Kỳ thi Tốt nghiệp THPT 2024: Hôm nay (26/6), hơn 1 triệu thí sinh cả nước làm thủ tục dự thi

(PLVN) -  Theo lịch của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), 14h hôm nay (26/6), các thí sinh trên cả nước có mặt tại phòng thi để làm thủ tục dự thi tốt nghiệp THPT năm 2024. Trong 2 ngày 27 - 28/6, hơn 1 triệu thí sinh tham gia kỳ thi với 3 môn thi độc lập Toán, Văn, Ngoại ngữ và 1 bài tổ hợp khoa học tự nhiên hoặc khoa học xã hội.
Phó Thủ tướng Lê Thành Long chủ trì cuộc họp chuẩn bị kỳ thi tốt nghiệp THPT 2024. (Ảnh trong bài: MT)
Phó Thủ tướng Lê Thành Long chủ trì cuộc họp chuẩn bị kỳ thi tốt nghiệp THPT 2024. (Ảnh trong bài: MT)

Phụ huynh, thí sinh lưu ý trước giờ G

Để giúp thí sinh và phụ huynh nắm vững thông tin cơ bản và quan trọng nhất của kỳ thi tốt nghiệp THPT, Sở GD&ĐT Hà Nội vừa đưa ra một số lưu ý thí sinh, phụ huynh cần ghi nhớ. Theo đó, thí sinh cần nắm vững quy chế, nhất là những điểm mới để tránh trượt oan, mất cơ hội tham gia xét tuyển đại học. Bởi đây là kỳ thi cuối cùng của học sinh học Chương trình giáo dục phổ thông 2006. Với mục tiêu vừa lấy kết quả kỳ thi, vừa để xét công nhận tốt nghiệp THPT, vừa được sử dụng để tuyển sinh đại học, việc tuân thủ quy chế và những quy định liên quan là điều cần lưu ý.

Theo lịch của Bộ GD&ĐT, 14h hôm nay - 26/6, các thí sinh trên cả nước có mặt tại phòng thi để làm thủ tục dự thi tốt nghiệp THPT năm 2024. Với tính chất quan trọng của kỳ thi, năm nay, Bộ GD&ĐT đặc biệt coi trọng công tác phòng, chống gian lận. Vì vậy, các thí sinh lưu ý mang theo đầy đủ giấy tờ tùy thân. Khi đến điểm thi, thí sinh sẽ được nhận thẻ dự thi. Thí sinh cần rà soát toàn bộ thông tin trên thẻ dự thi của mình, trong đó chú ý thông tin cá nhân và phần đăng ký môn thi, bài thi. Nếu phát hiện sai sót, thí sinh phải báo ngay với giáo viên để được điều chỉnh kịp thời, tránh việc đến ngày thi chính thức mới phát hiện ra, gây ảnh hưởng đến tâm lý làm bài.

Về việc thí sinh có thể dùng ứng dụng VNeID thay căn cước công dân trong quá trình làm thủ tục dự thi hay không, Bộ GD&ĐT đã khẳng định, thí sinh không được phép sử dụng căn cước công dân trên ứng dụng VNeID để làm thủ tục dự thi tốt nghiệp THPT năm 2024. Theo đó, trong trường hợp thí sinh quên hoặc làm mất giấy tờ tùy thân, các điểm thi hướng dẫn thí sinh viết giấy cam kết và thực hiện xác minh theo quy định, đồng thời tạo điều kiện để thí sinh được dự thi.

Theo quy định, mỗi buổi thi, thí sinh phải có mặt tại phòng thi đúng thời gian quy định, nếu đến chậm quá 15 phút sau khi có hiệu lệnh tính giờ làm bài thì sẽ không được dự thi buổi thi đó.

Khi vào thi, thí sinh phải tuân thủ các quy định trong phòng thi. Các năm trước, thí sinh được mang vào phòng thi thiết bị ghi âm, ghi hình, nhưng năm nay vật dụng này thuộc danh mục cấm. Đây là điểm mới trong quy chế thi năm nay mà thí sinh cần nhớ để tránh phạm quy. Nếu thí sinh mang vào phòng thi một trong các vật dụng cấm sẽ bị đình chỉ thi. Thí sinh bị đình chỉ thi năm nào sẽ bị hủy toàn bộ kết quả bài thi, môn thi của kỳ thi năm đó. Điều này đồng nghĩa với việc thí sinh không đủ điều kiện tốt nghiệp THPT, không còn cơ hội tham gia xét tuyển đại học.

Thí sinh chỉ được mang vào phòng thi bút viết, thước kẻ, bút chì, tẩy chì, êke, thước vẽ đồ thị, dụng vụ vẽ hình, máy tính cầm tay không có chức năng soạn thảo văn bản và không có thẻ nhớ, Atlát địa lý Việt Nam được biên soạn theo Chương trình giáo dục phổ thông 2026 (không có đánh dấu hoặc viết thêm bất cứ nội dung nào khác).

