Sự cố vào ngày thứ 3
Nước Mỹ trong thời kỳ chiến tranh lạnh để khẳng định sức mạnh của mình với phe xã hội chủ nghĩa, sau hai chuyến đưa người thăm dò và khảo sát trên Mặt trăng thành công (tàu vũ trụ Apollo 11 và Apollo 12) đã tiếp tục tổ chức chuyến thăm dò thứ ba khi phóng con tàu Apollo 13 lên Mặt trăng. Song chuyến bay này đã xảy ra sự cố nguy hiểm cho các nhà du hành vũ trụ Mỹ.
Tàu Apollo 13 do tên lửa Saturn khởi động phóng vào không gian lúc 13 giờ ngày 11/04/1970. Phi hành đoàn tàu vũ trụ Apollo 13 gồm 3 phi hành gia là Jim Lovell, Jack Swigert và Fred Haise. Hai ngày đầu sau khi phóng thành công lên vũ trụ, con tàu vẫn “thuận buồm xuôi gió” trên hành trình tới Mặt trăng.
Thậm chí, tại trung tâm kiểm soát đặt tại Houston, phụ trách liên lạc của tàu – Joe Kerwin đã báo cáo rằng tàu “trong trạng thái tốt” và còn đùa với phi hành đoàn: “Ở đây chúng tôi đang nhàm phát chán lên được”.
Nhưng ngày thứ 3, tức ngày 13/04, lúc 21 giờ, con tàu đã gặp sự cố. Lúc này, phía trung tâm Kiểm soát đã yêu cầu Apollo 13 tiến hành một số kiểm tra thông thường. “Apollo 13, chúng tôi muốn các anh làm một việc nữa nếu các anh có cơ hội. Chúng tôi muốn các anh khuấy bể đông lạnh lên,” Jack Lousma, người phụ trách liên lạc với phi thuyền tại Trung tâm Kiểm soát, nói.
Mục đích của việc khuấy bể đông lạnh có chứa hydro và oxy là để xác định chính xác hơn còn bao nhiêu khí gas. Nhưng do sự cố chập điện, một trong những bể chứa oxy bị nổ, làm suy giảm lượng cung cấp oxy, nước sạch và điện cũng như đe dọa tính mạng của phi hành đoàn.
Ban đầu, phi hành đoàn tưởng họ bị va vào thiên thạch, nhưng chẳng mấy chốc mọi người biết rằng họ đang mất oxy. Vụ nổ đã làm tê liệt các Module Dịch vụ (SM), làm Module chỉ huy (CM) lệ thuộc vào nó cũng bị ảnh hưởng. Phi hành gia Jim Lovell ngay lập tức thông báo với trung tâm giám sát: “Chúng tôi gặp vấn đề rồi.
Nhìn ra cửa kìa, hình như chúng tôi đang xả thứ gì đó vào không gian. Khi tiếng nổ vang lên, chúng tôi không biết chuyện gì đã xảy ra. Đến khi thấy oxy xì ra và quan sát trên bảng điều khiển thì chúng tôi đã mất toàn bộ oxy trong một khoang chứa rồi. Sự việc diễn ra quá nhanh và tôi nhận ra chúng tôi đang gặp phải rắc rối nghiêm trọng”.
Lúc này, người chịu trách nhiệm cho hệ thống xảy ra lỗi, nhiệm vụ của Liebergot bây giờ là cố gắng tìm cách tiết kiệm oxy nhất có thể để cấp năng lượng cho con tàu vụ trụ đã bị hư hại. Phương án của ông là áp dụng chu trình khẩn cấp trong tình huống lỗi bình nhiên liệu để giảm mức tiêu thụ với bình nhiên liệu còn lại.
Các đài truyền hình nắm bắt được sự việc bắt đầu tranh nhau đưa tin, tạm ngưng các chương trình khác để quay trung tâm kiểm soát. Giám đốc điều hành bay – ông Gene Kranz kêu gọi cả nhóm của mình tập trung “xử lý vấn đề”. Mọi người trong phòng được hướng dẫn nói chuyện qua tai nghe, gọi đội ngũ hỗ trợ và xác định vấn đề đang xảy ra. Phi hành gia Liebergot lúc ấy nghĩ rằng, “Chúng tôi luôn nghĩ nhất định phải mang phi hành đoàn trở về an toàn. Đó chính là triết lý của những người giám sát chuyến bay”.
3 phương án giải cứu
Cứ mỗi giây trôi qua là cái chết lại đến gần hơn với các phi hành gia. Nếu tàu không thể quay lại Trái đất, thì sẽ lạc mãi mãi trong không gian. Để đưa con tàu về, giải pháp nhanh chóng và thông thường nhất là đốt động cơ và cho quay tàu lại. Nhưng chỉ huy Jim Lovell đã suy nghĩ lại, ông cho rằng chưa chắc đây sẽ là giải pháp an toàn và tối ưu.
Bình chứa oxy vẫn chưa cạn kiệt và thời gian vẫn còn. Vì vậy, ông yêu cầu nhân viên của mình phân tích bằng cách đặt câu hỏi trong ba ngày, tức là dựa vào khả năng và phán đoán của họ để tìm cách đưa các phi hành gia trở về trái đất an toàn”.
