“Nếu bắt phải chứng minh có “đòi” thì là tiếp tay cho tội phạm” – ông Thuyền nói. Chứng minh tiếp cho quan điểm của mình, ĐB Nguyễn Bá Thuyền phân tích thêm: Cán bộ gây khó khăn, người dân đưa hối lộ, khi người dân mất lòng tin, người dân tự đưa, "làm gì có chuyện cứ phải đòi mới đưa".
“Tôi đề nghị phải bỏ từ “đòi”. Quy định như thế nhân dân sẽ không đồng tình. Tôi từng được chứng kiến một Bộ trưởng đã trả lời trên truyền hình: “Cán bộ của tôi không ai đòi, tại người ta cứ đưa" - ĐB Nguyễn Bá Thuyền phát biểu trước nghị trường.
Tại Dự thảo Luật Hình sự có 9 tội danh được đề nghị “phi hình sự hóa”. Tuy nhiên, riêng với tội danh “cố ý làm trái”, theo ĐB Nguyễn Bá Thuyền, nếu bỏ tội danh này là có tội với nhân dân.
Ông nói: “Đề nghị Ban soạn thảo phải nghiên cứu kỹ và phải thông tin cho ĐBQH là hiện có bao nhiêu cán bộ đang phải đi tù vì “tội cố ý làm trái”, bao nhiêu cán bộ đang bị khởi tố, điều tra, truy tố và xét xử vì hành vi này; bởi nếu chúng ta bỏ tội này thì đương nhiên những người đang bị khởi tố, điều tra, xét xử về tội này sẽ bị đình chỉ; những người đang thi hành án sẽ được ra tù; nếu thế thì kể cả tội phạm trong vụ án Vinashin cũng được tha, ra tù ngay lập tức. Do đó theo tôi cần giải thích kỹ trước khi QH bấm nút, nếu không cứ như thế chúng ta tha hết những người này ra tù thì chúng ta có tội với nhân dân"
Dự thảo đề nghị bỏ tử hình ở 7 loại tội nhưng ĐB Thuyền bày tỏ quan điểm chỉ đồng ý với 5 loại tội: Tội phá hủy công trình, tội phá hoại hòa bình, tội chống lại loài người, tội phạm chiến tranh, tội đầu hàng địch.
"Nếu bỏ tử hình đối với tội vận chuyển ma túy thì sẽ không xử được ai, vì nếu bị bắt thì tất cả những người bắt được chỉ nói là họ chỉ vận chuyển thôi. Với tội cướp tài sản tôi cũng không đồng tình vì hành vi cướp cũng hết sức nguy hiểm. Có vụ cướp suốt từ Lạng Sơn vào tới Đà Nẵng, toàn dùng thuốc mê, nếu không được cứu chữa kịp thời thì gây hậu quả chết người, nếu chết người thì sẽ tử hình, nếu bỏ tử hình sẽ không đảm bảo sức răn đe, giáo dục với loại tội phạm này." ông nói.