Kỳ vọng giảm phát thải của Việt Nam từ thị trường carbon trong tương lai

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Hội nghị về biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc (COP26) là cơ hội Việt Nam thể hiện sự ủng hộ mạnh mẽ với các sáng kiến toàn cầu trước với biến đổi khí hậu (BĐKH). Mặc dù nước ta còn nhiều hạn chế về nguồn lực, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định, Việt Nam có thể vượt qua sự phụ thuộc vào nhiên liệu hoá thạch, để đưa lượng phát thải CO 2 về 0 vào năm 2050.

Trong tháng 12 tới đây, nhà máy nhiệt điện Vũng Áng II, công suất 1.230 MW sẽ được khởi công xây dựng tại tỉnh Hà Tĩnh. Theo ông Hoàng Trọng Bình, Phó Tổng giám đốc điều hành Công ty TNHH Nhiệt điện Vũng Áng II (VAPCO), dự kiến nhà máy bắt đầu đi vào hoạt động vào quý 3 năm 2025. Các cổ đông chính của dự án này bao gồm tập đoàn Tập đoàn Mitsubishi và Tập đoàn Điện lực Hàn Quốc (KEPCO).

Điều khiến các chuyên gia lo lắng với dự án trị giá 2,2 tỷ USD này là trong bối cảnh Việt Nam đang thể hiện ủng hộ mạnh mẽ về việc cắt giảm khí nhà kính (KNK), giảm thiểu sự lệ thuộc vào nhiên liệu hoá thạch – tác nhân lớn gây ô nhiễm môi trường và gây ra BĐKH.

Dự án nhà máy nhiệt điện Vũng Áng II sẽ được thi công vào tháng 12 tới đây

Dự án nhà máy nhiệt điện Vũng Áng II sẽ được thi công vào tháng 12 tới đây

Trong khi đó, với chuyến tham dự Hội nghị COP26 lần này, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã khẳng định cam kết mạnh mẽ của Việt Nam trong bối cảnh cả thế giới chung tay ứng phó với thách thức hết sức cấp bách là vấn đề BĐKH.

Điển hình, trong cuộc gặp gỡ cộng đồng người Việt Nam tại Anh, Thủ tướng nêu rõ, với vai trò thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, Việt Nam phải có cam kết mạnh mẽ với chủ đề của Hội nghị COP26, ủng hộ các sáng kiến toàn cầu về ứng phó với biến đổi khí hậu, cho dù đất nước còn nhiều khó khăn.

Thủ tướng cũng giải thích Việt Nam từng trải qua chiến tranh, quá trình phát triển đất nước thiếu công nghệ năng lượng. Do vậy, câu hỏi quan trọng đặt ra là: “Nếu không xây dựng điện than thì làm sao phát triển, thủy điện cũng chỉ khai thác có hạn?”

Về một số thách thức, vòng đời của một nhà máy từ 10-20 năm, khi chuyển đổi sang nguồn năng lượng mới sẽ phải có lộ trình giải quyết hợp đồng với nhà đầu tư và với người lao động tham gia khai thác than. Số lao động ngành than hiện lên tới hơn 100.000 người. Những đối tượng này đều có thể bị ảnh hưởng bởi các chính sách khí hậu mới.

"Nhưng không vì khó khăn mà Việt Nam không đưa ra cam kết với quốc tế, không đưa ra lộ trình hướng tới năm 2050 đưa lượng phát thải về 0”, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh.

Năm 2020, trong bản cam kết mới nhất của mình, hay Đóng góp quốc gia tự quyết định (NDC), Việt Nam đã cam kết cho đến năm 2030 sẽ giảm 9% lượng phát thải KNK bằng nội lực và 27% nếu có sự hỗ trợ của nước ngoài.

Còn theo Thỏa thuận Paris, kể từ năm 2021, Việt Nam có nghĩa vụ bắt buộc phải bắt đầu thực hiện việc cắt giảm KNK. Để thực hiện nghĩa vụ này, các cơ quan chức năng phải xác định rõ các nguồn phát thải, mức phát thải hàng năm của mỗi nguồn để có biện pháp quản lý phù hợp.

Thực tế cho thấy, chính phủ Việt Nam đã rất chủ động trong việc thực hiện nghĩa vụ ứng phó với BĐKH của mình. Đáng chú ý là động thái Chính phủ ban hành Kế hoạch hành động quốc gia (NAP) về thích ứng biến đổi khí hậu trên toàn quốc trong giai đoạn 2021 – 2030.

Bên cạnh đó là việc ban hành các quy định trong luật, nghị định và các văn bản hướng dẫn cụ thể để tạo cơ chế xây dựng thị trường carbon – một công cụ hữu hiệu giúp giảm thải KNK và bảo vệ tầng ôzôn. Cụ thể, trong Luật Bảo vệ Môi trường 2020 đã quy định về việc tổ chức và phát triển thị trường carbon, bao gồm việc trao đổi hạn ngạch KNK và tín chỉ carbon trên thị trường trong nước và quốc tế. Các quy định này sẽ có hiệu lực từ ngày 1/1/2022.

Còn gần đây nhất, Bộ Tài nguyên & Môi trường cũng đang lấy ý kiến xây dựng Dự thảo Nghị định quy định về giảm nhẹ phát thải KNK và bảo vệ tầng ô-dôn thuộc Luật Bảo vệ môi trường, trong đó có quy định về lộ trình phát triển thị trường carbon trong nước.

Cụ thể, từ nay đến năm 2025 sẽ là giai đoạn chuẩn bị, thực hiện các hoạt động như nghiên cứu quy chế xây dựng thị trường carbon và hoàn thiện chính sách.

Dự kiến sau năm 2025 sẽ vận hành thí điểm thị trường carbon trong nước và ban hành các quy định về giao dịch phát thải, trách nhiệm tài chính của các bên tham gia. Từ năm 2028 sẽ chính thức vận hành thị trường.

Chính sách này được kỳ vọng sẽ tăng cường cam kết của Việt Nam trong cam kết giảm thiểu KNK trong thời gian tới đây. Từ đó, tạo điều kiện cho ngành năng lượng nước nhà khai thác tiềm năng từ năng lượng tái tạo, dần chuyển dịch sang các mô hình phát triển kinh tế carbon thấp trong kỷ nguyên phục hồi sau Covid-19.

Năng lượng điện gió được đánh giá là một trong những xu hướng chuyển dịch năng lượng tái tạo quan trọng tại Việt Nam.

Năng lượng điện gió được đánh giá là một trong những xu hướng chuyển dịch năng lượng tái tạo quan trọng tại Việt Nam.

Đại sứ Vương quốc Anh tại Việt Nam - ông Gareth Ward từng nhận định: " Ở Việt Nam, 70% khí phát thải đến từ công nghiệp năng lượng, trong đó hầu hết là từ việc sản xuất điện. Vì vậy, nếu Việt Nam có thể đẩy nhanh quá trình chuyển đổi từ than sang điện gió, điện mặt trời thì hoàn toàn có thể nâng mục tiêu của mình lên đáng kể, đóng góp nhiều hơn cho những nỗ lực chung của toàn cầu".

Không chỉ thế, việc áp dụng các phương pháp định giá carbon có thể giúp Việt Nam cải thiện hình ảnh quốc gia và củng cố vị thế của mình trên các sàn thương mại tự do thế giới, trong đó có Liên minh châu Âu (EU).

Nếu như trước đây, những công ty sản xuất và xuất khẩu thuộc các lĩnh vực thực phẩm và đồ uống, dệt may… có thể gặp rào cản bước vào thị trường EU bởi chính sách thuế carbon đối với sản phẩm nhập khẩu. Thì nay, khi cơ chế thị trường carbon nội địa đi vào vận hành, các công ty sẽ có động lực chuyển dịch sự phát triển theo hướng carbon thấp, phù hợp với các tiêu chuẩn của thị trường EU.

Dù vậy, một trong những thách thức lớn nhất hiện nay là rất ít doanh nghiệp Việt Nam nhận thức được tầm quan trọng của việc định giá carbon. Trả lời báo chí, bà Đặng Hồng Hạnh, đồng sáng lập kiêm Giám đốc điều hành của Công ty Cổ phần Tư vấn năng lượng và môi trường (VNEEC) nhận định: “Trong khi chỉ một số doanh nghiệp là đối tác của các thương hiệu quốc tế bắt đầu áp dụng các giải pháp giảm phát thải KNK, một bộ phận lớn các doanh nghiệp đều thiếu tính chủ động”.

Bà cũng bày tỏ sự lo lắng rằng, không chỉ sự quan tâm của doanh nghiệp đối với việc giảm phát thải KNK còn hạn chế, mà cả những cam kết của Việt Nam về vấn đề này có lẽ cũng chưa đủ tham vọng. Hay nói cách khác, Việt Nam sẽ còn gặp phải rất nhiều thách thức trong việc tổ chức và áp dụng cơ chế thị trường carbon nội địa để đạt được các mục tiêu về giảm mức phát thải khí CO2 trong thập kỷ tới đây.