Một trong luật ít đi vào cuộc sống nhất chính là Luật Bảo vệ rừng. Thay thế vào đó là “luật rừng”, biến những người có trách nhiệm bảo vệ rừng thành lâm tặc, họ xử sự theo “luật rừng” và 'kết quả' lớn nhất của họ được ghi nhận là “cơ bản phá xong rừng”!
Dẫn chứng mới nhất là phiên tòa xử vụ phá rừng đặc dụng lớn nhất Đà Nẵng đang mở ra trong những ngày này. Cả "bộ sậu" một Trạm bảo vệ rừng đã thành bị cáo vì tội nhận hối lộ để người ta phá rừng. Họ nhất trí cao với lâm tặc nhận tiền triệu cho 1 xe gỗ đi qua. Thiệt hại vật chất cho việc phá rừng này khoảng 700 triệu đồng, họ nhận được 30 triệu, nhưng thiệt hại môi trường, thiệt hại niềm tin vào pháp luật thì làm sao tính toán được. Ngoài những người bảo vệ rừng này ra, cán bộ Kiểm lâm cũng tiếp tay cùng lâm tặc nhằm giảm tội, rất may và rất tiếc là các quan chức kiểm lâm “nhúng chàm” này chỉ bị xử lý hành chính.
Rừng bị tàn phá một cách có hệ thống và những vụ phá rừng quy mô đều có bàn tay của một số các cán bộ chính quyền, bảo vệ pháp luật và lực lượng bảo vệ rừng.
Có những con đường lâm nghiệp được mở ra bằng tiền thuế của dân chỉ phục vụ mục đích... phá rừng. Không ít cán bộ giàu lên, có khối tài sản bất minh lớn là do "công cuộc" phá rừng mang lại cho họ.
Hệ lụy của việc phá rừng ảnh hưởng trực tiếp đến sự công minh, công bằng pháp luật.
Đóng cửa rừng ngay và bằng mọi giá để giữ lại rừng tự nhiên còn sót lại hiện nay. Cứ để rừng tự nhiên phát triển xin đừng phá đi để trồng mới làm gì. Dân đã chịu lũ ống, lũ quét, hạn hán, ngập lụt, lở đất, người chết..., do phá rừng mang lại đã quá nhiều rồi.
Cha ông để lại cho chúng ta rừng vàng, biển bạc và chúng ta đã thừa kế như thế nào, có còn gì để lại cho con cháu mai sau không?!