Lạ lùng mỹ nữ cả vùng khoét mũi, xăm mặt để làm xấu bản thân

(PLO) - Ở phía Đông Bắc Ấn Độ, nằm sâu dưới chân núi Himalaya hùng vĩ có một bộ tộc kỳ lạ, phụ nữ đến tuổi trưởng thành phải đục hai lỗ ở cánh mũi rồi nhét đồng xu để khiến bản thân trở nên “xấu xí”. 
Những người phụ nữ tự “làm xấu” mình ở bộ tộc Apatani.
Những người phụ nữ tự “làm xấu” mình ở bộ tộc Apatani.

Bộ tộc nhiều mỹ nhân

Với khoảng 26.000 người, bộ tộc Apatani hay còn gọi là người Tina chủ yếu sinh sống ở thung lũng Ziro thuộc quận Subansiri, bang Arunachal Pradesh, Ấn Độ. Một số khác cũng sống rải rác bên ngoài thung lũng. Ngoài ra, toàn bộ miền Nam Tây Tạng hiện đang có 60.000 người Apatani sinh sống.

Lần đầu tiên người bộ lạc Apatani tiếp xúc với người châu Âu là vào năm 1897, lúc đó có hai người Anh đến bộ lạc của họ ở hai ngày. Từ năm 1920-1930 có khoảng 6 người tương tự đến đây với mục đích tìm hiểu về họ. Sau năm 1944, người Anh đã thành lập một chính phủ lâm thời ở đây. Nhưng đến năm 1948, người Ấn Độ chính thức thành lập chính phủ và thống trị nơi đây.

Nằm trong khu vực đất đai màu mỡ của bang Arunachal Pradesh, trồng lúa là một trong những nguồn thu nhập chính. Cá cũng được nuôi thả ngay trên các cánh đồng, tạo điều kiện cho người dân bộ lạc tận hưởng chế độ ăn uống giàu đạm mặc dù họ ở xa nền văn minh.

Những ngôi nhà của người Apatani được làm bằng rơm và tre, sàn nhà thường cao hơn so với nền đất để tránh mùa mưa lũ. Trong mỗi gia đình người Apatani, người đàn ông chịu trách nhiệm làm những công việc nặng nề như cày bừa, xây nhà và là chủ gia đình, người phụ nữ phải làm nhiều công việc hơn như chăm sóc gia đình, gieo hạt, lên rừng hái rau…

Những người phụ nữ tự “làm xấu” mình ở bộ tộc Apatani.
Những người phụ nữ tự “làm xấu” mình ở bộ tộc Apatani. 

Ngôn ngữ của người Apatani thuộc về ngữ hệ Hán Tạng. Bộ tộc này không có thói quen ghi chép văn bản lịch sử, do vậy họ không có chữ viết chính thức. Họ lưu lại lịch sử cho đời sau thông qua câu chuyện truyền miệng hoặc hát những bài hát mà tổ tiên truyền lại.

Nội dung của những bài hát là thần thoại, truyền thuyết và nguồn gốc của bộ lạc. Họ tin vào thầy mo, phù thủy, tôn thờ Mặt Trời và Mặt Trăng. Vào những ngày lễ tết, việc làm thịt trâu, gà, dê sẽ do thầy mo đến làm.

Điểm độc đáo nhất của bộ tộc này chính là những người phụ nữ. Văn hóa làm đẹp của họ phải nói là “độc nhất vô nhị” trên trái đất này. Đó là khi đến tuổi trưởng thành, những cô gái sẽ phải đục hai lỗ ở cánh mũi rồi nhét đồng xu để khiến bản thân trở nên “xấu xí”. 

Hàng trăm năm trước, Apatani là tộc người sản sinh rất nhiều phụ nữ đẹp trong khu vực. Vẻ đẹp quyến rũ ấy đã dấy lên sự thèm khát của những người đàn ông ở các bộ lạc lân cận. Cuộc sống bình yên của tộc người Apatani không còn nữa khi sắc đẹp của các phụ nữ trong bộ tộc làm điên đảo nhiều tù trưởng các tộc khác. Họ liên tục bị chiến binh bộ tộc khác săn lùng, bắt cóc mang về làm vợ. Nỗi đau mất phụ nữ và lòng tự trọng khiến đàn ông Apatani phải lao vào cuộc chiến không có điểm dừng. 

Cuối cùng, chiến tranh liên miên khiến tộc người Apatani mệt mỏi, họ đành phải di tản và rời xa Tây Tạng tìm đến một vùng đất mới ở Ấn Độ. Họ vào rừng chặt tre trúc dựng nhà, ngăn suối bắt cá và lấy nước vỡ ruộng để sản xuất lương thực... Từ đó thung lũng này mới có tên gọi Ziro. 

Nhưng nỗi sợ hãi về những giao tranh vẫn luôn canh cánh trong lòng, để bảo vệ mình những người phụ nữ phải tự hy sinh sắc đẹp bằng cách đục cánh mũi, nhét đồng xu và vẽ hình xăm lên mặt để trở nên xấu xí. Đây cũng là một cách để bộ lạc này duy trì nòi giống, bảo vệ dân tộc. Hình ảnh phái yếu của bộ tộc này trở nên kém hấp dẫn đối với đàn ông bộc tộc khác. 

“Văn hóa” làm đẹp độc đáo

Chiến tranh từ đó không còn, nhưng rồi chính sự xấu xí ấy lại tạo nên một bản sắc riêng biệt không một tộc người nào ở vùng Himalaya có được. Cũng từ đó, “Văn hóa làm đẹp” này trở thành chuẩn mực của cái đẹp được các thế hệ truyền từ đời này sang đời khác.

