Lá thư viết tay khẩn báo của bí thư huyện ủy và phong trào “Bốn tại chỗ” trong phòng, chống thiên tai

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Việt Nam là đất nước thường xuyên phải hứng chịu nhiều thiên tai, từ bão, lũ, lụt, sạt lở, nước biển dâng, xâm nhập mặn, hạn hán… Trong công tác phòng, chống thiên tai, trải qua các thế hệ đã có những bài học kinh nghiệm vô cùng quý giá đúc rút từ thực tiễn. Một trong những kinh nghiệm vô cùng quan trọng là “4 tại chỗ” (chỉ huy tại chỗ; lực lượng tại chỗ; phương tiện, vật tư tại chỗ; hậu cần tại chỗ) và “3 sẵn sàng” (phòng ngừa chủ động, ứng phó kịp thời, khắc phục khẩn trương, hiệu quả).
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Phương châm “4 tại chỗ” đã được quy định trong khoản 3 Điều 4 Luật Phòng, chống thiên tai; và chiến lược quốc gia phòng, chống thiên tai đến năm 2030, tầm nhìn 2050 theo Quyết định 379/QĐ-TTg ngày 17/3/2021 của Thủ tướng Chính phủ.

“4 tại chỗ” có thể giải thích nôm na là mỗi cá nhân, hộ gia đình, địa phương cần phải tự chuẩn bị cho mình đầy đủ những gì cần thiết để thực hiện việc phòng ngừa, ứng phó với thiên tai xảy ra với mình, gia đình mình, địa phương mình tại bất kỳ thời điểm nào. Đồng thời phải đáp ứng được yêu cầu cứu trợ cho bản thân, gia đình, địa phương mình; sẵn sàng hỗ trợ các gia đình và địa phương khác trước khi lực lượng bên ngoài đến hỗ trợ.

Trước đây, một số người khi nghe đến vấn đề “4 tại chỗ”, có thể không coi trọng. Nhưng qua cơn bão số 3 cùng ảnh hưởng mưa lũ, ngập lụt kinh hoàng, mới thấm thía trong tình cảnh gió mưa vần vũ, mất điện, mất sóng điện thoại, giao thông bị cô lập… thì “4 tại chỗ” quan trọng ra sao, có thể cứu mạng mình và mọi người như thế nào.

Công tác cứu nạn, cứu hộ đang được thực hiện tại hiện trường trận lũ quét kinh hoàng vào sáng 10/9 vùi lấp hoàn toàn một thôn bản ở một tỉnh miền núi phía Bắc, là minh chứng cho thấy tầm quan trọng của phương châm “4 tại chỗ”. Ít tiếng sau khi xảy ra thảm họa, Bí thư Huyện ủy đã trực tiếp đến nơi ngay sau khi nhận tin.

Tại hiện trường, thiệt hại quá kinh hoàng, giao thông bị chia cắt, điện mất, sóng điện thoại không còn, cả vùng hoàn toàn bị cô lập. Vị lãnh đạo huyện xé tờ giấy viết vắn tắt ít dòng cấp báo: “Huyện ủy kính gửi (…) 6h ngày 10/9, tại làng (…) xảy ra lũ ống. 14h, huyện đã tiếp cận được hiện trường. Thiệt hại: Bản có 35 nhà, 128 nhân khẩu. Hiện tại đã phát hiện và sơ cứu 10 người, thi thể đã thấy 15 người, còn lại mất tích. Kính báo cáo và đề nghị hỗ trợ tìm kiếm cứu nạn khẩn cấp”.

Một cán bộ lập tức mang “công văn” này chạy bộ băng rừng đi báo tin.

Không chờ đến lúc lực lượng chi viện tới, mà trước hiện trường cả triệu m3 bùn đất, lực lượng tại chỗ cùng những người dân địa phương may mắn thoát nạn đã lập tức lăn xả vào tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn với tinh thần “còn nước còn tát”, tìm kiếm được thêm nhiều nạn nhân.

Bối cảnh, các đặc điểm của vụ sạt lở kinh hoàng này một lần nữa khẳng định cho chúng ta thấy phương châm “4 tại chỗ” trong phòng, chống thiên tai là luôn luôn đúng đắn, luôn luôn chính xác, luôn luôn phải tuân theo.

Chỉ tiếc là giá như những người dân địa phương, chính quyền địa phương từng có sự cảnh giác cao hơn nữa, không chủ quan mang tâm lý “ở đây chưa từng xảy ra lũ”; thì có thể đã lường trước được tình huống xấu này, hạn chế được tối đa thiệt hại.

Đọc thêm