Theo báo cáo gửi Thủ tướng của Bộ Tài chính, kết quả ước tình hình thanh toán vốn đầu tư nguồn ngân sách nhà nước 4 tháng năm 2024, có 6/12 địa phương gồm Bình Thuận: 10,84%; tỉnh Gia Lai: 11,5%; tỉnh Lâm Đồng: 13,39%; tỉnh Đồng Nai: 14,91%; tỉnh Bình Dương: 16,79%; tỉnh Bình Phước: 16,36% thuộc Tổ công tác số 5 có tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công 4 tháng năm 2024 thấp hơn bình quân chung cả nước (17,46%).
So với 3 tháng đầu năm 2024, trong 6 địa phương giải ngân thấp hơn bình quân chung cả nước kỳ 4 tháng năm 2024, Lâm Đồng là địa phương bắt đầu có dấu hiệu chững, chậm lại trong công tác thực hiện kế hoạch đầu tư công năm 2024 và 5 địa phương còn lại (tỉnh Bình Thuận, tỉnh Gia Lai, tỉnh Đồng Nai, tỉnh Bình Dương, tỉnh Bình Phước) tiếp tục là các địa phương có tỷ lệ giải ngân dưới bình quân chung của cả nước từ đầu năm đến nay.
Năm 2024, Lâm Đồng có 0,8 tỷ vốn Chương trình mục tiêu Quốc gia chưa phân bổ; 92,93 tỷ đồng vốn ngân sách địa phương chưa phân bổ. Đến hết ngày 20/5/2024, tỷ lệ giải ngân của Lâm Đồng là 14,13%.
Ngày 6/6, UBND tỉnh Lâm Đồng chỉ đạo các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố khẩn trương đẩy nhanh tiến độ đầu tư và giải ngân vốn đầu tư công bố trí năm 2024 trên địa bàn.
Đối với các sở, ngành, UBND các huyện, TP Đà Lạt, Bảo Lộc, UBND tỉnh Lâm Đồng yêu cầu thực hiện một số nhiệm vụ chính như sau:
Thứ nhất, tập trung theo dõi, đôn đốc chủ đầu tư các dự án đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện các thủ tục đầu tư, hoàn thiện dự án đầu tư trình cấp có thẩm quyền phê duyệt làm cơ sở bố trí vốn để triển khai, khởi công dự án trong năm 2024 (đối với các dự án dự kiến khởi công năm 2024).
Thứ hai, đẩy nhanh tiến độ lập, trình thẩm định và tổ chức phê duyệt thiết kế bản vẽ thi công, dự toán công trình, đảm bảo nhanh, chính xác và đúng theo quy định; Xác định các mốc thời gian hoàn tất thủ tục phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu, thủ tục lựa chọn nhà thầu, phê duyệt kết quả đấu thầu, ký kết hợp đồng xây lắp đối với các dự án, gói thầu thực hiện trong năm 2024; song song với việc xây dựng kế hoạch giải ngân vốn bố trí đối với từng công việc của dự án.
Thứ ba, chỉ đạo các chủ đầu tư phối hợp chặt chẽ với các nhà thầu thi công, đơn vị cung ứng vật liệu, vật tư để giải quyết các khó khăn, vướng mắc về nguồn cung nhằm đảm bảo điều kiện thi công, đẩy nhanh tiến độ triển khai các gói thầu; Tiến hành rà soát, đánh giá công tác chỉ đạo, điều hành, triển khai thực hiện nhiệm vụ của các cơ quan, đơn vị trực thuộc và chủ đầu tư các dự án, nhất là trách nhiệm người đứng đầu; kịp thời đề xuất cấp có thẩm quyền phương án điều chuyển, thay thế những cán bộ, công chức không đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao.
Dự án đường vành đai TP Đà Lạt đang chậm tiến độ. |
Đối với chủ đầu tư các dự án, UBND tỉnh Lâm Đồng yêu cầu đẩy nhanh tiến độ thực hiện các thủ tục đầu tư của dự án, đảm bảo điều kiện triển khai các thủ tục tiếp theo và giải ngân vốn theo quy định; Tập trung, đẩy nhanh công tác bồi thường giải phóng mặt bằng của các dự án…
Đồng thời chủ đầu tư cần xây dựng và triển khai quyết liệt các giải pháp phù hợp với tình hình thực tế của từng dự án, phù hợp từng địa bàn để nhằm thúc đẩy tiến độ triển khai, giải ngân vốn đầu tư công đã được bố trí; Kịp thời nắm bắt các khó khăn, vướng mắc của từng dự án, chủ động nghiên cứu, có giải pháp hữu hiệu nhằm tháo gỡ, đẩy nhanh tiến độ thực hiện của dự án; báo cáo, tham mưu đề xuất cấp có thẩm quyền xem xét đối với các nội dung vượt thẩm quyền.