Đề xuất giảm, gia hạn nhiều loại thuế
Bộ Tài chính mới có Công văn số 5949 gửi các Bộ, cơ quan Trung ương và UBND các tỉnh, thành phố về việc lấy ý kiến hồ sơ dự án Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN). Trong đó, đáng chú ý, tại khoản 2 Điều 10 dự thảo Luật, Bộ Tài chính đề xuất giảm mức thuế suất thuế TNDN đối với DN thuộc nhóm DN nhỏ và siêu nhỏ.
Theo đó, Bộ đề xuất mức thuế suất 15% áp dụng đối với DN có tổng doanh thu năm không quá 3 tỷ đồng; mức thuế suất 17% áp dụng đối với DN có tổng doanh thu năm từ trên 3 tỷ đồng đến không quá 50 tỷ đồng. Doanh thu làm căn cứ xác định DN thuộc đối tượng được áp dụng thuế suất 17% và 15% tại khoản này là tổng doanh thu của năm trước liền kề. Trường hợp DN mới thành lập, giao Chính phủ quy định cụ thể tổng doanh thu làm căn cứ áp dụng.
Trong tổng số khoảng 900.000 DN hoạt động, số DN nhỏ và siêu nhỏ chiếm gần 94%. Đây là đối tượng cần phải có các chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển và nuôi dưỡng nguồn thu lâu dài cho ngân sách nhà nước. Do đó, Bộ Tài chính cho rằng, việc bổ sung quy định này góp phần tạo điều kiện cho các DN nhỏ, siêu nhỏ tích tụ vốn để phát triển sản xuất, kinh doanh, nâng cao khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp. Đây cũng là tiền đề giúp các DN nhỏ, siêu nhỏ phát triển thành DN có quy mô lớn hơn.
Ngoài ra, Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 64/2024/NĐ-CP gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất trong năm 2024, ước tính gần 84.000 tỷ đồng. Theo đó, gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng (GTGT), thuế TNDN và tiền thuê đất trong năm 2024. Theo đó, đối với thuế GTGT, Nghị định nêu rõ, gia hạn thời hạn nộp thuế đối với số thuế GTGT phát sinh phải nộp của kỳ tính thuế từ tháng 5 đến tháng 9/2024 và kỳ tính thuế quý II, quý III/2024 của các DN, tổ chức thuộc đối tượng được gia hạn tại Nghị định này.
Chưa kể, chính sách giảm thuế VAT 2% trong 6 tháng cuối năm 2024 cũng đã tiếp tục được đưa ra lấy ý kiến để Quốc hội thông qua vào cuối Kỳ họp thứ 7 này cũng sẽ được coi là thêm một trợ lực cho DN trong giai đoạn hiện nay.
Có thêm dòng tiền để kinh doanh
Theo đại diện Bộ Tài chính, thực hiện giảm một số loại sắc thuế sẽ khiến số thu ngân sách giảm đáng kể, nhưng có tác động tích cực và hiệu quả trong việc hỗ trợ DN, hộ kinh doanh hồi phục sản xuất kinh doanh, qua đó thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Trong đó, đánh giá về đề xuất giảm thuế TNDN cho DN nhỏ và siêu nhỏ, chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh cho rằng, việc thực hiện giảm thuế TNDN đã được thực hiện theo đúng lộ trình trong nhiều giai đoạn vừa qua, đã có được hiệu quả nhất định. Do đó, đề xuất giảm tiếp thuế TNDN cho DN siêu nhỏ sẽ có rất nhiều tác động tích cực như giúp DN nhỏ, siêu nhỏ và vừa tăng thêm thu nhập, tăng tích lũy, giúp các nhà đầu tư tích cực đầu tư thành lập DN sản xuất, kinh doanh... Đồng thời, đề xuất này còn giúp DN chủ động hơn trong các quyết định sản xuất, kinh doanh giúp doanh nghiệp nâng cao trình độ, tăng năng suất lao động, cải tiến quản lý…
Đại diện Tập đoàn Dệt May Việt Nam chia sẻ, việc được gia hạn thời gian nộp một số loại thuế, phí giống như một động thái giúp DN có thêm dòng tiền. Bởi thay vì phải lo nộp các loại thuế, phí đúng thời hạn, DN sẽ không phải lo số chi phí này, do đó, sẽ coi như có thêm tiền vốn trong 6 tháng cuối năm. Đây giống như một khoản vay ngắn hạn mà không phải trả lãi, chúng tôi có thể dùng số tiền này để mua nguyên vật liệu phục vụ sản xuất trong khi có thể gặp khó khăn khi xoay xở các dòng tiền.
Phó Tổng Thư ký Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Đậu Anh Tuấn nhận định, đây là chính sách có thể đến ngay được DN, không phải qua bộ máy tổ chức thực thi, cũng không cần độ trễ về thời gian nên hiệu ứng của chính sách này rất lớn và điều này sẽ giúp DN có thêm động lực để sản xuất kinh doanh trong các tháng cuối năm, tạo tiền đề cho hoạt động của năm 2025.
Theo bà Nguyễn Ngọc Thủy - Giám đốc Văn phòng Ban IV (Ban Nghiên cứu Phát triển kinh tế tư nhân), DN Việt Nam luôn cần sự hỗ trợ từ Chính phủ, các Bộ, ngành. Đặc biệt là chính sách để tháo gỡ các khó khăn cho DN, cho dự án đang bị tắc nghẽn, tồn đọng. Tuy nhiên, bà Thủy cho rằng, các chính sách hỗ trợ này cần có thời gian đủ dài nhất định, để DN yên tâm và có kế hoạch dài hơi hơn thay vì cứ 6 tháng lại cần phải nghe ngóng các chính sách tiếp theo.