coi là một trong những “phát súng” đầu tiên chống lại nạn phân biệt sắc tộc, chủ nghĩa da trắng là dân tộc thượng đẳng. Điển hình là những cuộc biểu tình do Nelson Mandela phát động.

Với tư cách là thành viên của Đảng Đại hội Dân tộc châu Phi (ANC), cũng là người lập ra Liên đoàn Thanh niên trực thuộc ANC, Nelson Mandela đã đi khắp đất nước kêu gọi người dân kháng chiến chống lại Apartheid, chống lại sự kỳ thị của người da trắng bằng các biện pháp phản kháng hòa bình.

Một sự kiện “đẫm máu” nhưng lại được xem là bước ngoặt trong cuộc đấu tranh chống Apartheid: Ngày 21/3/1960, cảnh sát đã thẳng tay nã súng vào những người biểu tình da đen khiến 69 người thiệt mạng. Đảng ANC bị cấm hoạt động. Ông Nelson Mandela chuyển sang đấu tranh vũ trang. Năm 1964, ông bị kết án tù chung thân.

Trong suốt thời gian bị giam cầm, Nelson Mandela vẫn kiên trì đấu tranh và thu phục được lòng mến mộ của nhiều người dân, tổ chức trong nước và quốc tế. Đặc biệt, năm 1966, Liên Hợp quốc đã công bố chọn ngày ngày 21/3 là Ngày Quốc tế chống phân biệt chủng tộc, để kêu gọi cộng đồng tăng cường nỗ lực nhằm loại bỏ tất cả hình thức phân biệt chủng tộc.

Theo Liên Hợp quốc, sự phân biệt chủng tộc và sắc tộc gây cản trở sự phát triển, tiến bộ của thế giới. Phân biệt chủng tộc và sắc tộc có thể dẫn đến nạn diệt chủng, phá hủy cuộc sống và phá vỡ nhiều cộng đồng người.

Thế giới nỗ lực xóa bỏ mọi hình thức phân biệt chủng tộc.
  Thế giới nỗ lực xóa bỏ mọi hình thức phân biệt chủng tộc.

Với sự phản kháng quyết liệt từ bên trong, sự cô lập và trừng phạt từ thế giới, cộng với vị thế ngày càng suy yếu, nhà cầm quyền tại Nam Phi phải dần nhượng bộ. Đến năm 1991, chế độ phân biệt chủng tộc Apacthai ở Nam Phi chính thức sụp đổ. Năm 1994, Nelson Mandela - người đấu tranh không mệt mỏi vì quyền bình đẳng của người da màu. Ông được bầu làm vị tổng thống da đen đầu tiên của Nam Phi sau hơn 3 thế kỷ cầm quyền của người da trắng.

Những sự kiện trên đã đánh dấu bước tiến quan trọng của nhân loại trong nỗ lực chống lại chủ nghĩa phân biệt chủng tộc trên phạm vi toàn cầu. Đến nay, cả thế giới nhớ đến hình ảnh ông Nelson Mandela - người anh hùng trong cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa phân biệt chủng tộc; là biểu tượng quốc tế cho tinh thần tự do, đoàn kết dân tộc và lòng vị tha.

Còn tại Mỹ, ngay sau cuộc nội chiến (từ năm 1861 - 1865), Quốc hội Mỹ thông qua Tu chính án thứ 13, chính thức bãi bỏ chế độ nô lệ như một quy luật tất yếu. Năm 1964, Đạo luật Dân quyền được thông qua, tuyên bố mọi sự phân biệt chủng tộc, màu da, nguồn gốc, giới tính đều là bất hợp pháp. Những sự kiện này là một cái kết xứng đáng sau một giai đoạn lịch sử đầy bão táp trên đất Mỹ với hàng loạt vụ bạo động mang màu sắc kỳ thị chủng tộc.

Có thể kể ra một số vụ việc điển hình như đụng độ sắc tộc ở Mỹ như: Ngày 14/8/2014, Michael Brown, 18 tuổi, người Mỹ gốc Phi không có vũ khí bị bắn chết ở Ferguson, bang Missouri dẫn đến hàng loạt cuộc biểu tình lớn chống phân biệt chủng tộc. Sau đó 1 năm ngày 26/6/2015: 9 người Mỹ gốc Phi ở nhà thờ Emanuel African Methodist Episcopal ở Charleston, bang South Carolina bị Dylann Roof, kẻ cực đoan da trắng sát hại.

Mới đây nhất, một cuộc thảm sát diễn ra vào ngày 7/7/2016 khi Alton Sterling, một người da đen bị cảnh sát da trắng đè xuống đất, sau đó bắn nhiều phát ở cự ly gần tại Baton Rouge, Los Angeles. Philando Castile, một người da đen bị một sĩ quan cảnh sát gốc Mỹ Latinh lôi ra khỏi xe bắn chết ở ngoại ô thành phố St.Paul, bang Minnesota. 

Nguy hiểm hơn là sau hàng chục năm gần như biến mất khỏi đời sống xã hội Mỹ, các tổ chức phân biệt chủng tộc hay thù hằn đã bất ngờ tái sinh như tổ chức 3K vốn chủ trương đề cao thuyết người da trắng thượng đẳng.

Vụ tấn công xảy ra tại giáo đường Tree of Life ở thành phố Pittsburgh của bang Pennsylvania làm 11 người thiệt mạng và 6 người bị thương vào ngày 27/10/2018. Hay vụ 5 nhân viên cảnh sát da trắng Dallas, bang Texas bị một người da màu mang tên Micah Xavier Johnson sát hại. 

Nelson Mandela - vị Tổng thống vĩ đại xóa bỏ chế độ phân biệt chủng tộc tại Nam Phi.
 Nelson Mandela - vị Tổng thống vĩ đại  xóa bỏ chế độ phân biệt chủng tộc tại Nam Phi.

Mặt khác, nhiều quốc gia trên thế giới vẫn đang nỗ lực chống lại nạn kỳ thị chủng tộc. Trên thực tế, việc cấm phân biệt đối xử dựa trên chủng tộc, sắc tộc đã được quy định trong nhiều hiệp ước quốc tế và tạo thành yếu tố quan trọng trong pháp luật của nhiều quốc gia. Quan trọng nhất là Công ước về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt chủng tộc, có hiệu lực từ năm 1969, đến nay đã được 170 nước trên thế giới phê chuẩn.

Thiết nghĩ, tư tưởng dân túy cực đoan và chủng tộc thượng đẳng vẫn chưa thực sự bị xóa bỏ. Nạn phân biệt chủng tộc vẫn diễn ra “âm ỉ”  trong lòng nước Mỹ và rất nhiều quốc gia khác trên thế giới, bằng “muôn hình vạn trạng”. Trong tình hình đó, nhiều quốc gia, dân tộc vẫn tiếp tục đấu tranh cho quyền bình đẳng, tự do của mỗi người về quyền lợi và phẩm giá. 

Đọc thêm