Ký ức ngọt ngào về ca ghép tim đầu tiên của Việt Nam

Trong lịch sử của kỹ thuật ghép tạng tại Việt Nam, ca ghép tim ngày 17/6/2010 sẽ được coi như một mốc son, đánh dấu một bước phát triển vượt bậc của y học nước nhà.

Hơn 8 tháng đã trôi qua sau khi ca ghép tim đầu tiên của Việt Nam cho bệnh nhân Bùi Văn Nam (48 tuổi, ở xã Trực Thái, huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Định) diễn ra thành công tốt đẹp. Anh Nam đã bình phục hoàn toàn và hòa nhập với cộng đồng. Nhân ngày Thầy thuốc Việt Nam - 27/2, PLVN có cuộc gặp PGS.TS. Thiếu tướng Hoàng Mạnh An - Giám đốc Bệnh viện Quân y 103, người trực tiếp tham gia ê-kíp phẫu thuật và có đóng góp rất lớn cho sự thành công của ca mổ kể về kỉ niệm ngọt ngào này.

PGS.TS. Thiếu tướng Hoàng Mạnh An
PGS.TS. Thiếu tướng Hoàng Mạnh An

Từ ước mơ của cố GS.Tôn Thất Tùng...

Theo PGS.TS. Hoàng Mạnh An, đề tài nghiên cứu cấp Nhà nước “Ghép tim trên cơ thể người” mà Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Y tế và Bộ Quốc phòng đã giao cho Bệnh viện 103 - Học viện Quân y từ ngày 7/7/2009 như là một tiền đề, một “bệ phóng” vững chắc cho việc ghép tim. Đây là một đề tài cụ thể hóa ước mơ của biết bao nhà khoa học, trong đó không thể không kể đến cố GS.TS. Tôn Thất Tùng, cha đẻ của chuyên ngành tim học Việt Nam và mang theo biết bao hy vọng sống, được làm người bình thường của các bệnh nhân tim.

Đề tài yêu cầu việc ghép tim phải được thực hiện ít nhất trên hai bệnh nhân và thời gian thực hiện bắt đầu từ cuối năm 2010. Thế nhưng việc ghép tim đã được thực hiện sớm hơn so với dự định khoảng nửa năm, do nội tạng được hiến xuất hiện sớm hơn dự kiến (khi có tạng, phải thực hiện ngay nếu không cơ hội qua đi thì việc ghép tạng sẽ cực kỳ khó khăn bởi vì người chết não chỉ lưu giữ được 24-48 giờ).

Trả lời câu hỏi hỏi: “Việc ghép tim diễn ra trong hoàn cảnh đột xuất và gấp gáp như vậy, có làm cho quá trình phẫu thuật thiếu chủ động và gặp khó khăn?”, PGS.TS. An chia sẻ: “Thực ra, chúng tôi chỉ bất ngờ về yếu tố thời gian, còn đội ngũ bác sĩ thực hiện ghép tim, cơ sở hạ tầng để thực hiện ca ghép đó như trang thiết bị, phòng phẫu thuật... đã được chuẩn bị từ trước đó rất lâu, trước cả khi đề tài “Ghép tim trên cơ thể người” được giao cho Bệnh viện 103 thực hiện. Vì với vai trò là “cái nôi” ghép tạng (Học viện Quân y cũng là cơ sở thực hiện ca ghép thận và ghép gan đầu tiên ở Việt Nam vào các năm 1992 và 2004) nên khi nhận thấy nhu cầu ghép tim trong nước tăng, chúng tôi đã chuẩn bị cả về nhân lực lẫn cơ sở vật chất để quyết tâm đi tiên phong trong lĩnh vực ghép tim tại Việt Nam”.

Sự chuẩn bị về nhân lực thể hiện ở chỗ các bác sĩ Bệnh viện 103 đã chọn con đường giao lưu, trao đổi kinh nghiệm với các quốc gia có nền y học phát triển như Trung Quốc , Singapore , Nhật Bản... với mục tiêu đặt ra cho đội ngũ bác sĩ phẫu thuật được cử đi học hỏi là phải nỗ lực để được tham gia vào ê-kíp thực hiện các ca phẫu thuật liên quan đến tim để từ đó có thể tổng hợp, chọn lọc những gì tinh túy nhất từ các phương pháp phẫu thuật nhằm áp dụng thích hợp cho các bệnh nhân ở trong nước.