Ban đầu, phi hành đoàn nghĩ đến phương án tiếp cận trực tiếp, có nghĩa là phóng thẳng một phi thuyền trực tiếp lên mặt trăng. Toàn bộ phi thuyền sẽ hạ cánh và quay trở lại từ mặt trăng. Tuy nhiên, điều này đòi hỏi một tên lửa mạnh nhất từ trước đến nay.
Module tàu vũ trụ Apollo 13 trở về Trái đất an toàn cùng phi hành đoàn. |
Vào thời điểm đó, 2 tên lửa mạnh nhất được đề xuất là Saturn và Nova, nhưng với quãng đường đi trực tiếp đến mặt trăng quá xa, tên lửa cũng cần một khối lượng nhiên liệu khá lớn. Cuối cùng, phương án này bị loại bỏ.
Ở cách Trái đất 200.000 dặm (tương đương 322.000 km), phi hành gia Lovell không bình tĩnh được như vậy. “Chúng tôi không có bất kỳ giải pháp nào để có thể quay trở lại, cũng không biết chính xác phải làm gì. Đó có lẽ là điều tồi tệ nhất trong chuyến bay khi nghĩ đến việc không biết liệu rằng mình có thể trở lại Trái đất hay không”.
Phương án 2 được đưa ra bàn luận, đó là gặp nhau trên quỹ đạo trái đất. Phương án này sẽ đòi hỏi việc phóng 2 tên lửa Saturn V, một chứa phi thuyền và một chứa nhiên liệu. Phi thuyền sẽ lưu lại trên quỹ đạo và được nạp vào đủ nhiên liệu để có thể bay đến mặt trăng rồi quay về. Và toàn bộ phi thuyền sẽ hạ xuống mặt trăng.
Tuy nhiên, những yếu tố nguy hiểm vẫn còn. Đó chính là quá ít điện năng và không có tế bào nhiên liệu để sản xuất oxy để thở. Sự trở lại trái đất vẫn sẽ đòi hỏi nhiều thời gian hơn so với phương án tiếp cận trực tiếp. Cuối cùng, phương án này cũng bị loại bỏ.
Trong không gian, phi hành đoàn không thể cứ lơ lửng để chờ hướng dẫn. Họ đã bắt đầu di chuyển sang tàu đổ bộ Mặt trăng mặc dù Lovell sớm nhận ra ở đó sẽ không dễ chịu chút nào. “Tàu đổ bộ Mặt trăng khá hạn chế. Nó được thiết kế chỉ để hỗ trợ cho 2 người trong thời gian 2 ngày. Phi hành đoàn chúng tôi có 3 người và dự tính phải mất 4 ngày mới có thể quay trở lại”, Lovell cho biết.
“Cuối cùng chúng tôi cũng phải chấp nhận rằng mình không thể hạ cánh trên Mặt trăng được, sứ mệnh đó đã kết thúc. Quyết định bây giờ là vòng quanh Mặt trăng để trở về Trái đất”, Liebergot cho biết.
Những ngày tiếp theo, các nhân viên giám sát chuyến bay làm việc suốt ngày đêm, tranh thủ chợp mắt vài phút dưới bàn làm việc để cố gắng đưa phi hành đoàn Apollo 13 trở về nhà. “Đó là sự kết hợp giữa hai nhóm. Một nhóm ngồi trong căn phòng dễ chịu, có café nóng, xì gà, cố gắng nghĩ cách đưa các phi hành gia trở về. Nhóm kia thì đang trong con tàu vũ trụ lạnh lẽo, ẩm ướt và cố gắng thực hiện các hướng dẫn được đưa ra”, Lovell cho biết.
Thoát hiểm trở về
Phương án cuối cùng được đưa ra, đó là gặp nhau trên quỹ đạo mặt trăng. Phương án này được lựa chọn cho tàu Apollo 13, chính điều này đã giúp cứu sống toàn bộ các phi hành gia của tàu vũ trụ này.
Họ đã nghiên cứu rất kỹ thiết kế của con tàu. Phi thuyền Apollo được thiết kế với nhiều bộ phận khác nhau để thực hiện nhiệm vụ được đặt ra. Phi thuyền có các bộ phận: hệ thống thoát hiểm khi phóng; hệ thống điều khiển; hệ thống hỗ trợ; hệ thống đáp xuống Mặt Trăng và bộ phận thích ứng với Mặt Trăng.
Họ quyết định dùng hai phần của con tàu là hệ thống điều khiển và hệ thống đáp xuống Mặt Trăng cũng như động cơ của nó làm phi thuyền cứu hộ khẩn cấp. Ngày 17/4 đánh dấu sự trở về an toàn của James Lovell, “Jack” Swigert và Fred Haise sau gần 88 tiếng đồng hồ căng thẳng trên chuyến phi thuyền đã bị hư hại nghiêm trọng. Phi hành đoàn trở thành những người hùng quốc tế.
3 phi hành gia thoát nạn trở về an toàn đã khiến Tổng thống Richard Nixon lúc ấy vô cùng xúc động, “Đối với phần lớn nhân loại thì không gian chưa bao giờ xa vô tận như khi phi thuyền Apollo 13 gặp nạn ở nơi cách Trái Đất gần 250 ngàn dặm về phía Mặt Trăng. Cả đất nước với lòng biết ơn nói với phi hành đoàn và với những người trên mặt đất – những người đã thực hiện tuyệt vời công việc hướng dẫn Apollo 13 trở về an toàn từ nguy hiểm trong đường tơ kẽ tóc rằng: ‘Tuyệt lắm!’.”