Kỳ thú báu vật Thung Nham: Đại gia bỏ hàng chục tỷ đồng không mua nổi

(PLO) - Được bao bọc bởi các dãy núi cao, địa danh Thung Nham (xã Ninh Hải, Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình) như một thung lũng mang vẻ đẹp tiềm ẩn cuốn hút. Bốn mùa hoa thơm, cỏ lạ, chim thú vui vầy, trên núi có hang động, bên dưới là sông hồ trong xanh…Nơi đây được ví như một tuyệt tình cốc ở vùng đất cố đô Ninh Bình.
Bến thuyền lặng yên đợi khách
Bến thuyền lặng yên đợi khách

Thăm sân chim trời

Tạo dáng kiểu thung lũng dài, uốn lượn giữa những dãy núi đá vôi của vùng đất Hoa Lư, địa danh Thung Nham mới được du khách biết đến trong thời gian gần đây. Mọi người thường tình cờ biết đến Thung Nham sau khi đã ghé thăm các địa danh nổi tiếng ở Ninh Bình.

 Khu Thung Nham cách bến Tam Cốc khoảng 5km, đây là vùng đất tương đối hoang sơ, nơi đàn cò, vạc.., lựa chọn để bay về mỗi khi chiều buông. Cũng rất tình cờ phi xe từ Hà Nội, chúng tôi về tới Thung Nham vào lúc chiều muộn. Chiều về, khi đoàn chúng tôi vừa đặt chân tới cổng soát vé, một nhân viên của khu du lịch cho biết ngay: “Mọi người muốn thuê thuyền hay cuốc bộ đi  xem sân chim thì nhanh lên, tầm 17-18h  là thời điểm đàn chim về đây nhiều nhất.”

Từ cổng chào của khu Thung Nham, muốn tới vườn chim du khách có rất nhiều lựa chọn. Có thể thuê thuyền của dân bản địa với giá 30 ngàn/người, hoặc thuê xe đạp cũng giá tương tự, thậm chí nếu bạn cảm thấy mình khỏe có thể đi bộ hơn 2 km là tới đích. Loại hình thuê xe đạp để đi dạo và ngắm chim cò rất được du khách nước ngoài ưu chuộng mỗi khi tới đây.

Nhũ đá trong Động Thủy Cung đẹp lung linh
Nhũ đá trong Động Thủy Cung đẹp lung linh

Chúng tôi đã quyết định dạo bộ, vượt qua những con đường rải đá răm ngoằn nghoèo sát chân núi. Chốc chốc mọi người lại bắt gặp những người đi chăn dê thảnh thơi ngồi vắt vẻo trên mỏm đá. “Dê ở đây mới chính hiệu dê núi Ninh Bình, bởi tất cả được thả trên núi và chỉ ăn cây lá tự nhiên, không hề có bất kỳ thức ăn tăng trọng nào khác”-Một bà chăn dê tự tin khẳng định với chúng tôi như vậy.

Khi những đôi bàn chân mệt nhoài vì con đường mòn trong rừng thì chúng tôi bắt gặp một tấm biển chỉ dẫn leo ngược lên đỉnh núi để ngắm sân chim. Trải qua khoảng trăm bậc đá dựng đứng, chòi ngắm sân chim đã hiện ra trước mắt mọi người. 

Anh Lê Văn Tám, người vùng Yên Mô, hiện đang sống trong săn nhà nhỏ ngay dưới chân núi để trông sân chim. Anh cho chúng tôi biết: “Vào những ngày cuối tuần lượng du khách về đây khá đông. Nhưng để ngắm được đàn chim về thì mọi người phải kiên nhẫn chờ tới 17-18h chiều nên phải có phương án ngủ qua đêm tại các khu nhà sàn trong rừng”.  Theo anh Tám thì  số lượng chim ở đây lúc đông lên tới hàng vạn con với chủ yếu là cò, vạc, diệc, mòng két, chích chòe... Ngoài ra có thể thấy đàn vịt trời, le le tung tăng bơi dưới khu đầm lầy.

