Lâm Đồng lên phương án chữa cháy rừng cụ thể theo 3 cấp độ

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Ngoài việc yêu cầu các lực lượng được giao trách nhiệm quản lý, bảo vệ rừng phải phân công lực lượng ứng trực 24/24 giờ trong mùa khô 2024, UBND tỉnh Lâm Đồng đã phân cấp mức độ cháy kèm theo biện pháp chữa cháy cụ thể nhằm giảm thiểu tối đa thiệt hại do cháy rừng gây ra.
Lực lượng chức năng kịp thời khống chế, dập tắt đám cháy rừng thông ngày 25/2 vừa qua tại TP Đà Lạt.
Lực lượng chức năng kịp thời khống chế, dập tắt đám cháy rừng thông ngày 25/2 vừa qua tại TP Đà Lạt.

Ngày 27/2, UBND tỉnh Lâm Đồng có chỉ đạo về công tác phòng cháy, chữa cháy rừng (PCCCR) mùa khô 2024. Theo UBND tỉnh Lâm Đồng, dự báo của Trung tâm dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia cho thấy, tình trạng nắng nóng sẽ tiếp tục gia tăng và kéo dài trong những tháng đầu năm 2024; nắng nóng kèm theo thiếu hụt lượng mưa làm nguy cơ xảy ra cháy rừng là rất cao, gây thiệt hại về rừng, môi trường, ảnh hưởng đến sức khỏe, tài sản, tính mạng và đời sống của người dân.

Do đó, UBND tỉnh Lâm Đồng yêu cầu Chủ tịch UBND các huyện, thành phố Đà Lạt và Bảo Lộc; các đơn vị chủ rừng trên địa bàn tỉnh tập trung chỉ đạo và thực hiện nghiêm nội dung UBND tỉnh đã chỉ đạo liên quan đến công tác phòng cháy, chữa cháy rừng.

Tuần tra bảo vệ rừng trong mùa khô 2023 trên địa bàn TP Đà Lạt.

Tuần tra bảo vệ rừng trong mùa khô 2023 trên địa bàn TP Đà Lạt.

Trong đó, chú trọng thực hiện nghiêm phương châm “4 tại chỗ” (chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ và hậu cần tại chỗ) trong PCCCR, có các phương án bảo đảm lực lượng, vật tư, trang thiết bị và hậu cần để kịp thời phát hiện, xử lý, dập tắt ngay các đám/điểm cháy rừng từ khi mới phát sinh, không để bùng phát, cháy lan, cháy lớn. Cùng với đó là tập trung thành lập, kiện toàn các Ban chỉ huy PCCCR cấp cơ sở.

Trong suốt thời gian mùa khô năm 2024, Ban chỉ đạo cấp huyện, Ban chỉ huy của đơn vị chủ rừng, cấp xã phải phân công lực lượng ứng trực 24/24 giờ và thực hiện nghiêm túc chế độ báo cáo đảm bảo đầy đủ, chính xác, kịp thời phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành và tổ chức phòng cháy chữa cháy rừng.

Bên cạnh đó, UBND tỉnh Lâm Đồng phân cấp mức độ cháy rừng và biện pháp chữa cháy rừng như sau:

- Thứ nhất, quy mô đám cháy nhỏ (có diện tích nhỏ hơn 0,5 ha): Lực lượng PCCCR nòng cốt tại cơ sở (nhân viên tiểu khu, kiểm lâm địa bàn, các thành viên trong ban lâm nghiệp xã/ ban chỉ huy PCCCR cấp xã) có trách nhiệm chỉ huy và tổ chức chữa cháy rừng với lực lượng chính là các hộ nhận khoán bảo vệ rừng/nhân viên bảo vệ rừng của các doanh nghiệp thuê đất thuê rừng.

Để PCCCR hiệu quả cần nhanh chóng dập tắt đám cháy ngay khi mới phát sinh.

Để PCCCR hiệu quả cần nhanh chóng dập tắt đám cháy ngay khi mới phát sinh.

- Thứ hai, quy mô đám cháy trung bình (diện tích từ 0,5 đến 1,5 ha): Trong điều kiện thuận lợi về giao thông, phương tiện ô tô có thể tiếp cận đám cháy thì lãnh đạo các đơn vị gồm chủ rừng, UBND cấp xã và hạt kiểm lâm phải chỉ huy chữa cháy rừng; đồng thời nhận định tình hình để tổ chức chữa cháy theo phương án “4 tại chỗ”; trường hợp đám cháy vượt khả năng khống chế thì phải báo cáo ngay cho lãnh đạo UBND cấp huyện (Ban chỉ đạo cấp huyện) để trưng tập lực lượng ứng cứu trên địa bàn huyện/thành phố (công an, quân đội,…).

- Thứ ba, quy mô đám cháy lớn hơn 1,5 ha; vượt tầm khống chế của cấp huyện hoặc quy mô đám cháy tại vị trí, không có đường giao thông, phương tiện cơ giới không thể tiếp cận để chữa cháy, khu vực đồi cao, dốc lớn và tốc độ cháy rừng lan nhanh thì lãnh đạo UBND cấp huyện phải báo cáo ngay về Ban chỉ đạo cấp tỉnh để ứng cứu, hỗ trợ chữa cháy rừng kịp thời.