Theo các đại biểu, Đề án nhân sự trình Đại hội được chuẩn bị chu đáo, trách nhiệm; xử lý hài hòa, hợp lý giữa tiêu chuẩn và cơ cấu; giữa tính phổ biến và tính đặc thù; giữa chuyên môn đào tạo và sở trường, năng lực thực tiễn, kinh nghiệm công tác và chiều hướng phát triển. Ngoài ra, thông tin của từng nhân sự được giới thiệu đầy đủ, theo đúng quy định.
Đây sẽ là cơ sở để mỗi đại biểu quyết định sự lựa chọn của mình để bầu ra Ban chấp hành (BCH) Trung ương khóa mới, đảm bảo tiêu chuẩn, cơ cấu, đáp ứng kỳ vọng của nhân dân.
Các nhân sự đều đảm bảo đủ tiêu chuẩn
Đại biểu Trần Công Thắng, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam tỉnh Bắc Giang, khẳng định công tác chuẩn bị nhân sự Đại hội XIII của Đảng được chuẩn bị rất công phu, bài bản và chặt chẽ, đặc biệt chú trọng về chất lượng trên cơ sở bảo đảm số lượng và cơ cấu hợp lý, nhưng không vì cơ cấu mà hạ thấp tiêu chuẩn. Việc chuẩn bị, giới thiệu và bầu Ủy viên BCH Trung ương khóa XIII phải thực sự dân chủ, khách quan, công tâm và đặt lợi ích của quốc gia - dân tộc và của nhân dân lên trên hết, trước hết.
Đồng thời, khẳng định quyết tâm chính trị cao trong cuộc đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, “lợi ích nhóm”; kiên quyết không để lọt vào BCH Trung ương những người không bảo đảm tiêu chuẩn, điều kiện và không bỏ sót những cán bộ có đức, có tài, có triển vọng phát triển, có tín nhiệm cao. “Tôi mong muốn Đại hội sẽ thực sự sáng suốt để lựa chọn được một tập thể BCH Trung ương Đảng khóa XIII thật sự đoàn kết, tiêu biểu cho trí tuệ, năng lực và phẩm chất; là đại diện tiêu biểu nhất để thực hiện những trọng trách của Đảng giao cho”- ông Thắng chia sẻ.
Còn đại biểu Võ Hồng Hải, Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy Hà Tĩnh cho rằng, công tác nhân sự đã được cân nhắc để giải quyết hài hòa các mối quan hệ giữa kế thừa và đổi mới, giữa cơ cấu, tiêu chuẩn, tỷ lệ giới; giữa các tầng lớp, các vùng miền, đặc biệt là giữa những lĩnh vực quan trọng.
Phương hướng nhân sự Đại hội thông qua dựa trên cơ sở cơ cấu, nhưng cơ cấu ấy phải đảm bảo tiêu chuẩn, bởi tiêu chuẩn rất quan trọng. Khi muốn bổ nhiệm nhân sự vào một vị trí, chức danh, có thể cơ cấu rất nhiều người và nếu như người đó không đáp ứng được công việc, phải thay người khác là chuyện đương nhiên.
Ông Võ Hồng Hải, Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy Hà Tĩnh (Đoàn đại biểu Đảng bộ tỉnh Hà Tĩnh). |
“Nhiệm kỳ Đại hội XII đã có sự chuẩn bị rất chu đáo cho công tác nhân sự, với việc ban hành hàng loạt các quy định, nghị quyết của BCH Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư về tiêu chuẩn các chức danh, trên cơ sở đó tiến hành quy hoạch, rà soát, chọn lọc nhân sự để đưa vào giới thiệu lần này. Chúng tôi thấy về cơ bản là đảm bảo tiêu chuẩn”- đại biểu Hải khẳng định.
Niềm tin về những cán bộ đủ tâm, đủ tầm
Đánh giá về công tác chuẩn nhân sự cho Đại hội XIII, đại biểu Bùi Chí Thành, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Tổ quốc Việt Nam tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu nhận định, công tác chuẩn bị nhân sự cho Đại hội XIII của Đảng được tiến hành ngay từ đầu nhiệm kỳ khóa XII, qua nhiều kỳ Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương, trên cơ sở tổng kết kinh nghiệm trong công tác nhân sự BCH, Bộ Chính trị, Ban Bí thư cũng như các chức danh chủ chốt của Đảng, Nhà nước ta từ nhiệm kỳ VI đến nhiệm kỳ XII, phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ của Đảng, Nhà nước trong tình hình mới. Đây là một quá trình đã được làm dày công, kỹ lưỡng và rất chặt chẽ; lấy ý kiến nhiều cấp, ngành từ Trung ương đến địa phương, thể hiện tính dân chủ rất cao.