Từ chủ trương ấy, 20 bác sĩ trong đội ngũ phẫu thuật tim của Bệnh viện 103 đã khăn gói lên đường xuất ngoại trong điều kiện “thắt lưng buộc bụng”, giản tiện tối đa sinh hoạt cá nhân nhằm dành dụm chi phí cho việc học tập và mua sách vở.

Gian nan tìm tạng, tìm người dũng cảm

Có được phương pháp phẫu thuật tim rồi thì tiến hành thử nghiệm trên  người lại là khó khăn tiếp theo của các bác sĩ Bệnh viện 103. Đây cũng chính là khó khăn lớn nhất trong quá trình ghép tạng. Biết tìm ở đâu trong khi ở Việt Nam , nguồn tạng này vô cùng hiếm vì nước ta chưa có một tổ chức đứng ra quản lý và điều hành chuyên nghiệp lĩnh vực này?

Vậy là trong khi chờ đợi có tạng để ghép, các bác sĩ đã phải thực hành trên ba con lợn, là động vật có tim cấu tạo gần giống với người nhất. Và ở cả ba con lợn, các ca ghép tim đều thành công. Tuy nhiên, từ ghép tim cho lợn đến ghép tim trên người vẫn là một khoảng cách rất xa. Bởi vậy, tìm kiếm được quả tim để ghép vẫn là mục tiêu số một của các bác sĩ Bệnh viện 103.

Tìm người hiến tạng đã khó, tìm người “tiên phong” thử nghiệm ghép tim cũng khó khăn chẳng kém bởi bệnh nhân dễ mang tư tưởng thà “sống đui, sống cụt” được ngày nào hay ngày ấy còn hơn là mang mạng sống của mình ra “đánh cược” với số phận. Chả thế mà từ danh sách ban đầu từ 70 người cần ghép tim, sau khi xin rút số bệnh nhân này chỉ còn 20, rồi “gút” lại 10 bệnh nhân xung phong thử nghiệm.

Tuy nhiên, trong số 10 bệnh nhân đó chỉ cần một người xung phong ghép tim thử nghiệm. Thế mà phải vận động, động viên mãi thậm chí ưu tiên điều trị miễn phí 100% trong suốt quá trình điều trị rồi cả thời gian “hậu” ghép tim sau này, một bệnh nhân 17 tuổi  mới đồng ý thử nghiệm.

Vậy mà đến giờ chót chuẩn bị ghép tim, bệnh nhân này cùng bố mẹ lại thay đổi quyết định khiến cho cả tập thể bác sĩ Bệnh viện 103 phải đau lòng, dứt ruột chứng kiến một quả tim của người hiến tạng phải... bỏ đi! Trong khi, để có nó không biết các bác sĩ đã phải khó khăn biết nhường nào.

Hạnh phúc vỡ òa

Đến bệnh nhân Bùi Văn Nam sau này, PGS.TS.Hoàng Mạnh An cho biết: “Sau nhiều lần nghe vận động, bệnh nhân Bùi Văn Nam đã chấp thuận là người thử nghiệm ghép tim đầu tiên. Anh ấy là một người quả cảm, sẵn sàng hy sinh cho nền y học Việt Nam ”.

Trong cả quá trình chuẩn bị từ nhân lực tới tạng ghép, bệnh nhân thử nghiệm... hầu như ở khâu nào, các bác sĩ Bệnh viện 103 cũng đều gặp khó khăn, trắc trở. Vậy mà, PGS.TS.Hoàng Mạnh An tâm sự: “Chưa bao giờ những khó khăn ấy làm chúng tôi chán nản, chùn bước, ngược lại nó chỉ khiến tập thể y, bác sĩ chúng tôi quyết tâm hơn, chuẩn bị kỹ lưỡng hơn để ca ghép tim đầu tiên phải thành công tốt đẹp”. Và quả là ca ghép tim đã diễn ra tốt đẹp hơn cả mong đợi, đền bù xứng đáng những nhọc nhằn, hao tâm tổn sức mà các bác sĩ đã phải trải qua.