Vì vùng đất cuối thung lũng này rất yên tĩnh nên từ bao đời nay các loài chim trời đã bay về đây. Điều đặc biệt là người ra đã phát hiện ra một số cá thể Hằng hạc và Phượng hoàng tại vùng Thung Nham. Đây chính là 2 loại chim quý hiếm đã được ghi trong sách đỏ và nằm trong bộ Tứ Linh (Long, Ly, Quy, Phượng)

Từ chòi quan sát, một cảnh tượng kỳ thú dần hiện ra trước mắt chúng tôi. Những đàn chim trời sau một ngày đi kiếm ăn đã dần trở về đậu trắng trên các ngọn cây, lũy tre. Chỉ cần một tiếng động nhỏ cũng có thể làm hàng ngàn con chim cùng tung cánh trao lượn trên bầy trời khiến du khách nhìn rất đã mắt.

Du khách đi thuyền tham quan
Du khách đi thuyền tham quan

Theo anh Tám, để bảo vệ đàn chim tự nhiên này là một công việc vô cùng gian khổ. Rất nhiều đối tượng săn bắn sẵn sàng tiến vào đây hạ sát đàn chim. Thậm chí nhiều du khách hiếu kỳ quá đến sát nơi cư trú của lũ chim và có nhiều hành động phá hoại sẽ làm tổn hại đến chúng.

Nếu đi thuyền để ngắm chim, du khách sẽ bắt gặp nhiều đàn vịt trời, le le và các loài chim khác ở khoảng cách gần hơn. Đi trên thuyền chúng ta như được lạc vào khung cảnh hữu tình của vùng non nước. Thỉnh thoảng con thuyền nhỏ của dân bản địa lại đưa ta đi xuyên qua một eo núi nhỏ rất độc đáo.

Độc đáo hang động ngàn năm tuổi

Để khám phá sân chim chỉ mất khoảng 1-2h đồng hồ cuối chiều, nhưng nếu muốn đi thăm hết Thung Nham, chúng ta phải bỏ ra 2 ngày.

Có một điều làm chúng tôi khá ngạc nhiên đó là ở Thung Nham có gần như hết những đặc trưng về cảnh đẹp của Ninh Bình. Nó như một phiên bản 2 của Tam Cốc, Bích Động, Tràng An, Bái Đính, Cúc Phương.

Mọi người sẽ được thong dong trên thuyền để xuôi theo dòng nước lạc vào các địa danh như Hang Bụt, Động Ba Cô, Động Thủy Cung. Đây là dạng cảnh quan hang động ướt dưới vách núi, lòng núi đá vôi rất đặc trưng của Ninh Bình. Chính vì thế nó rất giống với hành trình khám phá Tam Cốc hay Tràng An, nếu có khác thì là khác ở quy mô nhỏ hơn và thời gian để đi ngắn khám phá chúng ngắn hơn. 

Đàn vịt trời bơi lội tung tăng
Đàn vịt trời bơi lội tung tăng

Kỳ thú nhất là ở đây có khu động Vái Giời được ví như Bích Động thứ 2 của Ninh Bình. Trải qua gần 500 bậc đá dựng đứng heo hút, chúng tôi cũng tới được cửa động. Mọi người ai cũng thở gấp, rời rã đôi chân vì chuyến leo núi vừa qua. Sau thời gian nghỉ ngơi, mọi người bắt đầu khám phá động Vái Giời, cảm giác đầu tiên là cái lạnh như xâm nhập ngay vào cơ thể.

Theo những bậc đá mòn in dấu chân người, chúng tôi xuống tầng Địa Ngục. Thiên nhiên đã ban tặng của nơi đây những nhũ đá, hòn đá với hình khối rất độc đáo. Để từ đó con người hôm nay nghĩ đến chốn Địa Ngục với cảnh Diêm Vương ngồi phán tội, tấm gương phản chiếu tội ác trần gian của những ai làm việc xấu, rồi 18 tầng Địa Ngục với núi đao, biển lửa…hiện ra trước mắt du khách.

