Kỳ tích tại nơi ánh đèn không bao giờ tắt

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Phòng mổ được mệnh danh là nơi ánh đèn không bao giờ tắt, bởi đây là một trong những khu vực duy nhất trong bệnh viện luôn sáng đèn, bất kể ngày đêm, lễ, Tết. Đây cũng là “điểm nóng” nhất ở bệnh viện, nơi có những “cuộc chiến” đầy kịch tính của y, bác sĩ nhằm giành giật sự sống bệnh nhân từ tay “thần chết” và cũng là nơi chứng kiến những kỳ tích y học giữa đời thường.
Những bệnh nhân được hồi sinh nhờ ca ghép tạng thành công tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức. (Ảnh: BV Hữu nghị Việt Đức)
Những bệnh nhân được hồi sinh nhờ ca ghép tạng thành công tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức. (Ảnh: BV Hữu nghị Việt Đức)

Những ngày đầu năm Ất Tỵ 2025, tại Bệnh viện Phụ sản Trung ương, một ca cấp cứu đặc biệt đã diễn ra khi đội ngũ y, bác sĩ cứu sống thành công một sản phụ ngừng tuần hoàn hơn 30 phút với 4 lần sốc điện phá rung. Cuộc chiến đưa sản phụ trở về từ ranh giới sinh tử kéo dài hơn 2 giờ đồng hồ, với sự tham gia của những nhân lực và chuyên gia giỏi nhất. Sau khi cấp cứu đưa tim đập trở lại, sản phụ vẫn phải đối mặt với hàng loạt nguy cơ như rối loạn đông máu, suy giảm chức năng đa tạng và nguy cơ tổn thương não do thời gian ngừng tim kéo dài. Tuy nhiên, nhờ sự tận tâm và quyết tâm không bỏ cuộc của đội ngũ y, bác sĩ, tình trạng bệnh nhân dần cải thiện, các chức năng cơ thể được kiểm soát và hồi phục đáng kinh ngạc.

Có thể nói, đây là một kỳ tích y học đầy kỳ diệu diễn ra ngay trong phòng mổ, khi sản phụ hồi phục sau một thời gian ngừng tuần hoàn kéo dài. Thành công của ca cấp cứu này là minh chứng cho chuyên môn vững vàng, bản lĩnh và tinh thần trách nhiệm cao của những “chiến binh áo trắng” nơi đây.

Trước đó, một kỳ tích y học khác cũng đã diễn ra tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức khi chỉ trong vòng 6 ngày (từ ngày 6 - 11/1/2025) có đến 21 ca bệnh hiểm nghèo được trao cơ hội hồi sinh nhờ được ghép tạng. Theo đó, từ tấm lòng nhân ái vô bờ của 4 gia đình có bệnh nhân chết não hiến tạng, các y, bác sĩ tại Bệnh viện đã thực hiện ghép tạng thành công cho 15 bệnh nhân đang khẩn thiết chờ đợi cơ hội sống: 4 ca ghép tim, 1 ca ghép đồng thời gan - thận, 3 ca ghép gan và 7 ca ghép thận. Cùng thời gian, Bệnh viện cũng tiến hành ghép thận theo kế hoạch cho 6 bệnh nhân từ người hiến tạng còn sống, nâng tổng số ca ghép trong 1 tuần lên 21 trường hợp.

Vậy là 21 bệnh nhân, những người từng cận kề ranh giới mong manh giữa sự sống và cái chết, nay đã có cơ hội hồi sinh nhờ những ca ghép tạng thành công. Đây là lần đầu tiên Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức đạt kỷ lục với 21 ca ghép tạng trong 6 ngày, đánh dấu một bước tiến quan trọng trong lĩnh vực ghép tạng của Bệnh viện nói riêng và y học Việt Nam nói chung. Mặt khác, thành công này còn mang lại hy vọng và mở ra cơ hội sống cho hàng chục nghìn bệnh nhân đang chờ đợi ghép tạng trên cả nước.

Đáng nói, phía sau con số ấn tượng này không thể không nhắc đến sự cống hiến thầm lặng của đội ngũ y, bác sĩ sau cánh cửa phòng mổ. Trong 6 ngày, đội ngũ y, bác sĩ của Bệnh viện đã miệt mài làm việc suốt ngày đêm, không ngừng nỗ lực vì sự sống của bệnh nhân. Mỗi ca phẫu thuật được thực hiện với sự phối hợp nhịp nhàng từng khâu, diễn ra với độ chính xác cao nhất. Ghép tạng là cuộc chạy đua khốc liệt với thời gian, nơi từng phút giây đều mang ý nghĩa quyết định nhưng nhờ kỹ thuật đã vững vàng và trang thiết bị y tế hiện đại mà thời gian thực hiện các ca ghép đã được rút ngắn đáng kể, từ gần 10 tiếng xuống chỉ còn 4 tiếng.

Trên đây chỉ là hai trong số vô vàn kỳ tích y học đã được tạo ra bên trong phòng mổ - nơi không chỉ là không gian thực hiện các ca phẫu thuật quan trọng mà còn là chiến trường thực sự, diễn ra cuộc đua không khoan nhượng giữa sự sống và cái chết. Đằng sau cánh cửa phòng mổ, sứ mệnh của y, bác sĩ không gì khác ngoài giành lại sự sống cho bệnh nhân.

Chính vì mang trong mình sứ mệnh cao cả nên dù phải đối mặt với những ca phẫu thuật kéo dài hàng giờ liền, đầy thử thách, “chiến binh áo trắng” vẫn dốc hết tâm huyết và kỹ năng để cứu từng mạng sống. Đối với họ, từng giọt mồ hôi rơi xuống, từng phút giây căng thẳng trong phòng mổ và sự kiên trì đến cùng đều xứng đáng, bởi phía sau đó là một sinh mạng được hồi sinh, một gia đình được đoàn tụ.

Có lẽ câu thành ngữ “còn nước còn tát” chính là “kim chỉ nam” cho ngành Y nói chung và những bác sĩ trong phòng mổ nói riêng. Dù trong hoàn cảnh mong manh nhất, khi chỉ còn 1% hy vọng, đội ngũ y, bác sĩ vẫn không từ bỏ, không ngừng nỗ lực, tận dụng mọi cơ hội để giành giật sự sống cho bệnh nhân. Và có lẽ trong phòng mổ, ánh đèn không bao giờ tắt không chỉ nói về ánh đèn soi rọi từng ca phẫu thuật mà còn nói về ánh đèn kiên trì luôn rực sáng trong trái tim những người làm nghề y.

Đọc thêm