Tiền di động “mobile money” là gì?
Mobile money là xu thế tất yếu toàn cầu. Những năm gần đây ở Việt Nam, nhu cầu thanh toán điện tử đang tăng lên rất cao. Dự báo đến năm 2020, thị trường công nghệ tài chính (fintech) Việt Nam tăng lên mức 7,8 tỷ USD. Các giải pháp thanh toán số đang chiếm tới 89% thị trường fintech tại Việt Nam. Lĩnh vực tài chính cá nhân và doanh nghiệp cũng được dự đoán sẽ tăng trưởng lần lượt 31,2% và 35,9% vào 2025.
Còn nhớ, trong Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3/2019, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) cùng Ngân hàng Nhà nước (NHNN) xây dựng phương án cho doanh nghiệp viễn thông thí điểm Mobile money. Trước đó, Chính phủ đồng ý việc thí điểm sử dụng tài khoản viễn thông để thanh toán các khoản nhỏ lẻ nhằm thúc đẩy nhanh, mạnh hơn thanh toán điện tử.
Trong dự thảo Nghị định quy định về thanh toán không dùng tiền mặt (sửa đổi Nghị định 101/2012/NĐ-CP) được NHNN công bố hồi đầu tháng 11/2019, lần đầu tiên tiền di động được NHNN định danh và là một loại tiền điện tử (e-money).
Theo định nghĩa, tiền điện tử là giá trị tiền tệ lưu trữ trên các phương tiện điện tử được trả trước bởi khách hàng cho ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán để thực hiện giao dịch thanh toán và được đảm bảo giá trị tương ứng tại ngân hàng, bao gồm: thẻ trả trước, ví điện tử, tiền di động.
Ba loại tiền điện tử trên khác nhau ngoài về hình thức còn ở đối tượng phát hành. Tiền di động là tiền điện tử do tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán kinh doanh dịch vụ viễn thông phát hành và định danh khách hàng thông qua cơ sở dữ liệu thuê bao di động.
Ví điện tử là tiền điện tử do tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán (có thể là tổ chức tín dụng hoặc không) phát hành và định danh khách hàng thông qua tài khoản thanh toán của khách hàng mở tại ngân hàng. Còn thẻ trả trước là tiền điện tử do ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phát hành, cho phép chủ thẻ thực hiện giao dịch thẻ trong phạm vi giá trị tiền được nạp vào thẻ.
Nhà mạng VNPT đã có VNPT Pay, sẵn sàng cho Mobile Money. |
Doanh nghiệp viễn thông sẵn sàng “cuộc chơi lớn”
Mobile money là hình thức thanh toán điện tử có tiềm năng vô cùng lớn, là xu hướng triển khai chung của thế giới. Hiện có gần 100 quốc gia trên thế giới đã phát triển nền tảng thanh toán qua điện thoại di động. Số người sử dụng dịch vụ này là 900 triệu người dùng, chiếm khoảng 1/7 dân số thế giới. Tổng giá trị giao dịch mỗi ngày thông qua Mobile money khoảng 1,3 tỷ USD, tốc độ tăng trưởng bình quân 20% mỗi năm.
Tại Việt Nam, tài khoản viễn thông có vùng phủ xấp xỉ rất lớn. Điều này cũng phù hợp cho một quốc gia mà phần trăm dân số có tài khoản ngân hàng còn chiếm tỷ lệ tương đối thấp. Việt Nam hoàn toàn có thể đẩy mạnh hơn nữa việc thanh toán điện tử trên phạm vi cả nước, đặc biệt việc sử dụng tài khoản viễn thông hướng đến các thanh toán các giá trị giao dịch nhỏ.
Đến nay, có ba đơn vị đề xuất cho phép triển khai thí điểm là Viettel, VNPT và MobiFone. Trong đó, Viettel và VNPT đã được cấp giấy phép trung gian thanh toán, còn Mobifone chưa có giấy phép trung gian thanh toán.
Trong một tọa đàm chuyên đề về vấn đề này hồi cuối năm 2019, đại diện Viettel khẳng định, đơn vị này sẵn sàng thí điểm Mobile money. Viettel có thế mạnh mạng lưới rộng khắp tại 63 tỉnh thành trên toàn quốc, với 60 triệu thuê bao di động trong nước, hơn 2.600 cửa hàng, bưu cục, siêu thị, hơn 270.000 đại lý/điểm bán và hơn 30.000 nhân viên phủ xuống đến xã, phường cung cấp các dịch vụ cho khách hàng trên toàn quốc.
Viettel còn có lợi thế về kinh nghiệm bảy năm triển khai dịch vụ tài chính điện tử, có sẵn hệ thống điểm chấp nhận thanh toán, có sẵn và làm chủ mạng lưới kênh phân phối với hơn 200.000 điểm giao dịch trên toàn quốc. “Mobile Money góp phần thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt và đáp ứng tốt hơn nhu cầu ngày càng cao của khách hàng, đặc biệt phù hợp với nhóm dân cư khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa vốn ít có điều kiện tiếp cận với các dịch vụ ngân hàng truyền thống”, đại diện Viettel nói.
Còn đại diện MobiFone cho rằng, thanh toán qua di động sẽ là một cú hích cho sự phát triển thanh toán điện tử tại Việt Nam. Với tình hình triển khai dịch vụ tài chính số hiện nay thì Mobile money là một giải pháp mới để hỗ trợ chuyển đổi số và là một trong những cấu phần quan trọng của cách mạng công nghiệp 4.0 và nhà mạng sẽ chứng minh được vai trò quan trọng của mình khi triển khai dịch vụ Mobile money.
