Lâm Đồng: Tăng cường dự báo, chủ động phòng chống cháy rừng

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Để chủ động phòng chống cháy rừng trong mùa khô, tỉnh Lâm Đồng chỉ đạo dừng việc xử lý thực bì, tăng cường công tác dự báo, kịp thời thông tin đến các địa phương, đơn vị chủ rừng chủ động xử lý, ứng phó.
Lãnh đạo phường 4, TP Đà Lạt kiểm tra công tác phòng chống cháy rừng.
Lãnh đạo phường 4, TP Đà Lạt kiểm tra công tác phòng chống cháy rừng.

Thách thức cháy rừng mùa khô

Công tác phòng chống cháy rừng được tỉnh Lâm Đồng chú trọng triển khai, trong đó nhiều phường của TP Đà Lạt đạt được kết quả tốt. Điển hình như tại phường 4 đã thành lập Ban lâm nghiệp gồm 14 thành viên. Hàng năm, vào mùa khô, Ban lâm nghiệp tham mưu Chủ tịch UBND phường thành lập Ban chỉ huy phòng cháy, chữa cháy (PCCC) rừng; phối hợp với chủ rừng, kiểm lâm địa bàn xây dựng phương án, lịch trực PCCC rừng trên địa bàn. Ngoài ra, còn phối hợp lực lượng kiểm lâm tiến hành kiểm tra, nhắc nhở các điểm trực cháy và các công trình PCCC rừng của các đơn vị chủ rừng. Khi có cháy rừng xảy ra, Ban lâm nghiệp đã huy động lực lượng tại chỗ cùng với sự hỗ trợ của đơn vị kiểm lâm, chủ rừng nên đã kịp thời chữa cháy hiệu quả.

Không chỉ huy động lực lượng sẵn sàng bảo vệ rừng khi có nguy cơ cháy, Ban lâm nghiệp phường 4 còn thường xuyên phối hợp với bộ phận Tư pháp phường, Hạt Kiểm lâm, các đơn vị chủ rừng và các ban ngành ở địa phương tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về bảo vệ phát triển rừng, PCCC rừng trong các buổi họp thôn, tổ dân phố và hệ thống loa truyền thanh ở địa phương; phát hàng ngàn tờ rơi tuyên truyền Luật Bảo vệ và Phát triển rừng, Luật Đất đai.

Tuy nhiên, công tác phòng chống cháy rừng trên địa bàn này cũng gặp không ít khó khăn như: Một số nhà đầu tư được giao, cho thuê rừng chưa bố trí lực lượng đủ mạnh để thực hiện công tác quản lý bảo vệ rừng và PCCC rừng. Bên cạnh đó còn có một số nhà đầu tư không có cơ quan đại diện tại địa phương nên khó khăn trong công tác kiểm tra, phối hợp thực hiện công tác quản lý bảo vệ rừng.

Có diện tích rừng khoảng 2.000ha, lại nằm ngay trung tâm TP Đà Lạt, chính quyền phường 3 đã dừng biện pháp xử lý thực bì bằng cách đốt từ trước mùa khô rất dài để phục vụ Lễ hội Festival, các lễ hội trong kỳ nghỉ Tết Quý Mão vừa qua nên lượng thực bì tích tụ rất dày. Nhận thức được nguy cơ cháy rừng cao, ông Nguyễn Văn Hòa, Chủ tịch phường cho biết đã triển khai các biện pháp phòng, chống cháy rừng từ rất sớm, tuyên truyền người dân thực hiện nghiêm quyết định dừng đốt thực bì, thay vào đó là cắt, phát dọn, nhất là dọc đèo Prenn: “Cùng với đó, phường đã tổ chức các đội tuyên truyền, vận động người dân sống giáp rừng không đốt rác, thường xuyên tuần tra rừng. Tuy vậy, vẫn có một số vụ cháy thực bì xảy ra, rất may nhờ dập tắt kịp thời nên không gây thiệt hại về rừng”, ông Hòa nói.

