Nợ đọng dây dưa, khó xử lý
Trao đổi với PLVN, ông Võ Đình Thọ - Giám đốc Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng (BV&PTR) Lâm Đồng cho biết: “Việc xử lý một số đơn vị sử dụng dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) không nộp, chậm nộp tiền DVMTR thời gian qua và hiện nay hết sức lúng túng. Do vậy, đến nay vẫn còn một số đơn vị chưa nộp tiền DVMTR khoảng 595 triệu đồng.
Công tác chi trả tiền DVMTR cũng gặp khó khăn, vì một số đơn vị chủ rừng thực hiện chưa tốt công tác rà soát diện tích, hiện trạng rừng trong lập hồ sơ chi trả, nên vẫn chưa bóc tách hết những diện tích không đủ tiêu chí chi trả ra khỏi hồ sơ. Các đơn vị chủ rừng thực hiện công tác lập hồ sơ chi trả hàng năm, bảng kê tạm ứng hàng quý còn chậm trễ, nên ảnh hưởng đến việc tạm ứng tiền cho các hộ dân nhận khoán bảo vệ rừng (BVR)”.
Trong năm 2015 và 6 tháng đầu năm 2016, Quỹ BV&PTR Lâm Đồng đã thu được tổng số tiền BV&PTR trên 163 tỷ đồng. Trong đó, thu kế hoạch năm 2015 là 144.837.594.724 đồng, thu trong 6 tháng năm 2016 hơn 8 tỷ 362 triệu đồng. Số tiền nợ của các đơn vị hiện nay còn khoảng 595 triệu đồng.
Trong đó Nhà máy thủy điện Quảng Hiệp (thuộc Công ty Cổ phần Đầu tư và Kinh doanh điện 586) nợ trên 70 triệu đồng (nợ năm 2011-2015); Nhà máy Thủy điện Đắc Mêk 1 nợ 450 triệu đồng (2012-2015); Khu du lịch Trần Lê Gia Trang (Đà Lạt) nợ trên 75 triệu đồng (2011-2015).
UBND tỉnh, Sở NN&PTNT cũng như Quỹ BVPTR Lâm Đồng đã nhiều lần đôn đốc, nhắc nhở bằng văn bản, song các đơn vị nợ đọng nói trên cứ khất hẹn, rồi cuối cùng “đâu lại vào đó”, vì chưa có biện pháp chế tài nghiêm khắc.
Quỹ BV&PTR lâm Đồng cho hay, tổng diện tích rừng được nghiệm thu chi trả tiền DVMTR năm 2015 chuyển sang tiếp tục để chi trả năm 2016 là 354.754,10ha. Tổng số hộ tham gia BVR trên địa bàn tỉnh được chi trả tiền hiện nay là 17.073 hộ (gồm 13.534 hộ đồng bào dân tộc thiểu số, chiếm khoảng 79% và 3.539 hộ người Kinh) và 33 tập thể.
Trong đó, chủ rừng là tổ chức Nhà nước có 30 đơn vị với diện tích 333.953 ha; chủ rừng là tổ chức ngoài nhà nước (50 đơn vị) với diện tích: 12.485ha; chủ rừng là hộ gia đình và cộng đồng dân cư thôn (1.532 hộ gia đình và 05 cộng đồng thôn) với diện tích: 8.316ha. Trong năm 2015 và 6 tháng đầu năm 2016, Quỹ BV&PTR đã chi trả cho các chủ rừng tổng cộng 163.521.409.000 đồng; riêng 6 tháng đầu năm là trên 35 tỷ đồng.
Tuy Nhà nước đã chi ra hàng trăm tỷ cho công tác BV&PTR, nhưng một thực trạng đáng buồn là thời gian qua rừng của Lâm Đồng vẫn bị tàn phá nặng nề và nạn phá rừng hiện nay vẫn diễn biến phức tạp. Lâm Đồng có tổng diện tích tự nhiên 977.219ha, trong đó có 596.671ha được quy hoạch 3 loại rừng bao gồm: rừng đặc dụng 84.778ha, chiếm 14%; rừng phòng hộ 173.730ha, chiếm 29% và rừng sản xuất 338.163ha, chiếm 57%.
Nhiều năm qua, rừng Lâm Đồng đóng vai trò quan trọng trong bảo vệ môi trường sinh thái, điều tiết nguồn nước các sông suối, hồ trên địa bàn và khu vực Đông Nam bộ. Với diện tích và vị thế của rừng đầu nguồn, sự đa dạng sinh học là nhân tố giữ gìn môi trường, cảnh quan thiên nhiên, khí hậu quan trọng bậc nhất trong chiến lược phát triển du lịch, dịch vụ và các ngành kinh tế khác, do đó việc BV&PTR được tỉnh đặc biệt quan tâm.
Song, thực tế công tác quản lý bảo vệ còn nhiều bất cập, yếu kém dẫn đến diện tích rừng ngày một bị thu hẹp so với trước đây. Theo thống kê, trong vòng 6 năm qua xảy ra trên 13.000 vụ vi phạm Luật BV&PTR, trong đó có 3.330 vụ phá rừng trái phép đã gây thiệt hại hơn 1.353ha rừng.
Chính vì vậy, tại hội nghị tổng kết Chỉ thị 41 của Tỉnh ủy Lâm Đồng vừa qua, Chủ tịch UBND tỉnh - Đoàn Văn Việt đã phải đặt câu hỏi đối với các cơ quan chức năng và lãnh đạo các địa phương: Vì sao độ che phủ rừng từ trên 60% nay còn 52%? Ngoài diện tích rừng giao cho các dự án, gần 30.000ha rừng bị lấn chiếm, sử dụng trái phép, sử dụng sai mục đích. Điều này đặt ra trách nhiệm quản lý địa bàn của lực lượng kiểm lâm, chủ rừng và các địa phương để mất rừng.
Qua đó, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng nhấn mạnh: Cần kiên quyết với đối tượng làm ngơ, tiếp tay cho việc lấn chiếm đất rừng và nếu có sự thông đồng, cấu kết trong các vụ phá rừng phải điều tra xử lý triệt để. Bởi không ai có thể xây vách ngăn rừng với đất sản xuất, nên trong thời gian tới cần huy động cả hệ thống chính trị tham gia bảo vệ rừng một cách hiệu quả, mà trách nhiệm thuộc về người đứng đầu cấp ủy, chủ rừng, kiểm lâm.
Kiểm tra, giám sát còn lỏng lẻo
Ngay sau khi thành lập Quỹ BV&PTR vào năm 2010, hệ thống Kiểm tra giám sát (KTGS) việc chi trả DVMTR trên địa bàn tỉnh cũng được triển khai. Toàn tỉnh hiện có 11 Ban KTGS cấp huyện (riêng TP Bảo Lộc không lập Ban KTGS vì diện tích rừng ít và Hạt Kiểm lâm thực hiện nhiệm vụ của đơn vị chủ rừng) với tổng số thành viên là 352 thành viên (gồm cán bộ kiểm lâm: 130 người, cán bộ xã phường, thị trấn: 208 người, hợp đồng chuyên trách: 14 người).
Thời gian qua, thành viên Ban KTGS cấp huyện trực tiếp, phối kết hợp cùng cán bộ Quỹ BV&PTR tỉnh thực hiện công tác xác minh đối tượng hộ nhận khoán bảo vệ rừng (BVR), giám sát công tác chi trả tiền DVMTR hàng quý, kiểm tra hiện trường diện tích cung ứng DVMTR bị mất (do phá, cháy rừng) hàng năm tại các đơn vị chủ rừng có chi trả DVMTR.
Tuy nhiên, đáng quan tâm là sai phạm trong chi trả tiền DVMTR vẫn xảy ra. Quỹ BV&PTR Lâm Đồng cho hay đã phát hiện một số đơn vị chủ rừng thực hiện chưa đúng các hướng dẫn, quy định của Sở NN&PTNT và các ngành chức năng như: Chi trả tiền DVMTR hàng quý cho các hộ nhận khoán còn chậm; chi không đúng đối tượng hộ nhận khoán theo hướng dẫn của Sở NN&PTNT.
Chính vì vậy, ngày 06/5/2016 UBND tỉnh Lâm Đồng có Văn bản số 2398/UBND-LN yêu cầu Sở NN&PTNT, Quỹ BV&PTR Lâm Đồng kiểm tra, chấn chỉnh việc thực hiện chính sách chi trả môi trường rừng. Trong đó có yêu cầu Quỹ BV&PTR tỉnh phối hợp với các cơ quan chức năng tổ chức kiểm tra, rà soát, đánh giá việc quản lý, sử dụng tiền dịch vụ môi trường rừng của các tổ chức, cá nhân liên quan; trường hợp phát hiện sai phạm phải kịp thời chấn chỉnh, xử lý, khắc phục hậu quả theo đúng quy định của pháp luật.
Thiết nghĩ, đã đến lúc lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng và các ngành chức năng cần quan tâm hơn nữa đến công tác BV&PTR nhằm tránh tình trạng chây ỳ trong việc nộp tiền BV&PTR cũng như trục lợi từ hoạt động chi trả tiền từ DVMTR. Có như vậy mới giữ mãi màu xanh cho vùng đất Nam Tây Nguyên, nhất là khi Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo đóng cửa rừng tự nhiên.