Các trưởng lão trong tộc thậm chí còn quyết định nhan sắc của phụ nữ phụ thuộc vào kích thước đồng xu gắn trên lỗ mũi, càng to thì cô gái càng được coi là đẹp. Người Apatani từ đó thấy mình “đẹp hơn những bộ tộc khác” vì khoét mũi và xăm mặt. 

Bà Mi Llo Yanya và Mi Hin Yapyang đang cúi gập người dọn cỏ giữa cánh đồng ven sườn đồi quanh làng. Hiện tại hai bà là những phụ nữ được cho là đẹp nhất làng vì cả hai có những chiếc mũi to bè cùng hình xăm kỳ lạ trên mặt. 

Dù chỉ là một văn hóa làm đẹp đơn giản nhưng cách thức thực hiện lại không hề đơn giản chút nào. Nghi thức khoét mũi sẽ được tiến hành khi một cô gái đến tuổi trưởng thành. Và để có được những “nét đẹp” hoàn hảo ấy, những phụ nữ như bà Mi Llo Yanya hay Mi Hin Yapyang đã phải trải qua một quá trình đớn đau về thể xác.

Không nhớ mình năm nay bao nhiêu tuổi, nhưng bà Yanya vẫn khẳng định chắc chắn rằng năm lên 8 tuổi, bà được gia đình tổ chức một nghi thức trang trọng: “khoét mũi”. Một bữa tiệc linh đình với đầy đủ những món ăn truyền thống của người Apatani gồm rượu ủ bằng lúa rẫy, thịt heo hun khói gác bếp, măng rừng nướng và thịt gà nấu bằng ống tre… “Khi ấy tôi chỉ biết đó là nghi thức mà bất kỳ đứa trẻ nào ở tuổi chúng tôi đều phải thực hiện. Chúng tôi đã lớn và biết là cần phải làm vậy” - bà Yanya nói.

Thầy phù thủy xuất hiện trong nghi lễ ấy, ông bắt đầu cúng tế thần linh và đưa cô bé Yanya ra giữa buổi lễ trước khi giao trả cho người mẹ để tự tay khoét mũi con mình. Những bé gái mới lớn dù đau đến đâu vẫn phải chấp nhận để mẹ khoét mũi cho đến khi hoàn tất. 

Cứ mỗi mùa lúa trôi qua, những thiếu nữ vùng Apatani lại được mẹ của mình thay cho một miếng tre lớn hơn vào chỗ bị khoét, khiến chiếc mũi xinh đẹp dần biến dạng. Mãi đến khi miếng tre trên mũi to bằng ngón tay cái thì sẽ được thay thế bằng miếng gỗ mây hoặc đồng tiền xu và tồn tại cho đến cuối đời.

Kích thước của chiếc “khuyên mũi” sẽ được tăng lên theo thời gian, vẻ đẹp của người phụ nữ cũng được quyết định qua đường kính của chiếc khuyên này. Với những chiếc khuyên càng to, người phụ nữ sẽ càng có giá và trở thành đối tượng săn đón của các chàng trai trong gia đình giàu có.

Nhưng thiếu nữ Apatani không chỉ bị khoét mũi, họ còn phải tiếp tục trải qua thời khắc đau đớn khác là xăm mặt với 4-5 đường xăm dài từ trán xuống tận cằm. Thuốc xăm được làm bằng cây rừng, mỡ lợn, bồ hóng và dụng cụ xăm là một cây kim sắt được thợ rèn trong làng luyện nên. 

Bà Michi Otung có chiếc mũi to bè đang ngồi bên người cháu gái tên Michi Rinyi. Mới 14 tuổi nhưng Michi Rinyi đã như một thiếu nữ trưởng thành bởi cô bé đang sở hữu một chiếc mũi đẹp cùng hàm răng trắng xóa khiến khuôn mặt của Rinyi khi nào cũng như đang cười.

Để làm duyên cho cháu gái của mình, bà Otung tự tay ra vườn hái một chùm hoa lê rồi cài lên mái tóc duyên dáng của cô bé. “Bọn trẻ giờ xinh đẹp lắm. Chúng không còn mang khuôn mặt bị khoét mũi như chúng tôi nữa”.

Theo lời bà Otung, từ năm 1975 khi sự hội nhập bắt đầu len lỏi vào thung lũng Ziro, những con đường lớn được mở ra, kéo cộng đồng người Apatani về gần với cuộc sống văn minh ở các đô thị lớn của Ấn Độ.

“Những người thành phố gọi chúng tôi là người rừng già và chúng tôi trở thành trò cười của họ với cái nhìn dè bỉu. Chính điều này đã khiến các tù trưởng Apatani quyết định không tiếp tục khoét mũi, xăm mặt cho con cái trong làng mình nữa. Đó là một quyết định táo bạo đầy khó khăn nhưng vô cùng đúng đắn”, bà Otung nói. 

Tập tục này từ đó dần dần bị loại trừ sau khi vấp phải sự phản ứng gay gắt của dư luận. Bên cạnh đó, các nhà khoa học cũng đưa ra những khuyến cáo liên quan đến sức khỏe đối với những người khuyên mũi. Khả năng nhiễm trùng sẽ rất cao, không những thế sự phát triển các cơ trên cánh mũi cũng bị ảnh hưởng, gây khó khăn trong việc hô hấp.

Theo thống kê, ở thung lũng Ziro vẫn còn khoảng 1.000 phụ nữ Apatani vẫn theo tục xăm mặt, khoét mũi. Chính những phụ nữ này đã thu hút một lượng lớn khách du lịch ghé thăm hàng năm để được tận mắt chứng kiến vẻ đẹp của “độc nhất vô nhị”, cũng như tìm hiểu về văn hóa và những nét độc đáo nơi đây.