Lượng thực bì tích tụ dày nên trên địa bàn phường 5 đã xảy ra cháy thực bì ngày Mùng 7 Tết Quý Mão vừa qua. May mắn nhờ phát hiện, tổ chức dập lửa kịp thời nên đám cháy được khống chế, không xảy ra thiệt hại về rừng. Ông Nguyễn Như Việt, Chủ tịch phường 5 cho biết, trên địa bàn có hơn 2.100ha rừng. Từ đầu năm, phường đã yêu cầu các chủ rừng xây dựng, báo cáo phương án, kế hoạch phòng, chống cháy rừng. Các chủ rừng khi xử lý thực bì phải cắt ranh, đảm bảo an toàn. Bên cạnh đó, UBND phường giao Ban lâm nghiệp tuyên truyền, phổ biến các nội dung phòng, chống cháy rừng đến các hộ nhận giao khoán rừng, chủ rừng, nhất là khu vực rừng dễ cháy; thường xuyên tuần tra, bảo vệ rừng, sẵn sàng lực lượng ứng cứu, dập lửa.

Dừng đốt thực bì, cắt cử lực lượng túc trực 24/24h

Năm nay, để kịp thời thực hiện tốt công tác PCCC rừng trên địa bàn, UBND tỉnh Lâm đồng đã có văn bản hoả tốc yêu cầu Sở NN&PTNT, UBND các huyện, TP Đà Lạt và Bảo Lộc cùng các đơn vị chủ rừng ngừng ngay việc xử lý thực bì mùa khô 2022 - 2023.

Lực lượng chức năng kịp thời khống chế, dập tắt một vụ cháy thực bì.

Lực lượng chức năng kịp thời khống chế, dập tắt một vụ cháy thực bì.

Nguyên nhân là do các đơn vị chủ rừng tiến hành xử lý vật liệu cháy bằng biện pháp phát dọn, đốt thực bì nhằm hạn chế cháy rừng và thiệt hại tài nguyên rừng do cháy rừng trong mùa khô nhưng đã thực hiện không đúng quy trình, kỹ thuật quy định. Điều này làm ảnh hưởng đến tài nguyên rừng, cảnh quan, nguy cơ gây ô nhiễm môi trường từ khói phát sinh do đốt lớp thực bì gây ra.

Thay vì xử lý thực bì theo hình thức châm lửa đốt cháy lớp cỏ, cây bụi tầng thấp như trước đây, UBND tỉnh Lâm Đồng yêu cầu các cơ quan, đơn vị chủ rừng, UBND cấp xã chủ động lực lượng, phương tiện kỹ thuật, chỉ huy, hậu cần theo phương châm 4 tại chỗ “Lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ, hậu cần tại chỗ, chỉ huy tại chỗ” để kịp thời xử lý, dập tắt ngay đám cháy khi mới phát sinh, không để bùng phát, xảy ra cháy lớn.

Đồng thời, bố trí lực lượng trực 24/24 giờ để kịp thời phát hiện đám/điểm cháy rừng, thông báo và tổ chức lực lượng triển khai các biện pháp chữa cháy rừng, dập tắt ngay các đám cháy khi mới phát sinh, không để ảnh hưởng đến tài nguyên rừng và cảnh quan môi trường. Trường hợp xảy ra cháy lan, cháy lớn vượt tầm khống chế, kiểm soát của lực lượng tại chỗ, phải thông báo, huy động lực lượng cấp huyện, sự hỗ trợ của tỉnh để tham gia chữa cháy rừng…

Cùng với đó là tuyên truyền, nâng cao ý thức của người dân trong việc phòng, chống cháy rừng mùa khô.

UBND tỉnh cũng giao Sở NN&PTNT tập trung chỉ đạo, tăng cường kiểm tra công tác phòng cháy, chữa cháy tại các địa phương, đơn vị chủ rừng; kịp thời phát hiện những trường hợp vi phạm, thiết lập đầy đủ hồ sơ, làm rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân liên quan trong việc để xảy ra vi phạm, xử lý hoặc đề xuất xử lý theo thẩm quyền. Đồng thời, rà soát, khắc phục ngay những tồn tại, hạn chế trong công tác PCCC rừng; tổ chức cảnh báo, dự báo nguy cơ cháy rừng để kịp thời thông tin đến các địa phương, đơn vị chủ rừng chủ động xử lý, ứng phó.

Đọc thêm