Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang đã có buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng để chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả vụ sạt lở đất nghiêm trọng tại đèo Bảo Lộc.
Tại buổi làm việc, ông Trần Văn Hiệp, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng đã báo cáo tổng quát về tình hình mưa bão xảy ra trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng trong thời gian qua. Theo đó, mưa bão trong năm 2023 trên địa bàn tỉnh diễn biến hết sức phức tạp, khó lường; gây ra nhiều vụ sạt lở trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng; trong đó, có 3 vụ sạt lở nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng làm 6 người chết.
Trên địa bàn hiện nay vẫn còn 163 vị trí bị sạt lở và có nguy cơ sạt lở đất nên địa phương tiếp tục triển khai rà soát, di dời các hộ dân ra khỏi khu vực có nguy cơ sạt lở, ngập lụt nhằm bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản của nhân dân.
Để chủ động trong công tác phòng, chống thiên tai, từ đầu năm, UBND tỉnh đã có 3 Công điện và hơn 14 Văn bản, Kế hoạch, Thông báo kết luận Hội nghị chỉ đạo các cấp, các ngành và địa phương, đơn vị, tổ chức, cá nhân liên quan trong tỉnh khẩn trương thực hiện ngay các biện pháp phòng, chống thiên tai, sạt trượt đất và bảo đảm an toàn lao động trong xây dựng công trình, dự án trong mùa mưa bão.
Lãnh đạo UBND tỉnh cũng đã lập nhóm zalo chỉ đạo, điều hành trực tiếp và kịp thời cung cấp thông tin cảnh báo mưa lớn để các địa phương chủ động trong công tác phòng ngừa thiên tai…
Ông Trần Đức Quận, Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng khẳng định, công tác khắc phục hậu quả vụ sạt lở trên đèo Bảo Lộc đang được địa phương huy động tối đa lực lượng triển khai nhanh chóng để bảo đảm lưu thông cho các phương tiện. Tuy nhiên, hiện nay một số tuyến QL cửa ngõ trên địa bàn cũng xuất hiện điểm sạt lở và có nguy cơ sạt lở cao, ảnh hưởng đến việc lưu thông của người dân. Do đó, tỉnh kiến nghị Phó Thủ tướng và các bộ, ban, ngành quan tâm, hỗ trợ địa phương sớm hoàn thành các thủ tục để nhanh chóng triển khai tuyến cao tốc Dầu Giây - Liên Khương trong thời gian tới.
Phó Thủ tướng ghi nhận, đánh giá cao tinh thần trách nhiệm của lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh Lâm Đồng kịp thời chỉ đạo các lực lượng và huy động phương tiện nhanh chóng tiếp cận hiện trường triển khai công tác cứu hộ, tìm kiếm; đồng thời, biểu dương các lực lượng công an, quân đội, người dân và nhiều lực lượng khác đã không quản ngại khó khăn, vất vả, triển khai công tác tìm kiếm, cứu nạn, khắc phục hậu quả.
Phó Thủ tướng chỉ đạo, về phương án khắc phục hậu quả và tìm kiếm nạn nhân còn lại, tỉnh Lâm Đồng cần phải thực hiện chu đáo và cẩn trọng, tránh trường hợp sự cố chồng sự cố như đã từng xảy ra ở các địa phương khác trong những năm qua. Đồng thời, tỉnh cần xem xét lại phương án ứng phó sự cố phù hợp, bảo đảm vừa đủ nhân lực, vật lực để sớm khắc phục hậu quả vụ sạt lở và chủ động phòng, chống sự cố tương tự có nguy cơ xảy ra trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới.
Phó Thủ tướng yêu cầu tỉnh Lâm Đồng tiếp tục chỉ đạo thực hiện có hiệu quả công tác kiểm tra, rà soát lại các điểm, khu vực có nguy cơ sạt lở trên địa bàn tỉnh; đồng thời triển khai có hiệu quả các biện pháp phòng ngừa, có biện pháp cảnh báo sớm, chủ động phương án ứng sự cố tương tự có nguy cơ xảy ra trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới.
Với vụ sạt lở tại đèo Bảo Lộc, Phó Thủ tướng yêu cầu tỉnh Lâm Đồng và các bộ, ban, ngành Trung ương phối hợp tiếp tục thực hiện tốt công tác cứu hộ, cứu nạn; đồng thời, quan tâm, chia sẻ, động viên các cán bộ, chiến sĩ đã hy sinh và người dân tử vong trong vụ sạt lở đất.
Ngày 31/7, Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an đã ký các Quyết định truy thăng cấp bậc hàm sỹ quan nghiệp vụ đối với 3 CBCS CSGT hy sinh trong khi thực hiện nhiệm vụ cứu nạn, cứu hộ, ứng cứu thảm họa thiên tai tại đèo Bảo Lộc, huyện Đạ Huoai, tỉnh Lâm Đồng.
Cụ thể, truy thăng cấp bậc hàm từ Thiếu tá lên Trung tá đối với đồng chí Nguyễn Khắc Thường (SN 1981, quê quán xã Nam Hưng, huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương), cán bộ Phòng CSGT Công an tỉnh Lâm Đồng; truy thăng cấp bậc hàm từ Đại úy lên Thiếu tá đối với đồng chí Lê Quang Thành (SN 1977, quê quán xã Triệu Ái, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị), cán bộ Phòng CSGT Công an tỉnh Lâm Đồng; truy thăng cấp bậc hàm từ Thượng úy lên Đại úy đối với đồng chí Lê Ánh Sáng (SN 1990, quê quán xã Tân Lâm Hương, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh), cán bộ Phòng CSGT Công an tỉnh Lâm Đồng.
Cùng ngày, Bộ trưởng Tô Lâm, Chủ tịch Hội đồng quản lý Quỹ nghĩa tình đồng đội CAND đã ký Quyết định hỗ trợ gia đình mỗi CBCS hy sinh số tiền 100 triệu đồng; hỗ trợ gia đình anh Phạm Ngọc Anh số tiền 50 triệu đồng.
Bộ Công an cũng đã làm thủ tục đề nghị Bộ LĐ-TB&XH trình Thủ tướng Chính phủ công nhận liệt sĩ và cấp Bằng “Tổ quốc ghi công” đối với 3 đồng chí CSGT hy sinh trong khi thực hiện nhiệm vụ.