Lạ thường nỗi mê đắm của họa sĩ Vũ Thái Bình với giấy dó

Chọn một con đường khó, khao khát đi tận cùng với nó mặc dù biết trong nghệ thuật, có lẽ chẳng nơi nào là tận cùng cả, họa sĩ Vũ Thái Bình đã đến với giấy dó như một cơ duyên, như không thể khác. Cho đến nay, sau cả một quãng thời gian không hề ngắn gắn bó với dó, Thái Bình vẫn nói về loại chất liệu này với một nỗi mê đắm lạ thường.
Họa sĩ Vũ Thái Bình.
Họa sĩ Vũ Thái Bình.

Họa sĩ Vũ Thái Bình (sinh năm 1976, tại Hưng Yên) có lẽ là người “chung thủy” với giấy dó nhất. Từng có nhiều người yêu cái mỏng mảnh bình dị đầy chất dân tộc của giấy dó, nhưng ít ai vẽ nhiều và gần như coi nó là chất liệu duy nhất trong sáng tác của mình như anh.

Triển lãm cá nhân đầu tiên của Thái Bình diễn ra năm 2016 tại Hà Nội đã khiến cho không ít người yêu mỹ thuật phải trầm trồ khi thấy những bức tranh mà ở đó kĩ thuật giấy dó đã trở nên nhuần nhuyễn, những thế mạnh của chất liệu được phát huy, và cùng với đó, người ta ấn tượng về một không gian xưa cũ hiện hữu trong chủ đề, màu sắc và tinh thần của bức tranh.

Cái không gian hoài niệm ấy đã níu người Hà Nội trở về với những thôn làng Việt cuối thế kỷ trước. Họ thấy ở đó sự thân thuộc. Họ thấy ở đó cảm giác bâng khuâng, một nỗi nhớ nhung mơ hồ, một niềm lưu luyến đẹp đẽ. Họ cũng thấy ở đó chính mình.

Thời gian trôi qua, Vũ Thái Bình vẫn tiếp tục với dó. Cuộc triển lãm cá nhân lần thứ hai, mang tên “Sắc dó 2018”, diễn ra vào đầu tháng 10 năm nay, khiến người xem phải ngạc nhiên, bởi vẫn là những hình ảnh thân thuộc ấy, những cụ già với gương mặt đầy nếp nhăn, con gà tha thẩn ở góc sân, những ngôi nhà tường gạch màu rêu phong, đôi mắt một người dân tộc thiểu số đăm chiêu nhìn về bản vắng…, nhưng tất cả đã khác, bởi người họa sĩ đã truyền vào đó một không khí mới.

Tác phẩm Trưa vắng.
Tác phẩm Trưa vắng.

Không còn là những câu chuyện riêng lẻ, không còn là những nhân vật được khắc tạc chân dung, giờ đây, trong tranh của Thái Bình là cả một câu chuyện. Dó của anh không chỉ làm gợn lên vài nốt nhạc, vài giai điệu, mà còn bày ra cả một bản hòa tấu, và đôi khi, chúng thực sự trở thành một bản giao hưởng êm đềm.

Thật khó để một bức tranh giấy dó có thể mang một âm hưởng như vậy. Bởi với đặc thù của mình, dó từng được ghi nhận như một chất liệu dùng để ghi chép, kí họa hơn là để làm thành một tác phẩm nghệ thuật hoàn chỉnh, đầy đặn. Nhưng quả thực với Vũ Thái Bình, dó đã tiến tới điều xa hơn. Anh biến nó thành tác phẩm thực sự. Và có lẽ ở một góc độ nào đấy, chính anh đã định nghĩa lại cho nó, khiến nó khác hơn, mới mẻ và phức tạp hơn.

Từ những bức tranh nhỏ cho đến những bức dài hơn 2 mét, từ những bức vẽ người, phong cảnh đến những bức mà ở đó đan xen cả tâm tưởng, đồng hiện cả quá khứ, hiện tại và tương lai, tất cả mặc dù được diễn tả bằng bút pháp hiện thực nhưng đã không còn đơn giản là những nét cảm xúc. Vũ Thái Bình đã đặt cả lên dó một câu chuyện, một thế giới nhỏ của những con người và nỗi niềm, của hoài niệm và khát khao hy vọng, của những phận người, những hồn đất người họa sĩ đã từng chứng kiến, từng yêu thương…

Tác phẩm Cụ Thận.
Tác phẩm Cụ Thận.

Hình ảnh Tây Bắc là một đề tài quen thuộc trong tranh Thái Bình. Trong nhiều bức tranh khổ lớn, anh đã tái hiện cuộc sống và thân phận của những con người Tây Bắc. Con ngựa hiền lành gặm cỏ, đàn dê đang ngơ ngác, chú mèo nhẹ nhàng bước trên sân, lũ trẻ con ngồi bên hiên nhà, bà cụ ngồi trên bậc thềm nhìn về phía xa xăm… Nhưng rồi không chỉ diễn tả thực tại, người họa sĩ còn vẽ vào đó một nỗi buồn, niềm vui hay một niềm hy vọng.

Bên cạnh sự già nua của những cụ già còn là sự ngây thơ hồn nhiên của những đứa trẻ cứ lầm lũi và mạnh bạo lớn lên. Bên cạnh cơ man núi đá trơ trọi ở Hà Giang là một chùm quả sai trĩu trịt, ánh mắt trẻ thơ trong trẻo, tươi vui. Sắc màu hoài niệm trong tranh của Thái Bình phảng phất nỗi buồn, nhưng đó là cái buồn man mác dìu dịu bởi ở đó họa sĩ luôn hé mở những hình ảnh nhen lên niềm hy vọng.

Bởi vậy người ta thấy trong tranh anh không chỉ là ba chiều của một không gian hiện thực sống động mà còn có thêm chiều thứ tư, đó là chiều cảm xúc. “Kĩ thuật chỉ là phương tiện, còn cảm xúc là điều cực kì quan trọng trong nghệ thuật”, họa sĩ Vũ Thái Bình nói. Điều đặc biệt trong tranh của Thái Bình là, mặc dù tiết chế tối đa về màu sắc, nhưng những sắc độ tinh tế trong đó vẫn cho người xem cảm nhận được thế giới đầy đủ sắc màu.

Tác phẩm Ký ức.
Tác phẩm Ký ức.

Anh đã lấy sự mỏng manh, nhòe mờ của màu để tô đậm cảm xúc. Và bởi thế, những bức tranh kiệm giản màu sắc ấy lại vẫn có được sự rực rỡ theo cách của chúng. Đó là sự rực rỡ của muôn màu cảm xúc đang thăng hoa và dẫn dụ người xem vào thế giới bí ẩn đẹp đẽ được bày trên giấy dó.

Chẳng biết là giấy dó đã mang lại cảm xúc cho Vũ Thái Bình hay chính anh mang lại cảm xúc cho giấy dó. Có lẽ là cả hai.