Các nhân sự được giới thiệu kỳ này đã được đánh giá trên tinh thần hết sức khách quan, trên cơ sở xuyên suốt quá trình công tác, thể hiện qua những sản phẩm cụ thể trong quá trình công tác đó. Do đó, nhân sự được đưa ra giới thiệu tại Đại hội XIII đều đảm bảo về tiêu chuẩn cũng như những yêu cầu theo quy định của Đảng.
“Sau khi nghe Đoàn Chủ tịch báo cáo về Đề án nhân sự, Đoàn đại biểu Bà Rịa - Vũng Tàu cũng như các đoàn đại biểu khác đã và đang nghiên cứu kỹ Đề án này, qua đó lựa chọn những ứng cử viên thật sự tiêu biểu trong danh sách để bầu chọn vào Ban Chấp hành theo kỳ vọng của nhân dân cả nước”- đại biểu Bùi Chí Thành cho biết.
Cho rằng các đại biểu tham dự Đại hội với trách nhiệm rất cao, đại biểu Trần Quốc Nam, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận tin tưởng các đại biểu sẽ bầu ra BCH Trung ương nhiệm kỳ tới theo đúng tinh thần “ý Đảng, lòng dân”. Với đầy đủ trí tuệ, trách nhiệm, BCH Trung ương sẽ triển khai, lãnh đạo thực hiện các nhiệm vụ phát triển đất nước ngày càng tốt đẹp hơn và đem lại thành quả như mong muốn của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân đã gửi gắm.
Cùng chung niềm tin tưởng này, đại biểu Đặng Xuân Phong, Bí thư Tỉnh ủy Lào Cai mong muốn các nhân sự được lựa chọn vào BCH Trung ương đủ sức, đủ tài, đủ tâm, đủ tầm để lãnh đạo phát triển đất nước với mục tiêu đến 2045 (mốc kỷ niệm 100 năm thành lập nước), Việt Nam sẽ trở thành nước phát triển, có thu nhập cao.
Trước đó, trong chiều 28/1, Đại hội đã thảo luận và biểu quyết thông qua số lượng ủy viên BCH Trung ương Đảng khóa XIII là 200 đồng chí, gồm 180 ủy viên chính thức và 20 ủy viên dự khuyết.
Kỳ vọng về những quyết sách tạo đột phá cho sự phát triển của đất nước
Theo Đại biểu Trần Công Thắng, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Bắc Giang, Cán bộ, đảng viên và nhân dân cả nước nói chung và tỉnh Bắc Giang nói riêng đang hướng về Đại hội với niềm tin và kỳ vọng về những định hướng, quyết sách đúng đắn, tạo đột phá cho sự phát triển của đất nước trong nhiệm kỳ tới.
Đặc biệt là 5 quan điểm chỉ đạo và 12 định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021-2030 được nêu ra trong văn kiện đã thể hiện rõ tư duy chiến lược của Đảng, khát vọng phát triển của dân tộc và quyết tâm chính trị của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân.
Hai vấn đề được tôi và các đại biểu quan tâm nhiều nhất đó là những định hướng phát triển kinh tế và công tác xây dựng Đảng. Nhiệm kỳ qua, Đảng và Nhà nước rất quan tâm đến doanh nhân, doanh nghiệp (DN), ban hành nhiều chỉ thị, nghị quyết cải thiện môi trường kinh doanh và hỗ trợ phát triển DN. Đặc biệt, kinh tế tư nhân được xác định là một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Tuy nhiên, trong thực tiễn, doanh nghiệp còn gặp nhiều khó khăn, nhất là sự chồng chéo trong pháp luật kinh doanh, thủ tục hành chính còn rườm rà, phức tạp; nhiều DN nhỏ và vừa không tiếp cận được các chính sách hỗ trợ của Nhà nước... Các DN kỳ vọng Nghị quyết Đại hội XIII sẽ tạo luồng sinh khí mới tràn đầy năng lượng, khát vọng, sáng tạo, tiếp sức cho doanh nhân, DN đóng góp phát triển đất nước.
Các chính sách hỗ trợ phát triển DN cần thiết thực, phù hợp, không đòi hỏi quá khắt khe làm nản lòng DN; khuyến khích DN tự chịu trách nhiệm trước pháp luật trong hoạt động sản xuất kinh doanh.