Các vật dụng cấm mang vào phòng thi gồm: Giấy than, bút xóa, đồ uống có cồn; vũ khí và chất gây nổ, gây cháy; tài liệu, thiết bị truyền tin (thu, phát sóng thông tin, ghi âm, ghi hình) hoặc chứa thông tin để gian lận trong quá trình làm bài thi.

Để hạn chế các nguy cơ có thể ảnh hưởng đến kết quả thi, ngay khi nhận đề thi, thí sinh cần khẩn trương kiểm tra kỹ toàn bộ nội dung đề thi. Nếu phát hiện có bất thường (như đề thi bị thiếu trang, bị rách, mờ, nhòe... hoặc các môn thi thành phần của bài thi tổ hợp không cùng một mã đề thi), thí sinh báo cáo ngay với cán bộ coi thi chậm nhất 5 phút tính từ thời điểm phát đề thi. Nếu quá 5 phút tính từ lúc làm bài thi, thí sinh hoàn toàn chịu trách nhiệm về đề thi đã nhận.

Thí sinh có trách nhiệm kiểm tra lại thông tin cá nhân trên giấy thi và Phiếu trả lời trắc nghiệm bảo đảm thật chính xác, ghi số tờ đối với môn tự luận, mã đề thi đối với môn trắc nghiệm và ký đủ vào 2 Phiếu thu bài thi. Thí sinh chỉ ra khỏi phòng thi khi có sự cho phép của cán bộ coi thi.

Trường hợp thí sinh bị đau, ốm hoặc có việc đột xuất đặc biệt trước khi thi, cha mẹ học sinh báo ngay cho lãnh đạo nhà trường, nơi thí sinh học lớp 12 để được hướng dẫn đặc cách nếu đủ điều kiện theo quy định tại Điều 37 Quy chế thi…

Tuyệt đối không để thí sinh mang thiết bị công nghệ cao vào phòng thi

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn (bìa trái) kiểm tra tại Điểm thi Trường THPT Vị Thanh 3 - Hậu Giang.

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn (bìa trái) kiểm tra tại Điểm thi Trường THPT Vị Thanh 3 - Hậu Giang.

Trước thềm kỳ thi, tại Văn phòng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long chủ trì cuộc họp về công tác chuẩn bị, tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024.

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn cho biết, các thí sinh năm nay cũng là lứa học sinh cuối cùng thực hiện chương trình giáo dục phổ thông năm 2006. Sang năm 2025, Bộ GD&ĐT sẽ có đổi mới trong công tác tổ chức thi để phù hợp với yêu cầu, định hướng của Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Nên năm nay, kỳ thi sẽ khép lại chương trình học cũ, nhưng sẽ là tiền đề, chuẩn bị tốt cho kỳ thi năm sau.

Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng - Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 cũng nhấn mạnh việc tuyệt đối không để thí sinh mang điện thoại, thiết bị công nghệ vào phòng thi. Đặc biệt là tinh thần tạo mọi điều kiện thuận lợi cho thí sinh dự thi, nhất là các thí sinh ở vùng kinh tế khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, không để bất cứ thí sinh nào vì điều kiện kinh tế khó khăn hay gặp cách trở về giao thông mà không được dự thi.

Phát biểu kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Lê Thành Long nhận định đây là kỳ thi rất quan trọng, bởi không chỉ có các thí sinh dự thi mà cả xã hội cùng quan tâm, theo dõi, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ GD&ĐT càng tổ chức chu đáo, cẩn thận càng tốt. Bởi chỉ cần một sự cố nhỏ xảy ra, sẽ có ảnh hưởng rất lớn đến toàn xã hội.

Phó Thủ tướng Lê Thành Long yêu cầu Bộ GD&ĐT với những gì đã làm được cần cố gắng để thực hiện tốt như ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ công tác đề thi, bảo mật đề thi, tổ chức thi ở các điểm, tránh sai sót. Thực hiện nghiêm khắc, có các giải pháp khác nhau - không để thí sinh mang thiết bị công nghệ cao vào phòng thi. Đặc biệt là kiểm tra giám sát, thanh tra trước, trong và sau kỳ thi.

Phó Thủ tướng Lê Thành Long cũng yêu cầu Bộ GD&ĐT và các Bộ, ngành phối hợp chặt chẽ để cùng với địa phương bảo đảm an toàn về mọi phương diện, ứng phó với các tình huống bất thường xảy ra. Đồng thời tạo điều kiện thuận lợi nhất trong khả năng có thể để hỗ trợ cho thí sinh tham gia kỳ thi an toàn.

Đọc thêm