7h ngày 17/6/2010, khi bác sĩ vào buồng bệnh nhân thông báo anh Nam chuẩn bị lên phòng mổ để ghép tim vì đã có người hiến tim, như được truyền sức mạnh, anh đứng dậy và đi lại được để chuẩn bị cho ca mổ lịch sử của ngành y Việt Nam, cũng là “canh bạc” của anh với số phận. PGS.TS Hoàng Mạnh An nhớ lại khoảnh khắc bệnh nhân Nam bước vào phòng mổ cùng câu nói “Tôi hoàn toàn tin cậy vào các bác sĩ” đã khiến ông và các đồng nghiệp cảm động, thêm vững tin vào sự thành công của ca ghép.

Đúng 9h cùng ngày, ca ghép tim bắt đầu diễn ra với hai phòng phẫu thuật bố trí cạnh nhau. Một phòng để lấy tim ghép. Phòng còn lại dùng để ghép tim. Hai kíp bác sĩ phẫu thuật mỗi kíp 10 người cùng tiến hành song song việc cho và nhận để quá trình ghép tim diễn ra nhịp nhàng, ăn ý mà không xảy ra bất kể sai sót nào. Tất cả đã được căn chuẩn đến từng phút về mặt thời gian như 40 phút lấy tim và ghép tim, rửa tim trong dung dịch và làm lạnh ở nhiệt độ 40C trong vòng 15 phút. Ngoài ra gây mê, hồi sức mỗi khâu mất khoảng 15 phút...

... Khi được lấy ra khỏi cơ thể, quả tim bệnh tật của anh Nam đã biến dạng, giãn to bởi nó phải co bóp quá sức. Thực hiện xong những công đoạn cuối của việc ghép tim, vào thời khắc 11 giờ 47 phút, khi màn hình trên máy theo dõi hiện lên những đợt sóng báo hiệu trái tim đã đập những nhịp đập đầu tiên trong cơ thể mới, cả phòng phẫu thuật như vỡ òa trong tiếng reo vui, trong niềm hạnh phúc trào dâng tột cùng của những người tham gia ca ghép. PGS.TS An không quên dặn dò vợ bệnh nhân Nam : “Ấy, trong vòng 6 tháng thì chuyện vợ chồng phải “tịnh””. Lúc nghe bác sĩ nói thế, mặt vợ anh Nam bỗng đỏ lựng. Chị thỏ thẻ: “Còn người là may lắm rồi, không mong “gì” nữa đâu bác sĩ ơi!”.

Và kể từ khi bắt đầu đến khi kết thúc, ca ghép tim đã diễn ra đúng 1 giờ 50 phút, với sự hỗ trợ, tư vấn của các chuyên gia tim mạch đến từ Đài Loan và bác sĩ của năm bệnh viện lớn như Việt Đức, Tim Quốc gia, Tim Hà Nội, Bệnh viện T.Ư Quân đội 108, Bệnh viện Nhi T.Ư. PGS.TS Hoàng Mạnh An tâm sự: “Lúc ca phẫu thuật diễn ra, tôi hồi hộp, lo lắng đến nỗi mặc dù đứng theo dõi trong phòng điều hòa nhưng mồ hôi của tôi cứ túa ra như thể tôi mới là người đứng giữa ranh giới sự sống và cái chết vậy chứ không phải bệnh nhân”.

Trả lời cho câu hỏi: “Đối với những bệnh nhân ghép tim, tuổi thọ của họ có thể kéo dài thêm bao lâu”. PGS.TS Hoàng Mạnh An vui vẻ chia sẻ: “Hoàn toàn có thể yên tâm về vấn đề này. Vì theo con số thống kê của các chuyên gia thì sau khi ghép tim, 98% bệnh nhân trở về cuộc sống của người bình thường, có thể kéo dài tuổi thọ từ 32-45 năm như nhiều bệnh nhân ở các nước Tây Ban Nha, Trung Quốc...” PGS.TS. Hoàng Mạnh An cũng khuyến cáo thêm: “Đối với bệnh nhân tim, tiến hành ghép tim khi tuổi càng trẻ thì sự thích ứng với quả tim mới càng tốt và “tốc độ” bình phục càng nhanh...”.

Có thể nói, đây là ca ghép tim hiếm hoi được thực hiện ở một quốc gia châu Á, nhất lại là quốc gia còn trong điều kiện khó khăn, thiếu thốn về cơ sở vật chất như ở nước ta. Bởi vậy, trong lịch sử của kỹ thuật ghép tạng tại Việt Nam , ca ghép tim ngày 17/6/2010 sẽ được coi như một mốc son, đánh dấu một bước phát triển vượt bậc của y học nước nhà.

Thu Hồng

Đọc thêm