Chén rượu ngày xuân đừng là chén đắng

(PLVN) - Rượu, đối với đa phần đấng nam nhi là thứ không thể thiếu trong tất cả các cuộc vui, gặp gỡ và cả khi buồn, lúc cô đơn. Ngày xuân không rượu khác nào mùa xuân không Tết, do vậy, từ đường làng thôn quê đến ngõ nhỏ phố thị trong những ngày xuân này đều phảng phất hơi men – một phần làm nên hương vị nồng nàn Tết.
Hình minh họa
Hình minh họa

Rượu phổ cập trên toàn thế giới và nhân loại dù có nhiều chuyện bất đồng nhưng với rượu thì không. Xuất hiện từ thuở ban sơ của loài người, rượu đồng hành suốt và tương ứng với sự phân chia các giai tầng xã hội, từ giới bình dân đến quý tộc, từ quán ăn vỉa hè đến dạ tiệc cung đình xa hoa, từ anh nông phu đến vị bá tước, từ ông thị dân đến nhà lãnh đạo,... đều có rượu, đắt hay rẻ, sang trọng hay bèo bọt, quý hay thường tùy vào người sử dụng theo “đẳng cấp” xã hội của mình.

Tuy nhiên, rượu hay là thế nhưng lạm dụng nó hóa ra dở rất nhiều và trước những tác hại do rượu buộc người ta phải lên tiếng cảnh tỉnh và có những biện pháp ngăn ngừa. Những thứ rượu gây ra có thể thấy ngay như tai nạn giao thông, đánh nhau, lạm dụng tình dục, chửi bới hành vi quái gở,... và lâu dài là việc tổn hại sức khỏe, đã không ít tật bệnh có nguyên nhân từ rượu. 

Sau cái Tết nào cũng có những thống kê rất khủng khiếp từ các bệnh viện trong cả nước về những số người cấp cứu có nguyên nhân từ rượu từ ngộ độc rượu đến các hành vi do “rượu uống người”. Bao nhiêu trường hợp tan cửa, nát nhà cũng vì rượu. Nếu không là nguyên nhân thì rượu cũng là tác nhân trực tiếp làm cho người uống không làm chủ được bản thân dẫn đến các hành vi điên rồ, kể cả những người vốn đạo mạo, đáng kính.

Chẳng hạn, một trang công tử “vào trong phong nhã, ra ngoài hào hoa” như chàng Kim mà do hơi quá chén “tình xuân phơi phới, chén xuân tàng tàng” mà có những hành vi khiếm nhã với nàng Kiều khiến thiếu nữ con nhà gia giáo này phải lên tiếng cảnh cáo “đừng lấy làm chơi”, ngăn chặn kịp thời một hành vi sàm sỡ “mây mưa đánh đổ đá vàng”. Thế đấy, vui nhưng đừng vui quá và quá chén lại càng nên không.

Chén rượu ngày xuân mang nhiều ý nghĩa của việc giao lưu, giao tình và người người “nâng chén giao bôi” làm hòa khí ngày xuân thêm phần đậm đà, tươi mới. Đừng ép nhau uống, đừng làm nhau say, đừng coi chén rượu là thước đo tình cảm, cạn chén có khi dẫn đến cạn tình.

Văn hóa rượu và uống rượu một cách có văn hóa, xứng với rượu – một thứ nước uống tinh túy được cất bằng ngũ cốc và hoa quả, từ tinh khiết thiên nhiên chứ không phải từ hóa chất độc hại làm ra một thứ rượu giả chẳng những đầu độc sức khỏe con người mà còn làm hoen ố, hạ cấp văn hóa rượu. 

Đọc thêm