Lãi trước thuế của OCB đạt 2.560 tỷ đồng sau nửa năm

(PLVN) -  Trong năm 2023, nhằm tập trung hỗ trợ sản xuất kinh doanh, phát triển kinh tế và kiểm soát rủi ro về thanh khoản, giảm tỷ lệ cho vay trung dài hạn, OCB đã chuyển dịch dần cơ cấu cho vay sang các sản phẩm sản xuất kinh doanh ngắn hạn, đảm bảo chỉ số thanh khoản theo đúng định hướng của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước.

Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) vừa công bố kết quả kinh doanh quý II/2023 với đà tăng trưởng tích cực, cùng hàng loạt chính sách hỗ trợ, đồng hành cùng khách hàng cá nhân và doanh nghiệp.

Kết thúc 6 tháng đầu năm 2023, tổng thu thuần đạt hơn 4.450 tỷ đồng, tăng 16,8% so với cùng kỳ, nhờ đó lũy kế lợi nhuận trước thuế của OCB đạt 2.560 tỷ đồng, tăng trưởng 47,2% so với cùng kỳ năm trước.

Đáng chú ý, thu nhập ngoài lãi của OCB tăng gấp đôi lên 884 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm 2023, góp phần tạo nên kết quả kinh doanh tích cực của ngân hàng.

Mặt khác, thu thuần từ dịch vụ đạt 374 tỷ, tăng trưởng 4,2% nhờ dịch vụ thẻ và quản lý tài khoản, phù hợp với định hướng đa dạng hóa nguồn thu của ngân hàng. Chỉ tính riêng sản phẩm thẻ, doanh số giao dịch thẻ tín dụng và ghi nợ quốc tế ghi nhận sự tăng trưởng 142% so với cùng kỳ 2022 với số lượng thẻ phát hành mới tăng trưởng vượt bậc.

Chi phí hoạt động cũng được OCB kiểm soát, đẩy mạnh chuyển đổi số, giúp tối ưu hóa vận hành. Theo đó, tỷ lệ chi phí/thu nhập (CIR) của ngân hàng được cải thiện từ 39,7% trong nửa đầu năm 2022 xuống còn 31,9%. Ngân hàng số OCB OMNI tăng trưởng tốt với số lượng giao dịch tăng gần 60% so với cùng kỳ.

Tính đến ngày 30/6, tổng tài sản của OCB đạt gần 211.300 tỷ đồng, tăng trưởng 8,9% so với cuối năm 2022. Trong đó, hoạt động cho vay khách hàng đạt 127.573 tỷ đồng, tăng 6,5% so với cuối năm 2022.

Tổng tài sản của OCB đạt gần 211.300 tỷ đồng

Tổng tài sản của OCB đạt gần 211.300 tỷ đồng

Nhằm tập trung hỗ trợ sản xuất kinh doanh, phát triển kinh tế và kiểm soát rủi ro về thanh khoản, giảm tỷ lệ cho vay trung dài hạn, OCB đã chuyển dịch dần cơ cấu cho vay sang các sản phẩm sản xuất kinh doanh ngắn hạn, đảm bảo chỉ số thanh khoản theo đúng định hướng của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước.

Theo số liệu mới nhất, quy mô huy động tại OCB tiếp tục tăng trưởng tích cực khi đạt hơn 147.200 tỷ đồng, tăng 7,2% so với cuối năm 2022. Dư nợ tín dụng tăng 6,8% so với cuối năm 2022, đạt hơn 131.120 tỷ đồng, cao hơn mức trung bình của ngành (4,7%).

Các tỷ lệ an toàn vốn (CAR), tỷ lệ dư nợ tín dụng trên vốn huy động (LDR) và tỷ lệ nợ xấu được kiểm soát ở mức hợp lý, đảm bảo đáp ứng theo quy định của NHNN. Tỷ lệ thu nhập lãi thuần (NIM) duy trì hiệu quả ở mức 3,8%, tăng so với cùng kỳ.

Về kế hoạch phát triển, OCB đặt mục tiêu tiếp tục tập trung vào việc phát triển quy mô và hiệu quả hoạt động, trong đó thúc đẩy hoạt động bán lẻ, đầu tư mạnh về công nghệ số, kiện toàn hệ thống quản lý rủi ro theo chuẩn quốc tế theo chiến lược 5 năm 2021-2025. Năm 2023, OCB đề ra mục tiêu lợi nhuận trước thuế đạt 6.000 tỷ đồng, tăng 37% so với năm 2022.

Cùng với đó, trong 6 tháng đầu năm 2023, với diễn biến tình hình kinh tế trong và ngoài nước còn nhiều khó khăn, OCB đã chủ động đưa ra các gói giải pháp, sản phẩm ưu đãi, hỗ trợ cả khách hàng cá nhân và doanh nghiệp.

Mới đây nhất, ngay sau khi Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh giảm lãi suất điều hành, OCB đã nhanh chóng tiến hành giảm lãi suất vay hơn 1% cho tất cả các mục đích vay. Lãi suất vay thông thường hiện trong mức 9,5% với ngắn hạn và 10,7% với trung dài hạn. Ngoài lãi suất thông thường, còn có gói lãi suất ưu đãi với đa dạng kỳ hạn.

Ngoài ra, các giải pháp thanh toán số, quản lý dòng thu bằng tài khoản định danh, hay cổng thanh toán trực tuyến… của OCB cũng giúp khách hàng quản lý tài chính và dòng tiền nhanh chóng, hiệu quả hơn và tối ưu trải nghiệm cho khách hàng của các doanh nghiệp.

Nhờ chiến lược tập trung phát triển mảng bán lẻ đồng thời ưu tiên nâng cấp toàn diện chất lượng sản phẩm, dịch vụ phục vụ cho nhóm khách hàng chiến lược, OCB đã và đang cho thấy những kết quả tích cực trong thời gian vừa qua.

Đọc thêm