Lãnh đạo VNPT cũng khẳng định đơn vị này đã sẵn sàng triển khai dịch vụ Mobile money. Tập đoàn VNPT, với tiềm lực lớn về khoa học, công nghệ, sở hữu một mạng lưới viễn thông rộng khắp cả nước, là doanh nghiệp có hạ tầng rộng lớn nhất trong các doanh nghiệp khai thác viễn thông với tệp khách hàng lớn đang sử dụng mạng viễn thông di động, có tiềm năng về kinh tế, có các kênh bán hàng khổng lồ, hoàn toàn đủ khả năng phát triển mạng lưới thanh toán điện tử phi tiền mặt tầm cỡ, góp phần hiện thực hóa tham vọng xây dựng một xã hội không tiền mặt của Chính phủ.
Được thông qua thí điểm tham gia thanh toán điện tử các khoản nhỏ lẻ bằng tài khoản viễn thông là cơ hội rất lớn cho các nhà mạng phát triển đột phá, giúp nhà mạng khai thác thêm thế mạnh về mạng lưới giao dịch, nền tảng công nghệ. Đây là cơ hội lớn để các doanh nghiệp viễn thông bước chân vào lĩnh vực tài chính giàu tiềm năng.
Mobile money sẽ dễ dàng đến được những người nghèo ở nông thôn, người dân ở vùng sâu vùng xa. |
Mobile money có thể triển khai ngay trong 2020
Phát biểu tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ ngành ngân hàng năm 2020 vừa diễn ra, Bộ trưởng TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng tiếp tục tỏ ra sốt ruột vì Mobile Money chậm được cấp phép thử nghiệm. “Nếu năm 2020 Việt Nam cấp phép cho Mobile money thì chúng ta là nước thứ 100 chấp nhận nền tảng thanh toán này mà không phải là nhóm nước đầu tiên. Chúng ta nói nhiều đến startup, đổi mới sáng tạo, nhưng lại quên nhắc tới nền tảng thanh toán. Trong khi đó, ở Việt Nam, không có nền tảng thanh toán đến được 100% người dân tốt hơn Mobile money”, ông Hùng nói.
Theo lãnh đạo Bộ TT&TT, ở Việt Nam, tỷ lệ người dùng thẻ tín dụng chưa cao, nhưng mật độ thuê bao di động lại rất cao. Ở Việt Nam, trên 90% các giao dịch dưới 100.000 đồng là bằng tiền mặt. Mobile money sẽ là giải pháp mạnh mẽ để thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt. Vấn đề quan trọng là phải dám thay đổi, chấp nhận mô hình mới.
Mobile money sẽ dễ dàng đến được những người nghèo ở nông thôn, người dân ở vùng sâu, vùng xa, giúp người dân dễ dàng tiếp cận với các dịch vụ và trả phí mang tính đổi đời trên nền tảng internet, như y tế, giáo dục, tài chính… Ngoài ra, Mobile money sẽ làm xuất hiện rất nhiều doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực kinh tế số, những công ty khởi nghiệp công nghệ. “Chúng ta kỳ vọng, Mobile money sẽ góp phần làm bùng nổ các start-up ở Việt Nam”, Bộ trưởng Hùng nói.
Người đứng đầu Bộ TT&TT cũng cho rằng, các ngân hàng không cần quá lo ngại về Mobile money. Tại Kenya, sau ba năm triển khai Mobile money, tỷ lệ sử dụng ngân hàng tăng 19% nhờ vào sự phát triển của các dịch vụ Mobile money. Mobile money với giá trị giao dịch nhỏ sẽ đào tạo người dân trở thành khách hàng của ngân hàng. Dĩ nhiên, Mobile money có những rủi ro đi kèm, song lợi ích mang lại lớn hơn rất nhiều.
Theo Bộ trưởng Hùng, ngân hàng là ngành biến đổi sâu sắc nhất bởi công nghệ 4.0 và cũng là nền tảng thúc đẩy kinh tế số. Ngân hàng là ngành mang tính toàn cầu cao, không thể đi sau và cũng là ngành có tiềm lực tài chính, nhân lực công nghệ tốt để đi đầu về chuyển đổi số. “Và do vậy, ngành ngân hàng nên nhận thêm về phía mình một sứ mạng mới, sứ mạng đi đầu trong chuyển đổi số, góp phần đưa Việt Nam trở thành một quốc gia số”, ông Hùng khuyến nghị.
Liên quan đến vấn đề này, Thống đốc Lê Minh Hưng cho biết, NHNN cùng Bộ TT&TT đã cơ bản thống nhất về Đề án thử nghiệm Mobile money. Tuy nhiên, đây là mô hình mới, thực hiện thí điểm nên cần có ý kiến của Bộ Tư pháp mới được triển khai chính thức. “Hiện chúng tôi cũng đang đợi Bộ Tư pháp cho phép để có thể triển khai Mobile Money trong năm 2020”, ông Hưng nói.
Được biết, ngay trong những ngày đầu năm 2020, Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng đã ban hành Chỉ thị số 01/CT-NHNN về tổ chức thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm của ngành Ngân hàng trong năm 2020, trong đó yêu cầu đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt.