Tròn 35 năm kể từ khi xảy ra trận quyết tử để bảo vệ đảo đá Gạc Ma, máu của 64 chiến sĩ Hải quân nhân dân Việt Nam đã hòa cùng biển cả. Sự hy sinh anh dũng của các anh tạo thành một tượng đài bất tử về chủ nghĩa anh hùng cách mạng và tình yêu biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Theo thời gian, mọi dấu vết có thể bị xóa nhòa, nhưng ký ức bi tráng về các anh hùng liệt sĩ Gạc Ma không thể nào quên và không được quên. Những người lính năm ấy may mắn trở về, những thế hệ trẻ tiếp bước cha anh làm nhiệm vụ gìn giữ biển đảo và người dân Việt Nam sẽ luôn nhớ về sự kiện Gạc Ma, luôn tri ân các anh hùng liệt sĩ Gạc Ma.
Năm nay con cháu cụ Nhỏ vẫn làm bữa cơm giỗ chung 64 liệt sĩ. |
Sinh thời, hàng năm, cụ ông Hoàng Nhỏ, (xã Hải Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình) đều làm đám giỗ vái vọng liệt sĩ Hoàng Văn Túy (con trai cụ) và 63 liệt sĩ Gạc Ma trên bãi biển. Mâm cơm giỗ tươm tất với quả ngọt, hoa tươi được mang ra bờ biển vái vọng 64 chiến sĩ quả cảm vĩnh viễn hòa mình vào biển đảo quê hương. Cụ Nhỏ luôn căn dặn con cháu giữ gìn và thực hiện nghi lễ này, không bao giờ được quên.
Cụ Hoàng Nhỏ mới qua đời do tuổi già sức yếu. Năm nay, việc giỗ liệt sĩ Hoàng Văn Túy và 63 liệt sĩ Gạc Ma tiếp tục được các con cháu của cụ tiến hành. Con cháu cụ vẫn làm cơm giỗ chung 64 liệt sĩ. Mâm cúng đặc biệt khi trên bàn có đúng 64 cái bát và 64 đôi đũa. Khi đặt đủ bát đũa, mọi người lần lượt bưng thức ăn lên bàn để thắp hương.
Theo bà Hoàng Thị Loàn, sự hy sinh của em trai Hoàng Văn Túy cùng 63 liệt sĩ là nỗi đau, sự mất mát rất lớn. Nhưng sự hy sinh này cũng là niềm tự hào về truyền thống cách mạng của gia đình, nhắc nhớ con cháu sống sao cho xứng đáng với các thế hệ đi trước.
Năm 1988, hơn 300 cán bộ, chiến sĩ Quảng Bình lên đường làm nhiệm vụ ở quần đảo Trường Sa, trong đó, 13 người hy sinh trong trận hải chiến Gạc Ma. Cả 13 gia đình đều có mâm giỗ vọng 64 liệt sĩ. Chính quyền địa phương luôn thăm hỏi động viên, tri ân các gia đình có công trong những ngày này.