Ngay cửa động chính là tầng Trần Gian, từ đây du khách sẽ trải qua 88 bậc thang treo leo để tới với chốn Thiên Đường. Ở chốn Thiên Đường có rất nhiều nhũ đá, tảng đá mang hình khối tượng trưng cho cõi Niết Bàn, Bồ Tát, Thiên Đình…

Đã đi nhiều khu hang động ở Miền Bắc, nhưng đến Vái Giời chúng tôi vẫn cảm thấy sự kỳ vĩ, độc đáo của những nhũ đá mà đất trời đã ban tặng. Có chăng nó xứng đáng là Nam Thiên Đệ Tứ Động? Không leo lên đỉnh núi như Vái Giời, Động Tiên Cá lại uốn lượn dưới lòng núi. Trong ánh đèn điện, hệ thống hang đá, nhũ đá tuyệt sắc đủ các mầu rủ xuống mặt nước như mời gọi du khách bước ngay tới thưởng lãm.

Cảnh sắc hoang sơ, tươi đẹp ở Thung Nham
Cảnh sắc hoang sơ, tươi đẹp ở Thung Nham

Những ai đã chưa đi VQG Cúc Phương có thể về Thung Nham để khám phá những cánh rừng. Nằm giữa thung lũng có một vùng đất bằng phẳng với diện tích 80 ngàn m2 để cách loại cây trái đơm hoa kết quả. Khu vực này gọi là Miệt vườn, du khách có thể thưởng thức các loại quả theo 4 mùa như: khế, chuối, xoài, ổi, na, hồng…Qua những tán cây ăn quả um tùm, du khách sẽ bắt gặp 2 cây duối cổ thụ thuộc vào hàng độc, hiếm nhất Việt Nam.

Có một cây duối được mệnh danh ngàn năm tuổi. Cây duối này mọc chính tại phiến đá vôi đồ sộ với nhiều tầng, tán lá. Du khách nào cũng phải trầm trồ về độ cổ kính và độc đáo của cây duối mọc giữa khu rừng này. 

Nhiều tay săn cây cảnh đã chấp nhận bỏ ra hàng chục tỷ đồng nhưng cũng không sở hữu được cây duối cổ ngàn năm tuổi nơi đây. Như một báu vật độc đáo của Thung Nham, nên chính quyền địa phương coi cây duối là sở hữu chung của tất cả mọi người, không để cá nhân nào chiếm giữ.

Miệt vườn, khu rừng nguyên sinh với nhiều tán cây cổ thụ và đặc biệt là 2 cây duối cổ là vùng đất thú vị để chúng ta trekking vào mỗi dịp cuối tuần. Phụ họa thêm vào khu vực cảnh quan tự nhiên như rừng, vườn cây, sân chim là những di tích tâm linh đã và đang được con người tôn tạo. Đền Gối Đại chính là khu tâm linh trung tâm của Thung Nham như một phiên bản nho nhỏ của vùng tâm linh Bái Đính.

Qua đêm giữa thung lũng

Để thưởng thức dê núi và thử cảm giác ngủ giữa rừng du khách có thể thuê nhà sàn theo đoàn hoặc cá nhân. Ngành du lịch Ninh Bình đang đầu tư vào đây những khu nhà sàn mang phong cách resort bình dân với giá cả phải chăng. Khu nghỉ dưỡng này có cảnh quan rất lãng mạn với thảm cỏ và vườn hoa 4 mùa, hồ nước trong xanh in hình bóng núi và các trò chơi dân gian cho  trẻ nhỏ và cả gia đình. Ngủ ở giữa thung lũng với cảnh sắc trong lành như vậy còn gì tuyệt vời hơn cho mọi người mỗi dịp cuối tuần.