Những ai trong lứa tuổi 60 hiện tại hẳn còn nhớ rõ sự kiện đó và những ngày bi tráng đẫm máu và nước mắt trong lịch sử dân tộc ta.
Cuộc chiến không cân sức, lại bị bất ngờ khi kẻ địch huy động tới 60 vạn quân và vũ khí hạng nặng, xe tăng và pháo binh ồ ạt tấn công, mà bên ta chủ yếu là lực lượng quân đội địa phương, dân quân và tự vệ, nên những tổn thất ban đầu là cực kỳ nặng nề. Đau xót hơn cả là phụ nữ, trẻ em, dân thường bị tàn sát, nhà cửa, làng mạc, phố xá bị san phẳng thành bình địa, trên đường đi của quân xâm lược đều đẫm máu dân lành. Chúng ta sao có thể quên điều đó?! Nói như một chính khách Việt Nam thì chúng ta cần phải sòng phẳng với lịch sử chứ không phải kích động hận thù.
Thế nhưng, cái bài học mà kẻ địch định dạy ta thì họ phải nhận lại bài học cay đắng hơn vì phát động chiến tranh không học thuộc bài học lịch sử: 60 vạn quân - gấp đôi số quân mà Hoàng đế Quang Trung từng tiêu diệt đã vấp phải sự kháng cự kiên cường của những quân đội và người địa phương - nơi quê hương của họ đang bị xâm phạm.
Cuộc chiến diễn ra trong 30 ngày và quân "nghịch lỗ lai xâm phạm" đã phải rút lui với tổn thất nặng nề và cho đến bây giờ có những người Trung Quốc vẫn cho rằng đây là một cuộc chiến tranh phi nghĩa với kết quả trái ngược lại những gì mà kẻ gây chiến mong muốn. Cả một đại đội quân Trung Quốc đầu hàng tập thể tại Cao Bằng là một minh chứng cho điều đó.
Cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc không chỉ chấm dứt trong 30 ngày mà nó còn kéo dài thêm 10 năm sau đó với mức độ khốc liệt không kém ở các điểm nóng cục bộ như Vị Xuyên (Hà Giang). Máu của chiến sỹ, đồng bào đã đổ xuống nơi biên cương của Tổ quốc để bảo vệ chủ quyền lãnh thổ thiêng liêng. Cả dân tộc ta ghi lòng, tạc dạ sự hy sinh không bao giờ là vô nghĩa đó.
Năm nay, chúng ta kỷ niệm 40 năm cuộc chiến bảo vệ biên giới phía Bắc với tâm thế của một dân tộc chuộng chính nghĩa, yêu hòa bình, mưu cầu hạnh phúc và ý chí quật cường gìn giữ non sông gấm vóc, chưa bao giờ khuất phục trước giặc ngoại xâm. Tầm vóc và vị thế Việt Nam trên trường quốc tế đã vững mạnh hơn lên rất nhiều, đã đặt cây cầu hữu nghị bắc qua hố sâu chiến tranh, biến chiến trường thành thương trường, thù địch thành bang giao, tuy nhiên, những ngày bi tráng mà hào hùng ấy còn sống mãi trong lòng dân và không ai có thể làm đổi thay được lịch sử!