Lâm Đồng sẽ đề bạt cán bộ dám nghĩ, dám làm

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Quá trình triển khai Chỉ thị về phát huy tinh thần trách nhiệm, sự năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung, Quyền Bí thư Tỉnh uỷ Lâm Đồng Nguyễn Thái Học yêu cầu “thưởng - phạt” phải công bằng. Cán bộ, đảng viên có thành tích thì khen thưởng, đề bạt bổ nhiệm, còn người vi phạm tuỳ vào tính chất mà xử lý.
Toàn cảnh Hội nghị.

Toàn cảnh Hội nghị.

Chiều 25/4, Tỉnh uỷ Lâm Đồng tổ chức Hội nghị quán triệt, triển khai thực hiện Chỉ thị số 34-CT/TU ngày 20/4/2024 của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ về phát huy tinh thần trách nhiệm, sự năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung của đội ngũ cán bộ, đảng viên, quyết tâm hoàn thành thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI và Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII.

Đáng chú ý, tại Chỉ thị 34-CT/TU, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Lâm Đồng yêu cầu quán triệt và triển khai thực hiện đồng bộ trong đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động Phương châm "3 điều cần làm", "4 điều cần tránh".

"3 điều cần làm" là: Nói đi đôi với làm, làm điều đúng vì lợi ích chung; Làm hết trách nhiệm, quyết tâm cao, tư duy đổi mới; Làm mang lại hiệu quả cao nhất, chất lượng tốt nhất. Còn "4 điều cần tránh" gồm: Tránh làm sai, làm trái, tư lợi cá nhân; Tránh đùn đẩy, né tránh, sợ trách nhiệm; Tránh làm việc qua loa, đại khái, không mang lại hiệu quả và Tránh an phận thủ thường, dĩ hòa vi quý.

Quyền Bí thư Tỉnh uỷ Lâm Đồng Nguyễn Thái Học phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị.

Quyền Bí thư Tỉnh uỷ Lâm Đồng Nguyễn Thái Học phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị.

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Quyền Bí thư Tỉnh uỷ Lâm Đồng Nguyễn Thái Học cho biết, đây là Hội nghị rất quan trọng với sự tham gia của 6.500 cán bộ, lãnh đạo các cấp trên địa bàn tỉnh. Ông nhấn mạnh một số nội dung trọng tâm như sau:

Thứ nhất, Chỉ thị 34 thể hiện quyết tâm Ban Thường vụ (BTV) tỉnh uỷ Lâm Đồng trong chỉ đạo, lãnh đạo; Chỉ thị mang số 34 và nội dung trọng tâm của Chỉ thị là “3 điều cần làm, 4 điều cần tránh". Chỉ thị số 34 quan trọng bởi phạm vi điều chỉnh rất rộng, bao gồm tất cả cán bộ, đảng viên, viên chức, người lao động trên toàn tỉnh; Chỉ thị điều chỉnh tác phong, lề lối làm việc hàng ngày, hàng giờ của cán bộ đảng viên…Đặc biệt, mục tiêu Chỉ thị số 34 đặt ra quyết tâm hoàn thành thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI và Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII.

Thứ hai, Chỉ thị 34 được ban hành trong hoàn cảnh hết sức khẩn trương bởi chỉ còn 1 năm nữa là Đại hội đảng cấp cơ sở. Do đó, nếu không gấp rút, có khả năng nhiều mục tiêu không hoàn thành, nhất là chưa bao giờ tăng trưởng kinh tế Lâm Đồng đạt mức thấp như hiện nay, xếp 54/63 tỉnh, thành; 4 tháng vừa qua không có dự án nào đầu tư vào Lâm Đồng. Trong khi đó, thời gian vừa qua, nhiều cán bộ đảng viên vi phạm kỷ luật đảng, pháp luật nhà nước nên niềm tin vào đảng suy giảm; 1 bộ phận cán bộ đảng viên đùn đẩy, né tránh, không dám làm.

Thứ ba, nội dung cốt lõi của Chỉ thị 34 là việc gì đúng thì làm, việc gì sai thì tránh; cái gì có lợi cho dân, cho đảng thì làm, điều gì có hại thì tránh. Cán bộ đảng viên phải hết sức tránh tâm lý cầm chừng, qua loa đại khái, thấy đúng không dám làm, thấy sai không dám đấu tranh… Phải làm quyết tâm, quyết liệt, làm đến nơi đến chốn.

Thứ tư, quá trình triển khai thực hiện phải tạo chuyển biến tốt, tích cực tại cơ quan đơn vị, nếu không tạo được chuyển biến thì triển khai chỉ thị chưa có kết quả. Các địa phương, cơ quan triển khai khai Chỉ thị 34 bằng những việc cụ thể, việc nhỏ nhất, việc thường ngày để tạo sự chuyển biến. Người đứng đầu các cơ quan đơn vị phải gương mẫu, có trách nhiệm quán triệt triển khai tới cán bộ đảng viên ở địa phương đơn vị và chịu trách nhiệm về kết quả. Cần đột phá vào những khâu trì trệ, kém hiệu quả.

Ví dụ như thành phố Đà Lạt là nơi có cảnh quan đẹp, làm sao phát động cán bộ đảng viên làm sạch đẹp từ trong nhà ra khu phố. Qua quá trình triển khai sẽ xuất hiện các nhân tố điển hình để kịp thời động viên, phát triển; đồng thời cũng phát hiện những cán bộ, đảng viên thiếu trách nhiệm, kém năng lực để có giải pháp khắc phục…

Thứ năm, quá trình quán triệt, triển khai Chỉ thị 34 cần thưởng phạt công minh, công bằng. Cán bộ đảng viên nỗ lực, quyết tâm cao thì kịp thời phát hiện, biểu dương, khen ngợi, đề bạt bổ nhiệm; còn cán bộ, đảng viên vi phạm thì tuỳ vào tình chất mức độ mà xử lý. Điều quan trọng nhất là phải khơi dậy tinh thần năng động sáng tạo, qua quá trình triển khai sẽ xuất hiện các nhân tố điển hình để kịp thời động viên, phát triển.

Đọc thêm